Giấc mơ cường quốc điện hạt nhân

Trong tham vọng trở thành cường quốc điện hạt nhân lớn nhất thế giới, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua kế hoạch tăng cường an toàn điện hạt nhân và kiểm soát ô nhiễm phóng xạ.

Một nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc

Bản kế hoạch mới được thông qua cam kết sẽ nâng cao năng lực của Trung Quốc trong công tác xử lý chất thải phóng xạ để đáp ứng với sự phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân nước này.

Theo kế hoạch, tới năm 2020, công tác đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân Trung Quốc sẽ được cải thiện một cách đáng kể với tỷ lệ xảy ra các vụ tai nạn phóng xạ thấp hơn, năng lực ứng phó với những tình huống khẩn cấp và giám sát an toàn cũng sẽ được nâng lên trình độ cao hơn rất nhiều so với hiện nay.

Ngược dòng lịch sử, từ tháng 1-1955, Trung Quốc đã bắt đầu chương trình phát triển năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, phải đến đầu những năm 2000, chính phủ nước này mới quyết định đẩy mạnh chương trình điện hạt nhân và đa dạng hóa nguồn năng lượng để phát triển bền vững và đáp ứng mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.

Trước đó, hơn 2/3 tổng năng lượng của quốc gia này được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện đã lạc hậu. Hậu quả của nó là nạn ô nhiễm không khí và môi trường đang bủa vây Bắc Kinh. Ngoài ra, tai nạn trong khai thác than ở Trung Quốc mỗi năm giết chết trên 2.000 người, và một vùng rộng lớn ở nông thôn phía Bắc của Trung Quốc đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, điện hạt nhân được coi là một giải pháp “năng lượng sạch” thay thế điện chạy than. Hiện Trung Quốc đang vận hành 36 lò phản ứng điện hạt nhân và xây dựng 20 lò mới. Mục tiêu của Bắc Kinh là sẽ cho xây dựng và vận hành 110 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030. Nếu thực hiện được mục tiêu này, Trung Quốc có thể sẽ bắt kịp hoặc vượt Mỹ để trở thành quốc gia có số lượng nhà máy điện hạt nhân nhiều nhất trong mạng lưới các quốc gia có nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.

Tuy nhiên, sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản) hồi 2011 đã khiến Trung Quốc phải thận trọng hơn với tham vọng của mình. Việc xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân bị tạm thời dừng lại. Bù lại, trong vòng 10 năm trở lại đây, việc sử dụng thủy điện, năng lượng gió, sinh khối và năng lượng mặt trời ở Trung Quốc đã tăng đáng kể. Với công suất thiết kế lên đến gần 26 GW vào cuối năm 2009, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường năng lượng gió lớn nhất thế giới.

Mặc dù năng lượng gió có ưu điểm, nhưng nó cũng có nhiều nhược điểm. Nhược điểm lớn nhất của năng lượng gió là không liên tục. Điện có thể được sản xuất và cung cấp đầy đủ khi gió đủ mạnh, còn vào thời điểm gió tạm lắng, việc sản xuất điện bằng năng lượng gió là không thể. Năng lượng mặt trời cũng là năng lượng sạch và là giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Nhưng năng lượng mặt trời lại không sạch ở chỗ vòng đời của những tấm pin quang điện và ắc-qui lưu trữ, cụ thể là khi chúng được tạo ra và thải bỏ.

Với các nhược điểm trên, nếu muốn đáp ứng đủ nhu cầu điện năng để phát triển đất nước thì Trung Quốc vẫn phải phát triển điện hạt nhân. Năng lượng điện hạt nhân là một bộ phận hữu cơ trong chiến lược phát triển năng lượng của Trung Quốc.

Điện hạt nhân đang và sẽ là nguồn cung cấp quan trọng cho các vùng duyên hải, nơi kinh tế phát triển nhanh và cần nhiều điện. Nhưng muốn trở thành cường quốc điện hạt nhân thì trước tiên vẫn phải giải quyết vấn đề an toàn và kiểm soát ô nhiễm phóng xạ.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/giac-mo-cuong-quoc-dien-hat-nhan/722441.antd