Giấc mơ cường quốc mắc ca: Thêm khuyến cáo

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, mắcca là loài cây mới cần phải đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có 2.266ha cây mắcca, chiếm hơn 64% diện tích cây mắcca của cả nước. Sản lượng quả tươi thu hái được trong năm 2016 là 246 tấn, chiếm gần 91,5% sản lượng của cả nước.

Nhiều nơi khuyến cáo mở rộng trồng mắcca

Diện tích cây mắcca tập trung chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng chiếm 44,04%, Đắk Nông chiếm 35,30%, kế đến là tỉnh Đắk Lắk…

Được đánh giá là loại cây mới, tuy nhiên mắcca vẫn là loại cây đang được trồng thử nghiệm vì vậy cần phải đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi.

Đặc biệt việc trồng và phát triển mắcca phải gắn với quy hoạch và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm để giảm thiểu rủi ro cho người trồng.

Thực tế thì cũng đã có những hộ gia đình thu được lợi lớn từ việc trồng mắcca tuy nhiên, cũng không ít trường hợp vì chạy theo lợi nhuận, bất chấp cảnh báo mà mở rộng diện tích ồ ạt, trồng ở những nơi không phù hợp.

Nghiêm trọng hơn, có hộ sử dụng các loại giống không rõ nguồn gốc, giống kém chất lượng nên cây phát triển nhưng không có cho quả, hoặc tỷ lệ đậu quả rất thấp.

"Mắcca là một loại cây trồng mới, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu về đất đai, khí hậu, kỹ thuật, giống... nên người dân không nên trồng ồ ạt dễ gây ra nhiều hệ lụy", Tiến sỹ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến cáo.

Trước Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo khuyến cáo người dân không phát triển diện tích cây mắcca.

Ông Trần Hiếu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã nói thẳng, trên địa bàn có nhiều diện tích cây mắc ca trồng đã lâu, sinh trường tốt, ra hoa nhiều nhưng việc đậu quả không đạt.

“Vừa qua dư luận cũng đặt ra vấn đề việc phát triển mắc ca ô ạt sẽ vô cùng nguy hiểm. Trên cơ sở đó tỉnh cũng đã chỉ đạo cần khuyến cáo người dân không phát triển cây mắc ca để tránh thiệt hại. Ngay như một số nước phát triển mạnh về mắc ca họ cũng trồng mấy chục ngàn hecta, trong khi đó nước ta về kinh nghiệm, thị trường không có lại có tham vọng phát triển 200.000ha mắc ca là điều hết sức nguy hiểm” - ông Hiếu nhận định.

Hiệu quả không như mơ

Việc cảnh báo mở rộng cây trồng mắcca đã từng được các chuyên gia nhiều lần lên tiếng.

Về phía Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng nhiều lần khuyến cao không nên trồng theo phong trào. Bản thân ông Phạm Đồng Quảng, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT từng cho biết, hô hào trồng cây mắc ca chỉ có doanh nghiệp. Bộ chưa có chủ trương và mới tiến hành khảo nghiệm.

Trong khi đó, GS Đinh Xuân Bá, một nhà toán học đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu và thu thập các số liệu cơ sở của quốc tế và chứng minh có một sự hoang tưởng về các dữ liệu với loại cây này.

Theo đó ông đã tính toán để xem nếu trồng 100.000 ha mắc ca thì sau 10 năm có thu nhập trung bình trong 1 năm là bao nhiêu USD.

Ai nuôi giấc mơ mắc ca Việt bất chấp cảnh báo?

GS Bá dẫn các số liệu tin cậy thì một ha trồng được 312 cây (mật độ trồng 8x4m), một số liệu khác thì một ha trồng được 416 cây (mật độ trồng 6x4m), theo nguồn báo Nhandan thì tại Tây Nguyên VN một ha trồng thí điểm có hơn 200 cây. Vậy tạm lấy con số trung bình là một ha có 300 cây mắc ca.

Một nguồn khác cũng đưa ra số liệu đối với một cây mắc ca, trong 4 năm đầu ta chưa thu hoạch được hạt nào. Đến năm thứ 5 thì thu hạt được 1 kg/cây, năm thứ 10 thu được 10kg/cây.

"Vậy tính cả 10 năm thì thu được trung bình mỗi năm là 3,2kg/cây, (không phải là 70kg/cây như ông Tạn và nhà báo Anh Khoa nói)", GS Bá nói thẳng.

An An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/giac-mo-cuong-quoc-mac-ca-them-khuyen-cao-3331951/