Giải mã vì sao 'Gương mặt Thương hiệu' không được yêu thích như 'The Face'

Vì sao 'Gương mặt thương hiệu' - 'The Face' của Việt Nam lại vấp phải quá nhiều những khen chê trái chiều? Bài viết này không phải là sự so sánh và yêu cầu 'Gương mặt thương hiệu' phải sát với bản gốc 'The Face' mà chỉ giải mã những nguyên nhân khiến khán giả không hoàn toàn bị chinh phục.

Cách sắp xếp tình tiết và không gian trong “Gương mặt thương hiệu” chưa đủ làm hài lòng khán giả.

Năm 2010, khi VTV3 ra mắt chương trình Việt Nam’s Next Top Model mùa đầu tiên từ phiên bản gốc America’s Next Top Model với vai trò huấn luyện viên chính của siêu mẫu Hà Anh, khán giả đã vô cùng yêu thích và sau đó là những thành công vang dội ở mùa giải thứ 2, thứ 3 do Xuân Lan làm huấn luyện viên chính. Năm 2016, truyền hình Việt Nam ra mắt chương trình “Gương mặt thương hiệu” được mua bản quyền từ format gốc mang tên “The Face”, sự chinh phục của “Gương mặt thương hiệu” với tất cả khán giả yêu thích thời trang và yêu thích “The Face” lại không đạt được như mong đợi.

Tên gọi Việt hóa: Gương mặt thương hiệu

“The Face” là show truyền hình thực tế tìm kiếm gương mặt người mẫu đại diện cho các nhãn hiệu nổi tiếng do siêu mẫu Naomi Campbell cầm trịch. Mục đích của chương trình này là gì có lẽ chỉ có những người trong lĩnh vực thời trang mới hiểu rõ. Không cần bàn về việc phải tìm ra một quán quân như thế nào, càng không bàn về việc quán quân phải là gương mặt đắt show quảng cáo hay một chân dài đầy đủ tố chất người mẫu thời trang cao cấp. Điều khán giả thấy ở đây, tên gọi Việt hóa “Gương mặt thương hiệu” nghe không hay, kém hấp dẫn và kém đẳng cấp như tên gọi “mẹ đẻ” của nó: “The Face”. Giá như chúng ta có một ekip sáng tạo giỏi hơn về việc chọn lựa tên gọi chương trình.

Hà Anh - Xuân Lan - Thanh Hằng làm huấn luyện viên, điều đó chưa bao giờ xảy ra

Trước tin “The Face” về Việt Nam, siêu mẫu Hà Anh cũng úp mở việc định mua format chương trình này nhưng đã có một đơn vị khác nhanh tay hơn. Khán giả đã rất trông chờ xem ai có thể vào vai Naomi Campbell của Việt Nam hay chị “Đại” Lukkade Metinee của Thái Lan. Những cái tên được khán giả “mơ mộng” sẽ vào vai chị “Đại” của “The Face” Việt Nam như Hà Anh, Xuân Lan, Thanh Hằng… lại chưa bao giờ xảy ra. Ở mùa 1, Hồ Ngọc Hà đã hoàn thành tốt vai trò chị “Đại”, nhưng người ta vẫn quen với hình ảnh một ca sĩ Hồ Ngọc Hà hơn là siêu mẫu Hồ Ngọc Hà. Ở mùa 2, sự trông chờ lại bị đáp lại bằng một sự lựa chọn bất ngờ và có lẽ là phương án hai của ban tổ chức: Lan Khuê - Minh Tú - Hoàng Thùy. Vai chị “Đại” đã hoàn toàn biến mất, có chăng Lan Khuê chỉ là một người có kinh nghiệm ở mùa 1 và làm tiếp huấn luyện viên của mùa 2.

Bộ ba huấn luyện viên Thái Lan ai cũng đủ kinh nghiệm và tuổi đời để làm chị đại.

Thay đổi format gốc là sáng tạo hay vô tình làm giảm sức hấp dẫn

Các fan “chính hiệu” của “The Face” hoạt động trên các Fanpage thường phàn nàn vì sao “Gương mặt thương hiệu” không làm giống như bản gốc. Mọi sự so sánh luôn khập khiễng, nhưng phải thấy rằng việc một thí sinh bị loại cuối mỗi tập và không bao giờ quay lại nữa tạo sức hấp dẫn cực kỳ lớn và gây ra một không khí vô cùng quyết liệt cho các cô gái. Ở “Gương mặt thương hiệu”, bạn bị loại nhưng bạn vẫn còn cơ hội chờ đợi vào chiếc vé quay lại đêm chung kết.

“Biệt thự” The Face, cách chọn thí sinh và phòng loại

Chưa nói đến bộ ba huấn luyện viên đông fan hâm mộ ở Thái Lan có sức hút như thế nào, chỉ nói đến việc bật “The Face” Thái Lan lên để xem không gian nhà chung của các cô gái được chia làm 3 team riêng biệt và cách mà huấn luyện viên thắng cuộc ngồi quyền lực trong phòng loại, cũng như cách họ mở cửa phòng quay trở về nhà chung đã đủ lôi kéo khán giả. Ở “Gương mặt thương hiệu”, các cô gái được ở trong một “biệt thự” nhà chung khiến khán giả tưởng tượng ra 3 không gian riêng biệt của 3 team. Nhưng từ mùa 1 tới mùa 2, đập vào mắt khán giả vẫn là một không gian chung chung nào đó được sử dụng nhiều lần cho nhiều nhiệm vụ.

“Drama” đã duyên, cá tính và có sức hút hay chưa?

Cái chính của khán giả khi xem “The Face” Thái Lan chính là thưởng thức những màn “drama” giữa các huấn luyện viên ở cuối mỗi tập. Nếu như các huấn luyện viên của Thái Lan cực kỳ duyên dáng và cá tính độc đáo, tung hứng nhịp nhàng “trong ngọt, ngoài đắng” đã tạo nên những màn loại cực kỳ khác biệt không tập nào giống tập nào, thì ở “The Face” Việt Nam lại nhàm chán hơn. Ở những màn tranh cãi của các huấn luyện viên Thái Lan, khán giả nhận ra sự điềm tĩnh của họ, thấy được yếu tố giải trí cực kỳ cao, trong khi đó giữa các huấn luyện viên Việt Nam lại quá căng thẳng và trẻ con, đôi khi còn kém duyên khi các huấn luyện viên không tiết chế được cảm xúc.

Sự yêu thương thí sinh và quyết tâm “đãi cát tìm vàng” bộc lộ ở đâu?

Nếu xem “The Face” Thái Lan, chúng ta thấy được sự yêu thương thí sinh bất chấp mọi thách thức của Lukkade, hay sự quyết tâm tìm ra một quán quân xứng đáng của Bee Namthip thì ở “The Face” Việt Nam, chúng ta lại thấy những màn loại người sát phạt của Phạm Hương, những lời nói gây mâu thuẫn vì quá thẳng thắn của Minh Tú, cử chỉ không chịu nhường ai của Hoàng Thùy. Chỉ mới vài tập đầu nhưng “Gương mặt thương hiệu” mùa 2 lại cho thấy giữa Minh Tú - Hoàng Thùy - Lan Khuê có sự cạnh tranh gay gắt về trang phục, chuyên môn để xem ai hơn ai. Tốt hơn hết, thay vì “xỉa xói” lẫn nhau để tạo kịch tính, hãy thể hiện sự công tâm và khôn ngoan ở những màn loại người, để tìm ra không chỉ là một quán quân xứng đáng mà còn giúp những cô gái nào thực sự có tố chất ngôi sao được tiến xa hơn trong chương trình.

Bella

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/giai-ma-vi-sao-guong-mat-thuong-hieu-khong-duoc-yeu-thich-nhu-the-face-d58952.html