Giải ngân chậm, chi phí vay ODA tăng 50%

Tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2015 giảm mạnh, ước đạt 722 triệu USD trong tổng số hơn 3 tỷ USD cam kết cho vay. Nguyên nhân do 16 trong số 35 khoản vay, chiếm 46% khoản vay của 6 ngân hàng, tổ chức đến hạn kết thúc nhưng phải kéo dài 2 năm trở lên. Điều này làm tăng chi phí và không tận dụng được lợi ích của dự án. Theo đó, nếu dự án vay ODA chậm giải ngân 2-3 năm sẽ làm tăng chi phí 50% do phát sinh và thâm hụt tài chính.

18 tỷ USD ODA chưa thể giải ngân

Kể từ năm 1990 đến nay nhóm 6 cơ quan phát triển gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) đã cam kết cho Việt Nam vay 65 tỷ USD. Tính đến hết năm 2015, có 292 dự án vay vốn ưu đãi đang triển khai, nhưng nguồn vốn giải ngân chậm. Số ODA, vốn ưu đãi cam kết cho 292 dự án khoảng 31,6 tỷ USD nhưng số vốn chưa giải ngân lên tới hơn 18 tỷ USD.

Nhóm 6 ngân hàng, tổ chức tài trợ vốn vay đánh giá tiến độ giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi của Việt Nam trong giai đoạn 2012-2014 đã có những tiến bộ khi tiến độ giải ngân đạt tỷ lệ cao, nhưng xu hướng này chững lại trong năm 2015. Nguyên nhân chính do chậm khởi động dự án. Khảo sát của ADB cũng chỉ ra, việc chậm ký kết, hiệu lực hiệp định vay vốn trễ trung bình 8 tháng kể từ ngày phê duyệt, trong năm 2015 các khoản vay của ADB chưa được ký kết sau khi phê duyệt 9-12 tháng.

Công tác tư vấn cho các khoản vay cũng đang mất quá nhiều thời gian, trung bình 2 năm kể từ khi phê duyệt khoản vay mới có hợp đồng tư vấn cho khoản vay đầu tiên. Sự chậm trễ này một phần xuất phát từ chất lượng thiết kế các dự án vay vốn kém. Các ban quản lý dự án (PMU) không chấp nhận rủi ro và thực hiện trước các hoạt động, thủ tục phê duyệt rườm rà, mất thời gian, đã khiến các dự án vay vốn ODA mất khoảng 3 năm để có được hợp đồng thi công. Đặc biệt, Luật Đấu thầu và Nghị định 16 về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi không đồng bộ đã ngăn cản các PMU thực hiện trước một số hoạt động. Thí dụ, Nghị định 16 cho phép đấu thầu trước khi ký hợp đồng vay vốn có hiệu lực, trong khi Luật Đấu thầu chỉ cho phép đấu thầu sau khi dự án sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi ký hợp đồng vay vốn.

Bên cạnh đó, việc không thực hiện thu hồi đất và tái định cư trước khi các khoản vay có hiệu lực, thiếu vốn đối ứng, công tác lập kế hoạch kém cũng đang làm trễ tiến độ giải ngân nguồn vay ODA, vốn ưu đãi. Chẳng hạn các dự án tàu điện ngầm tại Hà Nội và TPHCM thường mất 2 năm khởi động, làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, trong đó 6,5% do trượt giá các hạng mục chính, 11,1% chi phí lợi ích của dự án bị mất. Tính chung nếu chậm trễ giải ngân 2-3 năm sẽ làm tăng 50% so dự toán ban đầu.

Công trình metro Bến Thành-Suối Tiên là dự án vay vốn ODA. Ảnh: L.THANH

Cải thiện hiệu quả sử dụng ODA

Theo bà Lee Yoon Mee, Phó trưởng đại diện Keximbank tại Việt Nam, để đạt được kế hoạch giải ngân 25-30 tỷ USD, trung bình 5-6 tỷ USD/năm, Việt Nam cần lên kế hoạch đẩy nhanh giải ngân các dự án đang thực hiện và cải thiện tiến độ chuẩn bị các dự án mới. Việc thiếu vốn đối ứng tác động lớn đến tiến độ giải ngân các khoản vay ODA, vì vậy cần chuẩn bị sẵn sàng phần vốn đối ứng để không ảnh hưởng tiến độ giải ngân các khoản vay. Còn ông Takahashi Akito, đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cho rằng sự không thống nhất trong quy định hợp đồng thực hiện các dự án ODA và quy định hợp đồng FIDIC MDB có những mâu thuẫn, cũng làm tiến độ giải ngân ODA chậm lại. Theo vị này, Việt Nam cần chấp nhận các mẫu hợp đồng của FIDIC MDB đã được quốc tế công nhận, sớm điều chỉnh quy định, thủ tục trong nước để có thể áp dụng thống nhất các mẫu hợp đồng, tránh gây khó khăn cho các PMU trong triển khai các dự án vay vốn.

Để cải thiện hiệu quả vay vốn các dự án ODA, phía WB đề nghị sớm thực hiện cho vay lại 70-100% các khoản vay ưu đãi và vay thương mại. Cùng với đó cần rút ngắn quy trình cho địa phương vay lại ODA dựa trên đánh giá năng lực tài khóa địa phương. Quy trình phân bổ vốn đồng đều hiện nay không tính đến khả năng hoàn trả cũng là hạn chế trong công tác giải ngân nguồn vay ODA hiện nay. Cần thống nhất quy trình cho địa phương vay lại theo 2 bước đánh giá năng lực tài khóa địa phương, thẩm định về tài chính trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đại diện Keximbank cũng nhấn mạnh việc cần có chính sách chia sẻ thông tin ngân sách giữa Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng 6 ngân hàng, tổ chức trước khi bộ hoàn thành kế hoạch vốn cho cả năm. Đó là cho phép 6 tổ chức này truy cập cơ sở dữ liệu ODA trực tuyến của bộ để thu thập về tình hình giải ngân ODA và vốn đối ứng; cùng rà soát việc thực hiện giải ngân. Đồng thời, với dự án giải ngân dưới 50% trong tháng 12-2016 cần điều chỉnh để sử dụng hết vốn chưa giải ngân và gia hạn thời gian giải ngân trong năm 2017. Với dự án đã giải ngân hết vốn kế hoạch 2017 không nên giới hạn kế hoạch tiếp cận vốn trong năm 2018. Cần đảm bảo tỷ lệ giải ngân ODA nhanh hơn trong thời gian tới.

Đăng Tuân

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161019/giai-ngan-cham-chi-phi-vay-oda-tang-50.aspx