Giải bài toán kéo hành khách đến với xe buýt

Bên cạnh việc điều chỉnh luồng tuyến, hàng loạt tuyến xe buýt có mức trợ giá cao và kém về sản lượng, doanh thu sẽ dừng hoạt động trong thời gian tới. Đây là biện pháp mạnh tay nhằm đem lại hiệu quả trong việc thu hút hành khách sử dụng xe buýt để đi lại.

Nâng cao chất lượng phục vụ
Nhiều năm qua, hệ thống xe buýt đã khẳng định được vai trò chủ lực trong mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, đặc biệt là việc sắp xếp lộ trình, tần suất, thời gian chạy xe. Thời gian gần đây, khối lượng VTHKCC bằng xe buýt của Hà Nội có xu hướng chững lại, trong khi đó phương tiện cá nhân (ô tô con, xe máy) tăng một cách nhanh chóng, khiến ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp.

Người dân Hà Nội ngày càng tin tưởng sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển. Ảnh: Phạm Hùng

Có nhiều nguyên nhân làm cho khối lượng vận tải hành khách tăng trưởng chậm, trong đó có nguyên nhân về năng lực phục vụ của mạng lưới tuyến. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Sở GTVT Hà Nội đặt ra là phải sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới xe buýt, hợp lý hóa lộ trình, tần suất chạy xe. Việc này nhằm tối ưu năng lực phục vụ, mang đến dịch vụ chất lượng hơn cho hành khách để thu hút người dân tham gia giao thông bằng xe buýt, giảm nguy cơ ùn tắc giao thông.

Trước thực tế đó, Sở GTVT Hà Nội tiến hành điều chỉnh tần suất, thời gian vận hành và hợp lý hóa lộ trình 78 tuyến xe buýt. Trong đó hợp lý hóa lộ trình 18 tuyến; điều chỉnh lộ trình, dịch vụ 27 tuyến; điều chỉnh tần suất dịch vụ 8 tuyến; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe 25 tuyến. Sở GTVT Hà Nội cũng vừa kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép dừng hoạt động 6 tuyến buýt có mức trợ giá cao trên 95% kể từ ngày 1/4 tới.

Các tuyến này bao gồm: Tuyến số 14 (Bờ Hồ - Cổ Nhuế), 18 (Đại học Kinh tế Quốc dân - Đại học Kinh tế Quốc dân), 44 (Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình), 45 (Times City - Bến xe Nam Thăng Long), 145 (Trung tâm thương mại Big C Thăng Long - Công viên nước Hồ Tây) và tuyến số 10 (Long Biên - Trung Mầu). Theo Sở GTVT Hà Nội tính toán, nếu đề xuất này được thực hiện sẽ tiết giảm được khoảng 11,45 triệu km hành trình/năm, tương ứng với chi phí tiết kiệm được khoảng 212,23 tỷ đồng/năm. Để không ảnh hưởng nhiều tới đi lại của hành khách, Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ điều chỉnh các tuyến buýt có lộ trình gần tương tự với tuyến dừng hoạt động để việc đi lại của người dân ít bị ảnh hưởng nhất.

Hành khách lên xe buýt trên đường Kim Mã, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ông Nguyễn Bá Quân, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Tôi hằng ngày di chuyển trên tuyến xe buýt số 45 để đi làm. Đây là tuyến xe buýt di chuyển trong nội thành, qua nhiều tuyến phố nhỏ với hành trình khá dài lại trùng lặp với nhiều tuyến xe buýt khác”. Ông Quân chia sẻ, trên tuyến xe buýt số 45 này, người dân có thể di chuyển tới khoảng 14 bệnh viện lớn trong toàn TP và đến rất nhiều cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, trên tuyến có đông hành khách là người già, hưu trí thường xuyên đau ốm phải đi khám bệnh… Vì vậy, khi chấm dứt tuyến buýt này để đảm bảo lợi ích hài hòa cho ngân sách thì TP cần sớm có giải pháp tương đồng để không gây xáo trộn cho người dân đi lại.

Kéo khách trở lại với xe buýt

Việc điều chỉnh luồng tuyến xe buýt đã đem lại những hiệu quả tức thời, sản lượng hành khách có những chuyển biến đáng kể. Sản lượng khách tăng trở lại có nhiều nguyên nhân, và một trong số đó là từ việc điều chỉnh lộ trình, hợp lý hóa tần suất, thời gian chạy xe của các tuyến buýt. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Thanh Nam cho biết, năm 2023, công ty đã vận hành hơn 3,8 triệu lượt xe, đạt 98,5% kế hoạch đấu thầu - đặt hàng, vận chuyển trên 227,6 triệu lượt hành khách, tăng 35% so với năm 2022, sản lượng khách vận chuyển ước đạt 58% sản lượng toàn mạng.

Trong năm 2023, Transerco đã rà soát, tham mưu, đề xuất Sở GTVT điều chỉnh lộ trình 8 tuyến buýt nhằm thuận tiện cho công tác vận hành, tăng cường kết nối mạng lưới xe buýt, mở rộng vùng phục vụ; 10 tuyến để tránh ùn tắc giao thông tạo thuận lợi cho hành khách; 39 tuyến buýt phục vụ tổ chức giao thông của TP phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Transerco đang chủ động đánh giá nhu cầu đi lại, rà soát biểu đồ chạy xe trên từng tuyến và báo cáo Sở GTVT điều chỉnh giảm dịch vụ giai đoạn 1 cho 25 tuyến, nhánh tuyến, thực hiện từ 1/1/2024. Việc điều chỉnh, hợp lý hóa lộ trình xe buýt bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực cho cả hành khách lẫn DN. Một số tuyến buýt đã không còn chịu quá nhiều áp lực do lo ngại chậm giờ, ùn tắc giao thông, vận hành những cung giờ vắng khách nữa.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, việc điều chỉnh lộ trình, tần suất, hợp lý hóa mạng lưới tuyến buýt của Hà Nội thời gian qua đã và đang đem lại những kết quả tích cực trong việc kéo người dân lại gần hơn với phương tiện VTHKCC. Xe buýt vẫn đang phải chen chân cùng với các phương tiện khác trên đường, hành khách phân bổ không đều nơi đông, nơi vắng, nhiều tuyến buýt trùng lặp… không thể chỉ tập trung vào việc mở mới, kéo dài tuyến... Do vậy, cần phải sắp xếp, tính toán cụ thể với từng tuyến buýt để có sự điều chỉnh sao cho phù hợp.

Phạm Công - Huy Hoàng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-bai-toan-keo-hanh-khach-den-voi-xe-buyt.html