Giá thực phẩm sau Tết dần ổn định

Từ sáng mùng 2 Tết, các mặt hàng rau, thịt, cá và một số loại lương thực, thực phẩm thiết yếu khác tại phần lớn các chợ đã được mở bán trở lại. Giá các mặt hàng tuy có tăng so với ngày thường nhưng so với dịp Tết những năm trước thì tăng ít hơn.

Những ngày Tết, nhu cầu mua các loại rau để ăn lẩu là ưu tiên lựa chọn của nhiều gia đình.

Có mặt tại một số chợ trên địa bàn TP. Thái Nguyên sáng mùng 4 Tết, chúng tôi được biết, giá bán mỗi kg cải ngồng, cải cúc (đã nhặt sẵn) là 20 nghìn/kg; cà chua 10 nghìn đồng/kg; ngải cứu 15 nghìn/kg; nấm kim châm 10 nghìn đồng/túi 1 lạng; su su 10 nghìn đồng/kg; đậu phụ 7-8 nghìn đồng/bìa…

So với mùng 2 Tết, giá rau các loại rẻ hơn từ 5-10 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, so với ngày thường thì hầu hết các loại rau vẫn đắt hơn 3-10 nghìn đồng/kg. Một số mặt hàng như măng đắng Bắc Kạn giá vẫn ổn định, thậm chí rẻ hơn ngày thường, chỉ khoảng 20 nghìn đồng/kg.

Đối với mặt hàng thịt, cá các loại, giá bán tăng khoảng 20-30 nghìn đồng/kg. Cụ thể, thịt bò thăn, bắp có giá trên dưới 300 nghìn đồng/kg (trước đó, vào mùng 2 Tết, giá bán từ 330-350 nghìn đồng/kg). Tương tự, thịt lợn cũng có giá từ 120-130 nghìn đồng/kg tùy loại, tăng 20 nghìn đồng/kg. Cá chép, cá trắm giòn có giá 180-200 nghìn đồng/kg; cá trắm thường có giá 60-90 nghìn đồng/kg (tùy loại to, nhỏ)…

Bà Nguyễn Thị Xuân, chủ nhà hàng ăn uống trên đường Lưu Nhân Chú chia sẻ: Giá bán các mặt hàng rau, thịt dịp Tết này tuy cao hơn so với trước Tết nhưng so với cùng thời điểm các năm trước lại thấp hơn. Từ mùng 4 Tết, tôi đã có khách đặt cỗ nhưng giá bán của Nhà hàng vẫn không thay đổi, do một số thực phẩm chính như thịt các loại và hải sản, tôi vẫn lấy được giá cũ từ mối quen. Chỉ có rau và thức ăn phụ tăng đôi chút nhưng không đáng kể… Tôi cho rằng, giá bán các mặt hàng rau củ dịp Tết này là khá dễ chịu.

Còn theo ông Nguyễn Thành Tuân, ở tổ 2, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên): Trong khi cán bộ, công chức, người lao động vẫn trong thời gian nghỉ Tết, còn các tiểu thương đã phải bươn chải ngoài chợ nên việc giá tăng đôi chút cũng là điều dễ hiểu và chấp nhận được. Dù biết giá sẽ cao hơn nhưng trước Tết, gia đình tôi cũng chỉ sắm mọi thứ đủ ăn trong 2-3 ngày, để từ mùng 3 là đi chợ mua rau, thịt mới về ăn cho tươi ngon. Mua nhiều, để ôi hoặc thừa thãi phải vứt đi, tính ra còn tốn kém hơn...

Chị Nguyễn Thị Đào, một tiểu thương bán rau tại chợ Khu Nam không ngần ngại khi chia sẻ: Một phần do giá nhập những ngày Tết cao hơn, một phần do chúng tôi muốn có thu nhập cao hơn trong những ngày Tết nên thường bán đắt hơn đôi chút so với ngày thường. Giá bán do mỗi người tự đưa ra, chứ không có giá chung cho tất cả.

Quả thật, qua khảo sát tại các chợ cho thấy, mỗi nơi giá bán từng mặt hàng lại có sự khác nhau, song không quá lớn. Đối với những chợ gần trung tâm thành phố, giá bán thường nhỉnh hơn so với các chợ vùng ven. Ngay trong cùng một chợ, cũng có sự chênh lệch giữa các tiểu thương. Người này có thể bán 20 nghìn đồng/kg rau cải, nhưng người khác lại có thể bán với giá 30 nghìn đồng; chỗ này bán 8 nghìn/bìa đậu, chỗ kia lại bán 10 nghìn đồng.

Chị Trịnh Thanh Bình, một tiểu thương ở chợ Thái cho biết: Tùy khách để chúng tôi nói giá. Những ngày Tết, mọi người thường rất ít mặc cả nên việc buôn bán cũng dễ dàng hơn. Nói như vậy không có nghĩa mình cứ tha hồ nói thách, vì nếu bán đắt quá, họ cũng không mua và sau Tết sẽ mất khách. Vì thế, giá đưa ra phải được người mua cảm thấy “chấp nhận được”.

Theo các tiểu thương, chỉ khoảng sau mùng 6 tết, cơ bản các loại rau sẽ về với mức giá bình thường. Còn đối với mặt hàng thịt cá, giá bán sẽ ổn định muộn hơn, tầm ngoài mùng 10 hoặc qua Rằm tháng Giêng, do lúc này nhu cầu sử dụng người dân bình thường trở lại, nguồn cung cũng dồi dào hơn...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/thi-truong/202402/gia-thuc-pham-sau-tet-dan-on-dinh-6700f9f/