Giải bài toán cải thiện sinh kế cho người dân vùng hồ thủy điện Hòa Bình: Bài 1 - Cuộc sống đảo lộn vì chạy nước sông Đà

Công trình thủy điện Hòa Bình (TĐHB) là một kỳ tích được tạo dựng bằng ý chí, quyết tâm, mồ hôi, công sức của cán bộ, Nhân dân cả nước trong hành trình trị thủy, chinh phục dòng sông Đà hung dữ, chuyển hóa sức nước vô biên thành dòng điện dồi dào phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Bù đắp những thiệt thòi cho người dân đã hy sinh ruộng vườn, nhà cửa, bãi bồi, mồ mả ông cha, Đảng và Nhà nước đã thực hiện chính sách đầu tư phát triển KT-XH cho vùng hồ sông Đà. Nhiều năm qua, cuộc sống người dân đã được cải thiện, tuy vậy còn nhiều khoảng cách so với mặt bằng chung. Cải thiện sinh kế bền vững cho người dân vùng hồ sông Đà vẫn là vấn đề nan giải.

>> Bài 2 - "Trả nợ” người dân vùng hồ

Một góc vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Trong ký ức cán bộ và Nhân dân vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà còn nhớ sâu sắc công cuộc di dân, phục vụ xây dựng TĐHB. Đó là quãng thời gian quyết liệt, sôi sục, gian khó. Sáng 6/11/1979, đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát lệnh nổ mìn, khởi công xây dựng công trình TĐHB. Cả đất nước dồn lực cho công trường TĐHB. Đó cũng lúc bắt tay thực hiện di dân vùng hồ, cuộc chuyển dân lớn nhất trong lịch sử đất nước, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để kịp thời phục vụ kế hoạch ngăn sông Đà. T.Ư Đảng, Chính phủ giao Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Sơn Bình (cũ), trực tiếp là các địa phương: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn, thị xã Hòa Bình thực hiện công tác di chuyển dân ra khỏi vùng ngập nước. Huyện Đà Bắc được coi là trung tâm của cuộc chuyển dân, phải di chuyển ra khỏi vùng lòng hồ toàn bộ khu vực huyện lỵ với 62 cơ quan, bệnh viện, cửa hàng, xí nghiệp, 14 trường học, 12 trạm xá, 12 trụ sở, 12 cửa hàng mua bán, với tổng số 40.500 m2 công trình phục vụ sản xuất và công trình công cộng. Toàn huyện phải di chuyển 2.365 hộ với 12.397 nhân khẩu, 3.700 mồ mả cùng hàng chục vạn m2 nhà ở của Nhân dân nằm rải rác ở 18/23 xã, 60 bản làng. Công trình TĐHB làm ngập hơn 5.500 ha đất của huyện, trong đó có 640 ha ruộng màu mỡ, 1.100 ha hoa màu phù sa, 50 km đường ô tô, hàng trăm km đường dân sinh kinh tế liên xã, liên xóm, 15 công trình thủy lợi, kênh mương nhỏ, 4 công trình thủy điện công suất 5 - 12 kW… 40 năm đã trôi qua nhưng những người có tuổi đều không thể quên tháng năm chuyển dân, chạy nước ở vùng hồ Hòa Bình. Ông Đinh Công Tân, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đà Bắc từng có 18 năm là Chủ tịch, Bí thư xã Hào Tráng (cũ), là trung tâm chuyển dân vùng hồ sông Đà của huyện Đà Bắc nhớ lại: Công tác vận động, di chuyển dân khỏi vùng hồ khối lượng công việc rất lớn, lại vô cùng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống, tâm tư, tình cảm của Nhân dân các dân tộc trong huyện. Ruộng vườn, đất đai màu mỡ, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng phần lớn nằm trong vùng ngập nước. Gần một nửa số xã và 50% dân cư của huyện Đà Bắc cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn vì di chuyển dân. Để đáp ứng yêu cầu cho các đợt ngăn sông, đắp đập, xây dựng thủy điện, huyện Đà Bắc đã tiến hành cuộc cách mạng tuyên truyền, vận động di dân khỏi vùng nước ngập. Huyện ủy quyết định thành lập Ban Kiến thiết chuyển dân do đồng chí Đinh Công Tuất, Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban và đồng chí Đinh Duy Lập, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Phó ban chuyên trách kiêm Trưởng Ban Kiến thiết xây dựng huyện lỵ mới. Hàng tháng, BTV Huyện ủy và Thường trực UBND huyện trực tiếp nghe, thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo cụ thể công tác chuyển dân và xây dựng nơi mới. 18/23 xã thành lập Ban Kiến thiết chuyển dân do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban để chỉ đạo di dân. Huyện phối hợp Ban Công tác sông Đà chỉ đạo các xã tổ chức điều tra, khảo sát, lập kế hoạch bồi thường di chuyển nhà cửa, mồ mả, cây cối và tài sản khác không di chuyển được cho Nhân dân; tổ chức di chuyển để kịp tiến độ lấp sông Đà đợt I và đợt II. Thời điểm đó, đất nước còn nghèo, các cơ chế, chính sách di dân chưa đáp ứng yêu cầu ổn định cuộc sống, sản xuất, việc đền bù, hỗ trợ không đủ để di chuyển đến nơi ở mới. Ông Lò Văn Thảo, xóm Cò Xa, xã Tiền Phong nay chuyển về tái định cư tại xóm Hào Tân, xã Tú Lý cho biết: Người dân rất tâm tư, không muốn di chuyển khỏi vùng hồ vì đã bao đời sinh sống ổn định ven sông Đà. Cuộc sống, phong tục tập quán đã quen, đất đai màu mỡ, chỉ cần gieo hạt là lúa lên bông nặng trĩu, đánh bắt cá tôm cũng đủ sống. Chính sách hỗ trợ theo thực tế quá thấp, không đủ chi phí cần thiết cho việc xây dựng, di chuyển đến nơi mới. Mỗi gia đình di chuyển được Nhà nước đền bù theo giá trị tài sản khác nhau, từ 2.500 - 3.000 đồng, nhưng thực tế Nhân dân được tạm ứng 1/2 số tiền, tương đương 20 - 30 kg gạo, số còn lại phải gửi vào tiết kiệm. Cuộc sống người dân vốn khó khăn lại càng bị thiệt thòi khi đồng tiền trượt giá. Xã Hào Tráng, Vầy Nưa là trung tâm bị ngập nước có tới cả nghìn hộ bị ảnh hưởng phải di chuyển. Dân chạy theo con nước sông Đà, di chuyển từ cos 63 lên cos 75... cứ tưởng an tâm thì nước sông lại ngập tới. Chuyển đến cos 120 đúng vào dịp lũ to, lại chạy lên lưng chừng núi cao hơn. Ông Đinh Công Tân, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đà Bắc kể: Chạy lũ đến lưng chừng vẫn chưa yên ổn. Khó khăn chồng chất. Phía trước là nước, phía sau là đồi. Không đường. Núi rừng rậm rạp, cỏ lau ngút trời. Thời đấy khó khăn, Nhà nước hỗ trợ được rất ít. Như nhiều gia đình khác, nhà tôi thuộc nhóm nhà sàn loại 2, rộng rãi, được hỗ trợ 2.800 đồng, gửi tiết kiệm vào thời điểm lạm phát, rồi đổi tiền, thành thử gần như chẳng còn gì. Trong khi đó, di chuyển nhà biết bao việc phải lo. Nhiều gia đình bỗng chốc tay trắng, nhiều nơi không có sắn mà ăn. Thời gian đói căng thẳng, Nhà nước phải cung cấp gạo cứu tế cho người dân vùng hồ. Ông Bàn Minh Xuân, nguyên Trưởng phòng Lao động huyện Đà Bắc, người trực tiếp đi vận động dân di chuyển khỏi lòng hồ cho biết: Theo chỉ đạo của Huyện ủy, anh em chuyên môn bám cơ sở, tuyên truyền, động viên Nhân dân chia sẻ, cảm thông với khó khăn chung của Nhà nước, hỗ trợ di chuyển dân ra khỏi vùng ngập nước bảo đảm tiến độ. Hầu hết các hộ dân di chuyển lên núi cao, một phần đến những địa phương trong và ngoài tỉnh. Cuối cùng, công tác di dân cũng được thực hiện theo kế hoạch bảo đảm tiến độ đắp đập, ngăn sông xây dựng nhà máy TĐHB. Từ năm 1980 - 1984, huyện Đà Bắc đã di chuyển 1.400 hộ với gần 9.000 nhân khẩu lên khỏi cos 43 m, trong đó chuyển ra khỏi vùng lòng hồ 800 hộ, chuyển vén tạm lên cos 43 là 600 hộ, di chuyển được trên 700 mồ mả lên trên cos 120 m, hoàn thành việc di chuyển toàn bộ các cơ quan của huyện về huyện lỵ mới, trong đó xây dựng được 9.000 m2 nhà, gồm trụ sở làm việc của Huyện ủy, UBND huyện, hội trường, các cơ quan, trường học, cửa hàng, bệnh viện... Năm 1985, huyện Đà Bắc tập trung chỉ đạo di dân đợt 2, chủ yếu ở 2 xã Hào Tráng và Hiền Lương, mục tiêu chuyển gọn các hộ còn dưới cos 60 m. Kết quả của chiến dịch này đã chuyển được 160 hộ của 2 xã Hào Tráng, Hiền Lương ra khỏi vùng lòng hồ. Phục vụ thi công công trình thủy điện Hòa Bình, toàn tỉnh đã di chuyển hơn 4.000 hộ dân và gần 8.000 mồ mả của người dân vùng lòng hồ đến nơi ở mới, hàng trăm hộ di chuyển định cư vào Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, di dời hơn 300 nghìn m2 tài sản nhà cửa, 75 HTX, 182 cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, 102 công trình công cộng cấp xã; có 2.800 ha đất nông nghiệp và hơn 234 km đường giao thông cùng nhiều công trình khác bị ngập chìm trong nước lòng hồ. (Còn nữa) Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/172830/giai-bai-toan-cai-thien-sinh-ke-cho-nguoi-dan-vung-ho-thuy-dien-hoa-binh-bai-1-cuoc-song-dao-lon-vi-chay-nuoc-song-da.htm