Giải pháp nào tháo gỡ căng thẳng Canada - Ấn Độ?

Sau vụ ám sát thủ lĩnh người Sikh ở Canada, căng thẳng đã gia tăng giữa Ấn Độ và Canada. Trong diễn biến mới nhất, Ấn Độ đã yêu cầu Canada phải rút 41 nhà ngoại giao khỏi nước này trước ngày 10/10 tới.

Căng thẳng giữa Canada và Ấn Độ những ngày qua không những không giảm nhiệt mà tiếp tục leo thang liên quan đến vụ ám sát thủ lĩnh phong trào vũ trang Khalistan của người Sikh tại Canada, mà Ottawa cáo buộc có liên quan đến phía New Delhi.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại một sự kiện đa phương. Ảnh: ANI.

Với các quan điểm khác biệt, hai bên dường như chưa thể có được giải pháp nào để khơi thông bế tắc, khiến một số hợp tác song phương quan trọng đang bị chệch hướng. Liệu có hướng đi nào hiệu quả cho căng thẳng ngoại giao Canada - Ấn Độ vẫn đang dai dẳng hiện nay?

Khác biệt trong nhìn nhận

Căng thẳng ngoại giao giữa Ấn Độ và Canada nổ ra cách đây hai tuần vẫn đang trên đà leo thang với quyết định mới nhất của Ấn Độ, yêu cầu Canada phải cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao của nước này ở New Delhi về với số lượng tương xứng. Cả hai vẫn đang giằng co với những đòn trả đũa qua lại và chưa bên nào tỏ rõ dấu hiệu nhượng bộ, hay thay đổi cách tiếp cận của mình. Cần nhìn nhận rằng đây là một vụ việc nghiêm trọng theo quan điểm và lợi ích của cả Ấn Độ và Canada, và đây chính là nguyên nhân khiến hai bên chưa xuống thang.

Trước hết, với Canada, nước này vẫn cho rằng việc các đặc vụ Ấn Độ có dính líu tới vụ sát hại Hardeep Singh Nijjar – 1 công dân Canada ngay trên đất Canada là vi phạm an ninh và chủ quyền của nước này. Nếu không có biện pháp đáp trả tương xứng, dư luận trong nước sẽ không dễ dàng bỏ qua cho chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau. Điều này càng gây áp lực, đẩy Canada tới chỗ ‘không có đường lùi’ trong cuộc giằng co với Ấn Độ.

Về phía Ấn Độ, dù mức độ liên quan tới cáo buộc của Canada vẫn chưa được chứng minh, nước này vẫn có cái lý riêng khi đáp trả Canada. New Delhi luôn coi Phong trào Khalistan của một bộ phận người Sikh cực đoan là vấn đề an ninh quốc gia. Phong trào này qua nhiều thập kỷ liên tục khuấy động và đòi thành lập một quốc gia độc lập cho người Sikh ở bang Punjab của Ấn Độ và tỉnh Punjab của Pakistan là điều không thể chấp nhận. Các thành viên của Khalistan hiện tại được cho là vẫn đang âm mưu khơi lại những vết thương trong lòng Ấn Độ cả từ trong và ngoài nước.

Trong khi đó, Ấn Độ đã từng nhiều lần yêu cầu Canada, cùng các nước phương Tây khác như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand cần có các biện pháp đảm bảo an toàn cho công dân và các lợi ích của Ấn Độ tại các nước này, ngăn chặn những kẻ mà New Delhi coi là khủng bố, kích động, khơi dậy bạo lực và chủ nghĩa ly khai.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng bất bình trước những cáo buộc trực tiếp, công khai của Thủ tướng Trudeau trước Quốc hội Canada, chỉ ít ngày sau khi trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại New Delhi. Bất chấp yêu cầu của phía Ấn Độ, Thủ tướng Canada vẫn chưa đưa ra các bằng chứng cụ thể. “Các liên kết tiềm năng” hay sự dính líu của các nhân viên ngoại giao Ấn Độ tới vụ việc cũng được hiểu là vụ điều tra chưa hoàn tất. Bởi thế, các cáo buộc là không có cơ sở. Và còn rất nhiều thực tế khó chịu khác mà Ấn Độ từ lâu vẫn phải chấp nhận từ phía Canada.

Đây chính là lý do mà New Delhi vẫn đang duy trì các biện pháp đáp trả cứng rắn. Ấn Độ cho rằng phương Tây một mặt duy trì hợp tác với Ấn Độ, nhưng mặt khác vẫn dung dưỡng các phần tử cực đoan có thể gây hận thù, thậm chí xâm phạm với lợi ích quốc gia của Ấn Độ. Điều đó đơn giản là không thể chấp nhận.

Căng thẳng có thể lên nấc cao mới

Cuộc đối đầu hiện tại giữa Ấn Độ và Canada vẫn đang duy trì ở các biện pháp trả đũa ở mức độ ngoại giao và lãnh sự. Về mặt kinh tế, hai nước đã hủy các cuộc đám phán về hiệp định thương mại tự do song phương (FTA).

Hiện tại, Canada còn đang muốn mở cuộc vận động ngoại giao giữa các nước thành viên trong nhóm liên minh tình báo Ngũ nhãn gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia, và New Zealand. Ottawa đang muốn vận động các đồng minh tẩy chay hợp tác và trừng phạt New Delhi vì vụ việc này.

Nói cách khác, Canada muốn “quốc tế hóa” các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ấn Độ. Tuy vậy, các phản ứng tới thời điểm này của Mỹ, đồng minh láng giềng cho thấy họ không sẵn sàng ủng hộ Canada đi xa hơn trong tranh cãi với Ấn Độ.

Các quan chức Mỹ đều mong muốn Ấn Độ và Canada có thể tìm ra giải pháp cho tranh cãi song phương mà không cần tới các biện pháp trừng phạt. Các đồng minh của Canada hiểu rằng đây là vấn đề nội bộ trong quan hệ giữa hai nước và việc Ấn Độ bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi, trả đũa với Canada chắc chắn sẽ phá vỡ cục diện liên kết tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là nơi mà Mỹ đã đầu tư công sức, nỗ lực xây dựng quan hệ trong mấy năm qua để làm đối trọng với Trung Quốc.

Dư luận khu vực vẫn đang chờ đợi các diễn biến. Họ cho rằng, các động lực của căng thẳng trả đũa vẫn còn. Tuy nhiên, liệu hai nước có tiếp tục “thổi lửa” vào tranh cãi hay không còn tùy thuộc vào tình hình chính trị nội bộ cũng như lợi ích song phương đi kèm.

Tín hiệu từ đề xuất đám phán riêng

Tuyên bố được Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly đưa ra rằng Canada mong muốn các cuộc đàm phán riêng với Ấn Độ để giải quyết căng thẳng ngoại giao giữa hai nước được coi là cử chỉ nhằm hạ nhiệt tình hình hiện nay. Theo bà Joly, Canada đang liên lạc với chính phủ Ấn Độ để tìm giải pháp. Cùng với đó, Canada rất coi trọng sự an toàn của các nhân viên ngoại giao nước này và sẽ tiếp tục hợp tác riêng với Ấn Độ thông qua kênh ngoại giao.

Tuy nhiên, rất khó khẳng định đây là bước khởi đầu của một tiến trình “xuống thang” trong quan hệ song phương. Các động lực để vụ việc tiếp diễn vẫn còn đó, đặc biệt là trong nội bộ chính trường Canada.

Không ít lập luận cho rằng việc Thủ tướng Trudeau công bố cáo buộc nhằm vào Ấn Độ ngay tại Quốc hội có thể là động thái để chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi cuộc điều tra về can thiệp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử ở Canada. Nhiều sức ép từ nội bộ đang buộc ông Trudeau phải triển khai công việc này.

Những người gièm pha Thủ tướng Canada cáo buộc rằng Trung Quốc đã can thiệp để ủng hộ các ứng cử viên Đảng Tự do của ông trong cuộc bầu cử năm 2021, cuộc chạy đua mà họ giành chiến thắng. Vì thế, cáo buộc về mối liên hệ của Ấn Độ trong vụ sát hại thủ lĩnh vũ trang người Sikh cho phép Thủ tướng Canada củng cố nền tảng chính trị của mình. Ông có thể tự khẳng định mình là một nhà lãnh đạo cứng rắn, người đã đẩy lùi sự can thiệp của Trung Quốc vào các vấn đề nội bộ của Canada và cũng sẵn sàng “làm căng” với Ấn Độ, một đồng minh tiềm năng.

Trong các khảo sát gần đây, Đảng Tự do hiện đang kém Đảng Bảo thủ 20 điểm về tỷ lệ ủng hộ, trong khi cuộc bầu cử Quốc hội ở Canada dự kiến diễn ra vào năm 2025. Tất cả các yếu tố này có thể giúp ông Trudeau đủ thời gian để khôi phục lại vị thế chính trị của mình. Cáo buộc Ấn Độ trong vụ việc này cũng có thể giúp Thủ tướng Canada tìm kiếm sự ủng hộ trong cộng đồng người Sikh ở Canada vốn chiếm khoảng 2% dân số. Chính phủ hiện tại ở Ottawa nhận được sự hậu thuẫn của 25 nghị sĩ Đảng Dân chủ Mới do Jagmeet Singh, một chính trị gia Sikh có thiện cảm với phong trào Khalistan đứng đầu. Đây có thể là động lực đẩy cuộc khủng hoảng này đi xa hơn.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/giai-phap-nao-thao-go-cang-thang-canada-an-do-post1050865.vov