Gia tăng xuất khẩu nông sản vào thị trường EU

Những nguy cơ từ xung đột Nga - Ukraine, cùng với lệnh cấm các loại nông sản Nga, lại là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam gia tăng xuất khẩu (XK) các loại nông sản chủ lực vào thị trường EU, thay thế thị phần của Nga.

Trong năm 2021, Việt Nam XK sang Nga 3,2 tỷ USD chủ yếu các mặt hàng thủy hải sản, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến, hạt điều… và NK 2,2 tỷ USD từ Nga với các mặt hàng nguyên liệu thép, nguyên liệu động thực vật, dầu mỏ, hàng cotton… Như vậy, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 5,4 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam. Vì vậy, không có nhiều ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến hoạt động của DN Việt.

Tăng cường xuất khẩu thủy sản khi thị trường Nga bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, rất nhiều DN hoang mang lo lắng bởi lo sợ xung đột Nga – Ukraine không chỉ tác động trực tiếp đến hoạt động XNK của DN Việt, mà còn gây khó khăn cho một số thị trường khác mà DN Việt đang làm ăn như Mỹ, EU. Tại tọa đàm “DN Việt trước tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine” vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), PGS Kinh tế học ĐH Thái Bình Dương – cho rằng, không nên phóng đại ảnh hưởng và gây hoang mang quá mức về tác động của xung đột Nga – Ukraine với kinh tế Việt Nam. Giao thương Việt Nam – Nga không quá nhiều so với các đối tác khác vì thế ảnh hưởng trực tiếp có thể không nhiều, tuy ảnh hưởng gián tiếp lan tỏa thì có nhưng loại ảnh hưởng này sẽ cần phải có thời gian mới thấy tác động, khi đó DN đã có đủ thời gian để chuẩn bị thích ứng.

Với thị trường ngũ cốc, Nga và Ukraine cung cấp cho thế giới khoảng 30% lượng lúa mì mỗi năm, nếu mất 30% này thì dẫn đến khủng hoảng về ngũ cốc, lương thực, đẩy giá rất cao, giá lúa mì tăng sẽ kéo theo giá các mặt hàng khác cũng tăng theo. Đặc biệt, gạo tăng giá sẽ rất có lợi cho DN Việt Nam vì Việt Nam XK gạo đứng thứ 2 trên thế giới, sau Ấn Độ. Theo phân tích của TS Trần Quốc Hùng – CEO Viện Tài chính Quốc tế IIF, hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mở ra cơ hội tốt cho Việt Nam. EU dựa vào lúa mì và ngũ cốc của Nga và Ukraine, bây giờ mất nguồn này một phần do chiến tranh, một phần do cấm vận, một phần do người dân tự động tẩy chay hàng hóa của Nga nên họ đang rất cần nguồn khác để thay thế, thì đây là chỗ Việt Nam tập trung sức lực để phát triển XK ngũ cốc, nông phẩm, sản phẩm lương thực sang EU.

Đặc biệt, theo hiệp định EVFTA thì cho hạn ngạch 80 ngàn tấn gạo/năm với thuế 0%, Việt Nam chỉ mới dùng 60 ngàn tấn, nên DN có thể tận dụng hạn ngạch chưa dùng hết để XK gạo vào thị trường EU. Việc XK sang thị trường EU đòi hỏi tiêu chuẩn cao cũng là cơ hội để các DN Việt Nam phải cố gắng nâng cao chất lượng, vì nếu bán được ở EU thì đủ khả năng để cạnh tranh với các thị trường khác trên thế giới.

Đây là cơ hội để DN Việt phát triển và nâng cấp công nghệ nông phẩm của mình, không chỉ gạo mà là nông phẩm, lương thực, bởi vì nhu cầu nông sản thực phẩm ở EU đang tăng với mỗi năm NK khoảng 160 tỷ USD. Ngoài EU, ở Bắc phi, Trung Đông… cũng là nơi NK lúa mì từ Nga và Ukraine, hiện cũng đang thiếu hụt và đang tìm nguồn khác để thay thế. DN Việt có thể khai thác để đa dạng hóa thị trường XK của mình. “Các DN đang NK hay XK sang Nga sẽ gặp khó khăn trước mắt, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các DN chuyển đổi, tìm kiếm các thị trường mới”, TS Trần Quốc Hùngnói.

Với những nguyên liệu lâu nay DN Việt vẫn NK từ Nga, Ukraine nhưng nay cấm vận, buộc phải tìm thị trường mới để NK khiến DN gặp không ít khó khăn. TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, vì Việt Nam không còn NK hàng hóa ở Nga nên bị chao đảo giá do nhập nơi khác, giá tăng lên. Các DN phải làm quen vì kinh tế thị trường là vậy, không có cuộc khủng hoảng này thì có cuộc khủng hoảng khác, không giá này tăng thì giá khác tăng, giá này giảm thì giá khác giảm, nên DN cần làm quen và xem đây là nghĩa vụ của DN.

Ở góc độ DN, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), nguyên Chủ tịch Câu lạc bộ DN dẫn đầu (LBC) cho rằng, sự tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine, DN đừng bị hốt hoảng. Có 3 điều mà DN cần phải làm đó là: DN cần đánh giá năng lực của mình, đánh giá dự báo tương đối cụ thể những gì tác động, ngắn hạn, dài hạn để có điều chỉnh cho phù hợp; phải xem trọng vấn đề liên kết. Liên kết cộng đồng DN và Nhà nước, liên kết các ngành với nhau và các DN với nhau; diện tích về nông nghiệp sẽ ngày càng ít, dân số vẫn tăng trưởng nhất định, nhu cầu lương thực lúc nào cũng tăng lên. Chắc chắn mô hình công nghệ mới giải quyết được vấn đề này.

Nguồn CAND: https://cand.com.vn//kinh-te/gia-tang-xuat-khau-nong-san-vao-thi-truong-eu-i647247/