Giải pháp thúc đẩy đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Sáng ngày 29/8, tại TP.Cần Thơ, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy đưa người lao động các địa phương phía Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan chủ trì, phát biểu khai mạc hội thảo, cùng sự hiện diện của ngành LĐ-TB&XH của 23 tỉnh, thành phía Nam.

Với mong muốn người người lao động Việt Nam được tiếp cận các cơ hội việc làm ngoài nước có thu nhập hấp dẫn, môi trường, điều kiện làm việc tốt, Trung tâm Lao động ngoài nước định hướng phát triển thành một địa chỉ tin cậy, được nhiều người lao động biết đến khi có định hướng đi làm việc ở nước ngoài. Hai mươi ba tỉnh phía Nam có tiềm năng, nguồn lực lao động rất lớn, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cấp, các ngành ở địa phương. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có chính sách hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể, 2019: gần 153 nghìn người; 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm đáng kể chỉ còn khoảng 78 nghìn và 45 nghìn người lần lượt các năm; năm 2022, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tăng trở lại với 143 nghìn người. Trong 8 tháng đầu năm 2023 có 97.223 người. Đại bộ phận người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tập trung chủ yếu tại 03 thị trường truyền thống và trọng điểm đối với lao động Việt Nam là Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, chiếm trên 93% số lượng lao động xuất cảnh hàng năm với việc làm phù hợp và ổn định, thu nhập tốt.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ông Nguyễn Bá Hoan phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo số liệu ước tính, hiện có khoảng 580 nghìn lao động Việt Nam làm việc ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn tập trung ở các thị trường: Nhật Bản với khoảng 250 nghìn người; Đài Loan (Trung Quốc) với khoảng 230 nghìn người; Hàn Quốc với khoảng 50 nghìn người; còn lại ở các thị trường Châu Âu, Trung Đông và Malaysia. Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với nhiều loại hình ngành nghề công việc khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm 80% (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Lao động làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao và ổn định, điều kiện làm việc được bảo đảm, khoảng 1.200 – 1.500 US$/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, 800 - 1.200 US$ tại Đài Loan và các nước Châu Âu, 600 – 1.000 US$/tháng đối với lao động có nghề và 400 – 600US$ đối với lao động phổ thông ở địa bàn Trung Đông, Malaysia.

Nhìn chung, người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài được người sử dụng lao động đánh giá tích cực về sự cần cù, chăm chỉ, khéo tay với khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo và làm việc năng suất, chất lượng, nên các chủ sử dụng nước ngoài muốn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, lao động Việt Nam vẫn còn có những hạn chế nhất định về khả năng giao tiếp ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật.

Hội thảo Thúc đẩy đưa người lao động các địa phương phía Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận.

Từ cuối năm 2012 đến nay, Trung tâm lao động ngoài nước đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố, Văn phòng HRD tại Việt Nam, Văn phòng IM Japan tại Việt Nam tổ chức 17 Hội chợ việc làm và 47 Phiên giao dịch việc làm hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động đã tham gia Chương trình EPS và Chương trình IM Japan về nước tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản và các doanh nghiệp khác có nhu cầu tuyển dụng đối tượng lao động này, đã thu hút được gần 6.000 người lao động đăng ký tư vấn, phỏng vấn.

Tại Hội thảo, bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ cho biết, từ năm 2020 đến tháng 8/2023 Cần Thơ có 1.428 lao động xuất cảnh đi làm việc tại các thị trường nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan 836 lao động, Nhật Bản 520 lao động.

Tuy nhiên, tình hình đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan từ năm 2022 đến nay của thành phố Cần Thơ nói chung chỉ đạt số lượng nhỏ, cụ thể: Người lao động Cần Thơ xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS rất thấp (năm 2022 chỉ có 27 người tham gia Chương trình EPS, chiếm tỷ lệ 5,23%; trong 08 tháng đầu năm 2023, chỉ có 25 người tham gia Chương trình EPS, chiếm tỷ lệ 5,48% so với tổng số lao động Cần Thơ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Năm 2022 và 08 tháng đầu năm 2023, thành phố Cần Thơ không có lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ông Nguyễn Bá Hoan và đại diện ngành LĐ-TB&XH của 23 tỉnh, thành phía Nam.

Theo bà Xuân Mai, qua khảo sát và tìm hiểu vì sao “người lao động chưa mặn mà với 02 thị trường lao động này” là do các nguyên nhân như: Công tác tuyên truyền, giới thiệu 02 Chương trình (EPS và IM Japan) chưa sâu rộng, người lao động chưa thật sự hiểu rõ về 02 Chương trình này. Rào cản lớn nhất, đặc biệt là lao động ở vùng quê miền Tây Nam bộ là việc học ngoại ngữ (tiếng Hàn Quốc và tiếng Nhật Bản), người lao động lo ngại về thời gian học và địa điểm học học ngoại ngữ (ngoài thành phố Cần Thơ, học ngoại ngữ tại Hà Nội).

Khi tham gia Chương trình EPS hoặc IM Japan, người lao động phải trải qua nhiều vòng thi, tạo tâm lý lo lắng, e ngại: không biết mình đạt không? thời gian chờ đợi là bao lâu? Trong khi nguời lao động chưa có việc làm, không có thu nhập trong thời gian chờ đợi này.

Việc tuyển chọn nhỏ giọt do quy trình đi làm việc tại Hàn Quốc phải qua nhiều giai đoạn, người lao động sau khi vượt qua các kỳ thi còn phải chờ đợi Chủ sử dụng lao động lựa chọn, tuyển dụng mà không qua phỏng vấn. Tuy chi phí tham gia Chương trình thấp, nhưng người lao động phải ký quỹ với số tiền khá lớn 100.000.000 đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đây thật sự là điều vượt khả năng của người lao động địa phương. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã có, song mới chỉ hướng đến người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và thân nhân của người có công với cách mạng. Các đối tượng lao động khác như (quân nhân xuất ngũ, hộ khó khăn nhưng không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) chiếm đa số trong những người muốn đi làm việc ở nước ngoài nhưng có khó khăn về tài chính, chưa có cơ chế chính sách cụ thể để được hỗ trợ khi dự tuyển đi làm việc ở nước ngoài.

Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND thành phố Cần Thơ trình HĐND TP.Cần Thơ ban hành NQ hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm, trong đó có Chính sách cho phép người lao động vay ưu đãi ký quỹ. Kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH đồng thuận cho Tp Cần Thơ được thành lập "Sàn giao dịch việc làm điện tử cấp vùng". Đồng thời, xem xét mở cơ sở đào tạo và tổ chức đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động phía Nam tại tp Cần Thơ (căn cứ vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, giao thông thuận lợi: đường hàng không, đường bộ, đường thủy,...).

Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp báo cáo tại hội nghị, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không chỉ tạo cơ hội làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là những người chưa tìm được việc làm ổn định, mà còn giúp người lao động tích lũy vốn, kiến thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trước mắt và lâu dài”.

Kết quả thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong những năm qua đạt được kết quả rất khả quan, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm sau cao hơn năm trước. Có 12/12 huyện, thành phố thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao hàng năm; cụ thể, từ năm 2014 đến tháng 8 năm 2023 có 13.128 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 5.704 nữ; thị trường lao động đến làm việc: Nhật Bản 9.772 lao động; Hàn Quốc 808 lao động; Đài Loan 1.906 lao động; Malaysia 186 lao động và thị trường khác 456 lao động. Tính từ năm 2014 đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 273 lao động đi theo Chương trình EPS, trong đó riêng 8 tháng đầu năm 2023 có 17 đi làm việc theo Chương trình này.

Bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động của các địa phương tham gia các Chương trình của Trung tâm còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; kết quả không đồng đều giữa các địa phương và còn hạn chế so với khu vực khác, cụ thể số lượng người lao động của 23 tỉnh, thành phố phía nam chỉ chiếm 10% số lượng lao động đưa đi của Trung tâm

Tỷ lệ lao động là sinh viên, học viên các trường cao đẳng nghề của các tỉnh, thành phố phía Nam tham gia tuyển tuyển chọn lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài còn thấp, cụ thể từ năm 2018 đến nay qua 04 kỳ tuyển chọn thí điểm lao động tay nghề Hàn theo Chương trình EPS, Trung tâm không tuyển được sinh viên nào từ các trường dạy nghề phía Nam.

Vì vậy, thời gian tới Cục Quản lý lao động ngoài nước, ra một số giải pháp như các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp qua phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm về các nội dung: Thị trường lao động ngoài nước nhu cầu, điều kiện đối với người lao động; quyền lợi, chế độ tiền lương, thu nhập; chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam và thị trường tiếp nhận lao động. Định hướng cho người lao động lựa chọn thị trường, lĩnh vực, nghành, nghề, công việc đi làm việc ở nước ngoài để góp phần ổn định việc làm, cuộc sống sau khi về nước. Các gương điển hình, mô hình thành công của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gây dựng phong trào đi làm việc ở từng địa phương, cơ sở.

Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương như hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ phù hợp với nhu cầu của thị trường ngoài nước; hỗ trợ cho các đối tượng thuộc chính sách chung của Nhà nước và của riêng từng địa phương; Xây dựng cơ chế gắn kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cơ sở để phát huy và tận dụng các điều kiện, cơ sở vật chất trong việc giới thiệu, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác đưa lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/giai-phap-thuc-day-dua-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-20230829110537.htm