Giai điệu tự hào Tháng 11: Nỗi nhớ mùa đông

Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang, lời thơ Thảo Phương được lấy làm nội dung xuyên suốt chương trình GĐTH tháng 11. Ca sĩ Thu Phương được lựa chọn để thể hiện, tuy nhiên phần trình bày của cô đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt và bị nhạc sĩ Phú Quang chê không thương tiếc.

Tác giả của bài hát nhận xét: “Tôi đã nghe Thu Phương hát trong đĩa, rất xúc động. Gần đây, người ta có phong trào: Nếu không feeling không phải là ca sĩ xịn. Nhưng tôi thích sự dung dị. Ca sĩ với tôi, hát không được sửa nốt, Thu Phương feeling nên đã sửa thành một nốt khác. Tôi cho rằng, chị Thu Phương muốn làm hay hơn những bản đã làm, nhưng tôi cho rằng chị Thu Phương đã nhầm lẫn”.

Trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 11, nhạc sĩ Phú Quang – thành viên Hội đồng bình luận – có hai ca khúc được trình bày. Với ca khúc chủ đề Nỗi nhớ mùa đông, ông chia sẻ một kỷ niệm gắn mà ông nhớ mãi: “Nếu không có lời thơ của chị Thảo Phương, tôi cũng không có bài hát này. Chị ấy đã mất, tôi rất muốn tìm đến các con chị để gửi số tiền tác quyền của bài hát này”.

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái tâm sự: “Thảo Phương chơi được với Thái vì hai người cùng yêu thơ, yêu Hà Nội, cùng nhớ mùa đông Hà Nội. Một hôm đi xem biểu diễn ở Nhà hát Lớn Thành phố, gặp anh Phú Quang, anh vẫy vẫy gọi: Hai cô bé kia, lại đây. Khi ấy tôi đã 40 tuổi và được gọi là cô bé. Rồi anh Quang hát cho 2 đứa nghe, bài thơ của Thảo Phương, anh ấy làm nhạc như vậy, nghe xong 2 đứa khóc luôn. Anh Phú Quang đưa tiền nhuận bút 100.000 đồng, số tiền rất lớn vì thời điểm ấy 400.000 mua được một lượng vàng. Sau đó, anh rủ 2 đứa đi uống rượu cho ấm lòng, với lý do: vì chúng mày cũng rất nhớ mùa đông”.

Nỗi nhớ mùa đông sẽ được ca sĩ Thu Phương thể hiện với những trải nhiệm cùng nỗi nhớ day dứt của chính chị sau bao năm xa quê. PGS. TS Minh Thái cho hay: “Bài hát này đẹp về mọi phương diện, nghe, nhìn đều rất đẹp. Mùa đông này không có một tí áo ấm nào, nhưng lại rất mùa đông. Vì nó đã trở thành nỗi nhớ”.

Ca sĩ Thu Phương thể hiện ca khúc Nỗi nhớ mùa đông

Mùa đông năm 1972, Mỹ tuyên bố sẽ đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá cũ. Trong căn gác nhỏ trên phố Hàng Bún, nhạc sĩ Phan Vũ chia sẻ kỷ niệm khi viết những câu thơ Em ơi! Hà Nội – Phố. Bài thơ ra đời vào những ngày, đêm Hà Nội bị đánh bom ác liệt. Nhưng phải đến 13 năm sau, một đoạn thơ trong bài thơ này được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.

Nhạc sĩ Phú Quang nghẹn ngào, bật khóc trong buổi ghi hình Giai điệu tự hào tháng 11: “Tôi coi Hà Nội như là cha mẹ mình, 2 năm xa Hà Nội tôi rất nhớ”. Ca khúc Em ơi! Hà Nội – Phố được phổ nhạc chỉ sau 2 ngày khi ông Phan Vũ mang thơ qua cho nhạc sĩ Phú Quang đọc. “Khi tôi gửi anh bài hát, anh Phan Vũ có nói: Em làm long lanh bài thơ của anh”. Phú Quang cho hay, với nỗi nhớ về Hà Nội, nhà thơ Phan Vũ nói muốn gào trên loa phát thanh hồi ấy “ta còn em, ta còn em” thì riêng ông, ông chỉ muốn nói với chính nỗi lòng mình”.

Ông kể thêm, sau khi thu âm xong bài hát Em ơi! Hà Nội – Phố, nhiều người nói họ không thể cho vào băng được, vì họ nghĩ viết về Hà Nội là phải ca ngợi, hào hùng. Nhưng đôi khi, tình yêu đích thực đâu phải lúc nào cũng cứ ồn ào. Nhạc sĩ Phú Quang cho rằng, nếu người ta không biết yêu những điều bé nhỏ thì không biết yêu điều lớn lao. Phiên bản Em ơi! Hà Nội – Phố do ca sĩ Phương Anh trình bày trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 11 được phối sang phong cách rock với sự dữ dội nhưng ko làm mất đi tình cảm của tác giả dành cho mùa đông của Hà Nội.

Ca khúc Em ơi Hà Nội - Phố do ca sĩ Phương Anh trình bày

Những ngày đông 70 năm trước, chỉ hơn 1 năm sau khi giành Độc lập, cả nước ta lại bước vào một cuộc chiến 9 năm kháng chiến trường kỳ. Khi ấy, Bác Hồ phát động phong trào “Mùa đông binh sĩ", tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra cuộc đấu giá chiếc áo len của Bác. Ông Trương Văn Thìn - một chủ cửa hàng bánh ngọt có tiếng thời bấy giờ - đã giành được quyền sở hữu chiếc áo với tổng số tiền đấu giá là 3.500 đồng Đông Dương (tương đương gần 200 lượng vàng ). Nhờ thế, hàng trăm, hàng nghìn bộ đội có áo ấm mặc trong mùa đông buốt giá. Cùng với đó, nhiều bà mẹ, người vợ, người yêu đan áo, quyên góp giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận. Cũng không thể quên một mùa đông đầy ắp kỷ niệm, năm 1972, Đế quốc Mỹ tuyên bố sẽ đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá cũ. Trong căn gác nhỏ, bài thơ Em ơi! Hà Nội – Phố đã ra đời.

Mùa đông những năm 1946 - 1949, nổi lên 2 ca khúc biêu biểu Áo mùa đông của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Quê hương anh bộ đội của nhạc sĩ Xuân Oanh. Nhạc sĩ Thụy Kha cho biết, ca khúc này được “ghi” lại từ câu chuyện về chiếc áo trấn thủ mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận được tặng khi đang ở trong nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, khi đồng chí Hoàng Văn Thụ bị đưa ra pháp trường, ông đã tặng lại chiếc áo ấy cho người đồng chí của mình.

Ba năm sau, trong một mùa đêm đông năm 1949, nhạc sĩ Xuân Oanh và nhà văn Nam Cao khi đó ở trong chiến khu, cùng trong Hội báo Cứu Quốc đi tuyên truyền vận động. Hai ông mắc võng ngồi nói chuyện cạnh nhau bên đống lửa, nhà văn Nam Cao gợi ý cho Xuân Oanh sáng tác một ca khúc viết về quê hương anh bộ đội. Theo lời kể của nhạc sĩ Xuân Oanh trước đó, hồi bấy giờ, trong chiến trường, ông sáng tác bằng một loại nhạc cụ tự chế theo mô hình đàn bầu. Một ống bơ kiểu thịt hộp được nước ngoài viện trợ, nối với một sợi dây được tước ra từ sợi dây phanh và một đoạn ống tre. Khi sử dụng thì dùng một cái que gảy và một cái chén uống trà chặn trên dây để điều chỉnh cung bậc cao thấp. Những giai điệu đầu tiên của bài Quê hương anh Bộ đội đã ra đời như thế, ban đầu được truyền miệng trong chiến khu sau đó lan rộng ra khắp cả nước.

Mùa đông năm 1975, những chàng trai lính Bắc như tác giả Bùi Văn Dung vào Sài Gòn tiếp quản thành phố sau khi đất nước thống nhất. Tứ thơ Gửi nắng cho em ra đời ngay sau bữa cơm trưa, khi ông cùng bạn ngồi uống nước trong cái nắng của miền Nam, trên đầu quạt quay vù vù, ngồi nghe radio thấy nói ngoài Bắc giá rét. Những cảm xúc trào dâng trong lòng, bởi mùa đông ở quê ông – Vĩnh Phúc – thường lạnh run người đến áo đông chết cóng, không có áo len thì phải mặc bao tải để đi cấy. Khi đó, một người bạn của ông nói: “Nếu gửi được nắng ở trong này ra thì tốt nhỉ!” Chớp đúng câu nói đó, anh nông dân người Bắc đã viết ra bài thơ chỉ trong 15 phút. Ông chia sẻ: “Mình muốn gửi tới tất cả những người con gái ở Đồng bằng Bắc Bộ, họ như cây thông vững vàng trong giá rét, trải qua khó khăn để lao động sản xuất”.

Bài thơ Gửi nắng cho em ngay sau đó xuất hiện trên báo Sài Gòn Giải Phóng vào cuối năm 1975, là nỗi lòng, suy tư chung của những người nông dân vùng Trung du miền Bắc mặc áo lính thời bấy giờ. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã phổ nhạc bài thơ này vào mùa đông đầu tiên sau giải phóng.

Sau khi đất nước thống nhất, miền Bắc vẫn còn nhiều khó khăn khi bước sang thời kỳ xây dựng đổi mới, những ca khúc viết về mùa đông lại gợi nhớ nhiều kỷ niệm của chính những tác giả, đặc biệt là những nhạc sĩ đã chuyển vào Nam sinh sống. Trong số đó có những ca từ buồn da diết của Bài hát ru mùa đông do nhạc sĩ Dương Thụ sáng tác. Bài hát này cũng được chọn giới thiệu trong khuôn khổ Giai điệu tự hào tháng 11 - Nỗi nhớ mùa đông.

“Tôi vào Sài Gòn sinh sống từ năm 1977, nhưng ca khúc này được viết đầu thập niên ‘80. Miền Bắc khi đó nghèo, và vì thế mùa đông là mùa bộc lộ ra tất cả sự nghèo khó, khiến con người ta dễ buồn và tủi thân. Tôi sống gần 40 năm tại Thành phố HCM, nhưng vẫn không thể là người trong này, chắc tính bảo thủ cùng với mùa đông trong mình còn lâu quá, chắc đến chết cũng không thể ra khỏi”, nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ.

Ca sĩ Phương Linh trong chương trình Giai điệu thự hào tháng 11

Chung cảm xúc về mùa đông, nhạc sĩ Phú Quang, lần này với vai trò bình luận, có cái nhìn cô đơn không kém gì người bạn cũ của ông - nhạc sĩ Dương Thụ. Ông cho rằng, không chỉ người Bắc mới nhớ mùa đông. Ông từng chứng kiến ở Sài Gòn khi thời tiết mới 18 độ, những cô gái Sài Gòn đua nhau mặc áo cổ lọ. Chứng tỏ, họ cũng rất “thèm” mùa đông. “Tôi nghĩ, sâu thẳm con người phải là mùa đông” – nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ.

P.V

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/truyen-hinh/giai-dieu-tu-hao-thang-11-noi-nho-mua-dong-d103655.html