Giá xăng có thể "cõng" thêm 4.000 đồng thuế bảo vệ môi trường

Thuế bảo vệ môi trường với xăng có thể tăng đến 4.000 đồng/lít sau khi tăng gấp ba loại thuế này vào năm 2015.

Sau khi tăng gấp ba thuế bảo vệ môi trường với xăng năm 2015, đề xuất tăng tiếp khoản thuế này một lần nữa lại được Chính phủ nêu lên trong Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 và tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Thuế bảo vệ môi trường chiếm gần 1/3 giá xăng. Ảnh minh họa

Nghiên cứu của Bộ Tài chính cách đây ít lâu cũng nêu rõ: Nếu tăng kịch trần khung thuế hiện hành cho phép, thuế bảo vệ môi trường sẽ từ 3.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít, tức tăng thêm 1.000 đồng/lít. Dầu diesel sẽ từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, tăng thêm 500 đồng/lít.

Như vậy, trong trường hợp thu ngân sách 2016 gặp khó khăn do giá dầu bất lợi và các nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm mạnh, phương án này sẽ được Chính phủ đề xuất sử dụng.

Theo quy định hiện nay, khung kịch trần với thuế bảo vệ môi trường là 4.000 đồng, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong khung mức thu quy định tại Luật. Đây là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Mức tăng lần này lên tới kịch trần 4.000 đồng so với giá xăng hiện nay lưu hành tại Petrolimex là 15.120 đồng/lít tại vùng 1 và 15.420 đồng/lít ở vùng 2 đồng nghĩa với việc khoản thuế môi trường đã đóng góp gần 30% vào giá xăng.

Trước đó, loại thuế này đã tăng từ 1.000 lên 3.000 đồng từ 1/5/2015 nhằm bù đắp một phần giảm thu do lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế.

Cách đây một tháng, trước thông tin thuế bảo vệ môi trường có thể tăng lên kịch khung, đại diện Vụ Chính sách thuế cũng như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đều khẳng định với báo chí rằng cơ quan này không hề đưa ra đề xuất trên.

Thuế bảo vệ môi trường tăng gấp ba trong 8 tháng cuối năm đã góp phần giúp thu ngân sách 2015 vượt dự toán trong bối cảnh giá dầu lao dốc. Báo cáo Quốc hội hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thông tin, nhờ việc tăng gấp ba thuế môi trường với xăng dầu mà ngân sách cả năm có thêm 13.200 tỷ đồng trong điều kiện nhiều nguồn thu khác khó khăn.

Sau đợt tăng giá 670 đồng/lít ngày 21.3, hiện giá xăng bán lẻ đang ở mức 14.420 đồng/lít, dầu hỏa 8.900 đồng/lít, dầu diezel 9.870 đồng/lít. Nếu đề xuất trên được chấp thuận, chắc chắn giá xăng bán lẻ sẽ chịu tác động tăng giá, khi thuế bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố quan trọng của giá cơ sở.

Ông Phan Thuế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: Chúng ta đang bắt buộc phải giảm thuế theo lộ trình các hiệp định đã ký kết. Ví dụ trong hiệp định thương mại tự do Việt Hàn, thuế nhập khẩu dầu về 0%, xăng từ 20% xuống 10%.

Cũng theo ông Ruệ, từ sau năm 2020, thuế nhập khẩu xăng sẽ nhiều khả năng về 0%. Lý do này bắt buộc Bộ Tài chính phải điều chỉnh thuế nội địa phù hợp với xu thế thế giới. Việc nghiên cứu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là hướng Bộ Tài chính đang làm để bù đắp chuyện cắt giảm thuế theo hiệp định thương mại tự do.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, muốn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% như kế hoạch, bên cạnh thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp, thì việc khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô cũng là một trong những giải pháp “cứu” cho năm đầu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Nguồn Phụ Nữ Today: http://phunutoday.vn/xa-hoi/gia-xang-co-the-cong-them-4000-dong-thue-bao-ve-moi-truong-102593.html