Giải mã việc hàng loạt doanh nghiệp vàng gặp khó

Nhiều doanh nghiệp vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ sản xuất cầm chừng, không có sản phẩm để xuất khẩu khiến Nhà nước cũng mất đi một nguồn thu ngoại tệ rất lớn từ ngành này.

Nhiều nhà kinh doanh, chuyên gia cho rằng việc tồn tại quá lâu những quy định lỗi thời, không còn phù hợp thực tế liên quan đến thị trường vàng trang sức Việt Nam khiến cả doanh nghiệp (DN), Nhà nước, người lao động và người tiêu dùng đều chịu thiệt thòi.

Sản xuất cầm chừng, đối diện nhiều rủi ro

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP.HCM (SJA), nhìn nhận: Từ khi Nghị định 24/2012 được ban hành, thị trường vàng trong nước đã đi vào ổn định. Điều này đã tạo ra một bước chuyển tích cực cho thị trường vàng bạc đá quý, góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, chủ tịch SJA cũng dẫn số liệu từ một khảo sát do đơn vị này thực hiện cho thấy sức mua vàng trang sức đã rơi xuống mức rất thấp, chỉ bằng khoảng 30% so với trước đây và doanh thu cũng giảm mạnh đến 70%.

Đáng lo ngại hơn, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hầu như đã đóng cửa. Ngay cả một số công ty lớn trước đây từng có thời điểm thu hút đến 1.000 thợ kim hoàn nhưng nay giảm tới 40%-60% người lao động.

“Thị trường vàng trang sức trên địa bàn TP.HCM hiện nay bị thu hẹp đáng kể, có hơn 20.000 thợ kim hoàn đang gặp rất nhiều khó khăn và thời gian tới được dự báo còn khó khăn hơn nữa. Nhiều công ty đang ngồi chơi, sản lượng sản xuất vàng trang sức rất thấp và dự đoán sẽ còn giảm trong thời gian tới” - ông Dưng nêu thực tế.

Nhiều ý kiến đề nghị loại bỏ hoạt động kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để ngành này có cơ hội phát triển. Ảnh: THÙY LINH

Không chỉ vậy, chủ tịch SJA thông tin thời gian qua do tình hình khan hiếm vàng nguyên liệu để sản xuất nên các DN đối mặt với rất nhiều rủi ro về nguồn gốc vàng. Mặt khác, các đơn vị này chỉ sản xuất cầm chừng, không có sản phẩm để xuất khẩu, từ đó Nhà nước cũng bị mất đi một nguồn thu ngoại tệ rất lớn từ ngành này.

Đồng quan điểm, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho biết: Hiện nay xu hướng mua vàng của người dân đã khác. Nếu trước đây, họ mua vàng nhằm mục đích tích trữ tài sản thì giờ đây lại chú trọng đến thời trang, làm đẹp. Do đó, các phân khúc sản phẩm vàng trang sức thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp còn dư địa để tăng trưởng trong những năm tới.

Từng xuất khẩu được 2,6 tỉ USD

Trước đây, khi thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ hàm lượng dưới 95% ở mức 0%, hoạt động xuất khẩu vàng trang sức phát triển khá tốt. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, riêng năm 2019, các công ty kinh doanh vàng đã xuất khẩu được 2,1 tỉ USD và năm 2020 đã xuất khẩu được 2,6 tỉ USD.

Nhưng từ khi Nghị định 101/2021 áp dụng chung mức thuế 1% đối với vàng xuất khẩu khiến các DN không thể thực hiện xuất khẩu vì mức thuế quá cao.

Tuy vậy, các công ty sản xuất, kinh doanh vàng cũng gặp không ít thách thức. Tính đến hết sáu tháng đầu năm ngoái, cả nước có 5.935 DN được cấp phép sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, trong đó số DN lớn chiếm tỉ trọng dưới 2%.

“Số lượng DN đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh vàng trang sức thì lớn như vậy nhưng hơn 10 năm nay họ không có nguyên liệu để sản xuất buộc phải mua từ vàng của người dân, ước tính mỗi năm khoảng 20 tấn vàng. Giải pháp tạm thời này đẩy DN vào rủi ro rất lớn về giá cả lẫn rủi ro về pháp lý. Thực tế thời gian qua, trên thị trường đã xảy ra nhiều vụ buôn lậu vàng và đã có những đơn vị mua phải nguồn vàng nguyên liệu từ nhập lậu mà bản thân họ không đủ điều kiện cũng như không có chức năng để thẩm định nguồn hàng đó xuất phát từ đâu” - ông Bảng cho biết thêm.

Nên cho nhập khẩu vàng nguyên liệu

Trước những khó khăn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng, ông Dưng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng cho phép các nhà sản xuất, kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

“Điều này không chỉ giúp thị trường trang sức mỹ nghệ phát triển lành mạnh mà còn đóng góp nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Giải pháp này cũng giúp người dân mua vàng trang sức, mỹ nghệ với mức giá rẻ hơn và đảm bảo chất lượng hơn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng” - ông Dưng nói.

Ông Bảng cũng nhấn mạnh bên cạnh những mặt được, Nghị định 24/2012 và nhiều quy định pháp luật liên quan đến thị trường vàng Việt Nam hiện nay đã lỗi thời nên cần phải sửa đổi càng sớm càng tốt.

Nếu trước đây, người dân chủ yếu mua vàng nhằm mục đích tích trữ tài sản thì giờ đây lại chú trọng đến thời trang, làm đẹp. Ảnh: THÙY LINH

Ví dụ, hiện nay trong Luật Đầu tư vẫn giữ quy định “kinh doanh vàng” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Quy định “kinh doanh vàng” bao trùm tất cả hoạt động sản xuất, gia công, sửa chữa, kinh doanh mua bán, xuất nhập khẩu và các dịch vụ liên quan đến vàng… đều là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nhiều năm nay quy định này đã và đang làm cho ngành vàng nói chung và các DN kinh doanh vàng nói riêng ngày càng gặp nhiều khó khăn do tăng lượng giấy phép, tăng thủ tục hành chính khiến chi phí DN tăng lên đáng kể.

“Đây được xem là những nút thắt lớn nhất đối với ngành vàng trang sức tại Việt Nam. Nếu những rào cản trên được gỡ bỏ, không chỉ giúp các DN sản xuất, kinh doanh vàng thoát khỏi khó khăn mà còn góp phần phát triển ngành vàng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế như nhiều quốc gia trên thế giới” - ông Bảng nhấn mạnh.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cũng đề xuất loại bỏ vàng trang sức, mỹ nghệ khỏi mục kinh doanh có điều kiện. Lý do là việc sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ là sản xuất, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thông thường, phục vụ nhu cầu làm đẹp của người tiêu dùng và cho xuất khẩu. Hơn nữa, việc sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ hoàn toàn không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng... cho nên không cần phải có điều kiện.

Giá vàng SJC vẫn chênh lệch khá xa

Nhiều chuyên gia cho rằng từ khi Nghị định 24/2012 ban hành với nguyên tắc Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng SJC đã dẫn đến chuỗi cung ứng bị cắt khúc, chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam với quốc tế quá cao.

Ví dụ, giá vàng SJC quá cao so với giá thế giới (có lúc cao hơn trên 20 triệu đồng/lượng). Không chỉ vậy, giá vàng SJC đắt hơn vàng nữ trang 24K rất nhiều.

Vàng miếng SJC vẫn giá quá cao so với thế giới. Ảnh: THÙY LINH

Thời gian gần đây, sức mua vàng miếng SJC giảm một phần do giá vẫn chênh lệch lớn so với giá thế giới và vàng nữ trang. Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, hiện nhiều cửa hàng kinh doanh vàng ngại chôn vốn vào vàng miếng SJC vì giá vàng thế giới lên hay xuống thì vàng miếng SJC vẫn vậy.

“Các cửa hàng vàng hiện chủ yếu tập trung kinh doanh vàng nhẫn 9999 do nó bám sát với giá vàng thế giới hơn. Nếu giá vàng quốc tế tăng thì vàng 24K trong nước cũng đi lên nhưng nếu giá vàng thế giới giảm quá sâu thì vàng 24K lại không lao dốc quá mạnh. Điều này giúp cho người nắm giữ vàng nhẫn 9999 vẫn có lời mà lại không lo vốn bị bốc hơi khi giá kim loại quý trên thị trường quốc tế biến động đột ngột” - ông Phương phân tích.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-ma-viec-hang-loat-doanh-nghiep-vang-gap-kho-post763575.html