Giải pháp hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục

Ngày 26/10, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm 'Thách thức và Giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục' tại Hà Nội.

Trẻ em trải qua xâm hại tình dục, dù có mạnh đến đâu, cũng không thể độc lập tự giải quyết đơn lẻ mà rất cần sự chung tay vào cuộc và phối hợp của cộng đồng. Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công an từ tháng 6 năm 2018 đến hết năm 2020, lực lượng chức năng phát hiện 4.795 vụ xâm hại trẻ em, với 5.384 đối tượng đã xâm hại 4.914 nạn nhân là trẻ em (581 nam, 4.333 nữ).

Dựa trên thực tế công tác hỗ trợ của Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, đa số các vụ xâm hại trẻ em thường diễn ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với diễn biến phức tạp, nghiêm trọng về tính chất và mức độ. Các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau nhưng phần lớn trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn hạn chế. Nạn nhân thường là trẻ dưới 16 tuổi và chủ yếu là trẻ em gái. Một số vụ việc trẻ em bị xâm hại xảy ra do cha mẹ chưa có kỹ năng trong giáo dục con cái, trẻ sống cùng ông bà, cùng cha dượng hay sống trong gia đình không hoàn thiện, thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình.

Hệ quả của việc xâm hại đối với nạn nhân trẻ em không dừng lại ở những tổn thương trước mắt mà có thể để lại ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống tuổi trưởng thành. Những yếu tố góp phần vào những khó khăn hiện tại ở người lớn trải qua xâm hại tình dục thời thơ bé có thể là sự thiếu vắng những hỗ trợ từ người thân hay sự kỳ thị từ cộng đồng xung quanh.

Bà Nguyễn Thuận Hải - Trưởng Tổng đài quốc gia 111 - báo cáo tại Tọa đàm

Bà Nguyễn Thuận Hải - Trưởng Tổng đài quốc gia 111 - cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tổng cuộc gọi đến là 238.500. Trong đó có 92 ca gọi đến có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp xâm hại tình dục, 83 trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục.

Trong 442 trẻ em bị xâm hại tình dục có 426 trẻ em gái (chiếm 96,4%) và 16 trẻ em trai (chiếm 3,6%). Số vụ việc xâm hại qua môi trường mạng đang có chiều hướng gia tăng, nhưng việc hỗ trợ can thiệp cho nhóm đối tượng trẻ em bị xâm hại trong môi trường mạng còn bất cập vướng mắc trong việc xác minh cũng như hỗ trợ can thiệp các vụ việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Bà Nguyễn Thuận Hải cho biết thêm, nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng vẫn xảy ra gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Trong số đó, có những vụ trẻ em còn rất nhỏ đã bị xâm hại tình dục (14 trẻ em từ 0 đến 3 tuổi, 33 trẻ em từ 4-6 tuổi). Có tới 28,2% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người thân của trẻ.

Theo bà Hải, sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội dẫn đến vấn đề bạo lực và xâm hại tình dục qua môi trường mạng có chiều hướng gia tăng. Vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn có vướng mắc, bất cập. Việc xác minh, xác định các vụ việc còn chậm.

Bà Trần Thanh Huyền - Hội LHPN tỉnh Yên Bái cho biết, theo số liệu ngành Lao động Thương binh xã hội tỉnh Yên Bái trong 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 13 vụ xâm hại trẻ em (trong đó 11 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục) chủ yếu xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khách mời tham quan khu trưng bày tại tọa đàm

“Sự chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị khiến cho trẻ em thiếu cơ hội tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em là người dân tộc thiểu số. Đáng ngại hơn, đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị xâm hại tình dục đối diện rất nhiều khó khăn. Theo đó, các em không nói được tiếng phổ thông, thậm chí cả mẹ cũng tương tự. Hội LHPN muốn hỗ trợ tâm lý hoặc cung cấp kiến thức về kỹ năng sống cho trẻ đã bị xâm hại cũng gặp không ít khó khăn”, bà Huyền cho biết.

ThS. Tô Thị Hạnh - Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam - cho biết, thời gian qua Tổ chức Hagar đã nỗ lực tham vấn về quyền và pháp lý cho trẻ và gia đình; phòng ngừa tái sang chấn với trẻ trước/trong/sau khi trẻ tham gia vào quá trình y tế, pháp lý và quay trở lại trường học; thúc đẩy niềm tin vào công lý cho trẻ và gia đình thông qua các cuộc họp trao đổi giữa gia đình và chính quyền; phòng ngừa tái sang chấn: Nâng cao nhận thức về sang chấn với hệ thống hỗ trợ trẻ.

Sau khi hỗ trợ cho các địa phương triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho trẻ bị xâm hại tình dục, bà Hạnh cho biết trẻ đã có niềm tin và có mối quan hệ kết nối với người trợ giúp; Trẻ sẵn sàng chia sẻ với người hỗ trợ và kết nối được với bên thứ ba (công an, bác sĩ, luật sư và kết nối lại với người chăm sóc).

Từ đó, trẻ thấy được tôn trọng, được hiểu và chấp nhận sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Đặc biệt, trẻ tự tin hơn thông qua việc trẻ hiểu về quyền, lợi ích và nhìn nhận hợp lý sau sự việc.

Bài và ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giai-phap-ho-tro-tre-em-trai-qua-xam-hai-tinh-duc-20231026161540469.htm