Giải pháp phát triển nhân lực công nghiệp chip bán dẫn

Dự báo, trong 5 năm tới, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn khoảng 20.000 người và 10 năm tới là 50.000 người trình độ từ Đại học trở lên.

Sáng nay (19/10), tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở Giáo dục Đại học Việt Nam

Đại diện gần 40 cơ sở giáo dục đại học trong nước, đại diện nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn tham dự Hội thảo.

Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở Giáo dục Đại học Việt Nam

Các đại biểu dự Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Công ty Synopsys Việt Nam cho biết, Công ty có hơn 120 văn phòng trên toàn thế giới với hơn 19.000 kỹ sư, doanh thu năm 2022 đạt hơn 5 tỷ đô la Mỹ. Tại Việt Nam, Công ty hiện có hơn 500 kỹ sư đang làm việc ở Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Vinh, nhu cầu nhân lực về chíp bán dẫn tại nước ta cũng như trên toàn cầu là rất lớn, nhất là kỹ sư có kinh nghiệm, được trả mức thù lao cao. 1 kỹ sư thiết kế vi mạch có 20 năm kinh nghiệm thu nhập bình quân 1,5 tỷ đồng/năm sau thuế; Một sinh viên mới ra trường là 200 triệu đồng/năm sau thuế… Theo ông Nguyễn Phúc Vinh, hiện nay nguồn nhân lực này rất khó tuyển dụng.

“Trung bình 1 văn phòng mới hoặc 1 nhóm thiết kế mới có nhu cầu từ 50 đến 100 kỹ sư trong 2 năm đầu tiên. Thời gian tuyển dụng trung bình cho kỹ sư có kinh nghiệm tăng từ 2 tháng lên 6 tháng hiện tại, tức đang rất khó tuyển dụng kỹ sư có kinh nghiệm và các kỹ sư mới ra trường cũng rất khó. Đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh các bạn sinh viên năm 3 đã đi làm rồi”- ông Nguyễn Phúc Vinh nói.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: 1 trong 5 lĩnh vực thành phố Đà Nẵng ưu tiên tập trung phát triển đó là Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Thành phố Đà Nẵng là một trong những Trung tâm kinh tế -xã hội và đào tạo lớn ở nước ta đang rất thiếu kỹ sư công nghệ chíp bán dẫn. Thành phố có một nền tảng, điều kiện rất thuận lợi trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, hiện nay, 1 trong 5 lĩnh vực thành phố Đà Nẵng ưu tiên tập trung phát triển đó là Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Năm 2022, kinh tế số chiếm gần 20% GRDP thành phố Đà Nẵng. Thành phố có gần 2.500 doanh nghiệp công nghệ số, đứng thứ 2 sau thành phố Hồ Chí Minh. Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số của thành phố chiếm tối thiểu 30% GRDP, đạt tối thiểu 8.900 doanh nghiệp và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, khu công viên phần mềm. Đà Nẵng có lợi thế hơn so với các địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên là nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật công nghệ được đào tạo bài bản từ nhiều cơ sở đào tạo trên địa bàn.

“Chúng tôi đang triển khai xây dựng một số cơ chế chính sách để thúc đẩy nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố. Trong đó chúng tôi sẽ có một số cơ chế tạo điều kiện thu hút nhân lực vào học trong các ngành này. Chúng tôi sẵn sàng có các cơ chế về học bổng hoặc cho vay để các em có thể học các ngành mà chúng ta đang có định hướng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài trong lĩnh vực chíp bán dẫn và ngành công nghệ nói chung”- ông Nguyễn Văn Quảng nói.

5 trường Đại học trong nước ký biên bản hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ

Nước ta hiện có hơn 50 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đầu tư vào công nghiệp vi điện tử và bán dẫn. Theo dự báo, trong 5 năm tới, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này khoảng 20.000 người và 10 năm tới là 50.000 người trình độ từ Đại học trở lên.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đây cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục chuyển hướng đến đào tạo ra thế hệ kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực chíp bán dẫn phù hợp xu thế hội nhâp. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý không thể thấy nhu cầu tuyển dụng của thị trường cao mà các trường đều ồ ạt tuyển sinh.

“Cần phải có giải pháp đột phá, ngành này là ngành mới chúng ta không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, những thói quen cũ và cách làm cũ được. Phải có cách làm, giải pháp, tầm nhìn thực sự mới mẻ. Với các trường đủ quết tâm, chứng minh được khả năng của mình thì sẵn sàng cho các trường tuyển sinh sớm, vừa tổ chức đào tạo vừa hoàn thiện các điều kiện, chúng ta phải sẵn sàng như vậy. Trước hết về mặt thể chế, các trường Đại học tham gia đào tạo lĩnh vực này cần có sự điều phối cả nhân lực chung chứ không chỉ có cơ sở vật chất chung” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý.

Thành Long/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/giai-phap-phat-trien-nhan-luc-cong-nghiep-chip-ban-dan-post1053669.vov