Gia tăng bệnh lao kháng thuốc

Bệnh lao hiện nay đã không còn là chứng bệnh nan y do có thuốc điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, công tác phòng, chống lao hiện nay vẫn còn gặp những trở ngại khi còn khá nhiều người bệnh không điều trị đầy đủ và theo đúng phác đồ. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bệnh lao kháng thuốc đang có chiều hướng gia tăng.

Bệnh nhân lao kháng thuốc đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa đã phát hiện, điều trị cho gần 500 bệnh nhân lao; trong đó tỷ lệ bệnh nhân bị lao kháng thuốc chiếm 36%. So với cùng kỳ các năm trước, số ca mắc lao được phát hiện, điều trị có xu hướng giảm, song số trường hợp bị lao kháng thuốc lại gia tăng. Điều trị lao kháng thuốc rất khó khăn do thời gian điều trị dài ngày, số lượng thuốc nhiều, nhiều tác dụng phụ nên nhiều người không kiên trì, không thực hiện nghiêm phác đồ điều trị.

Anh L.V.Tr., ở thị xã Nghi Sơn, cho biết: “Cách đây mấy tháng khi ở nhà tôi có dấu hiệu ho, cảm cúm bình thường nên đã ra quầy thuốc gần nhà mua thuốc ho để uống. Tuy nhiên, uống thuốc liên tục 10 ngày vẫn không dứt cơn ho và còn xuất hiện thêm hiện tượng tức ngực, khó thở. Vì thế, tôi đã đến phòng khám tư nhân để chụp phim và phát hiện phổi có vấn đề nên được chỉ định đến khám tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa và được chẩn đoán mắc lao kháng thuốc. Trong tuần đầu điều trị bệnh, tôi đã phải trải qua nhiều cơn say thuốc vì phải dùng nhiều loại thuốc nặng. Nguyên nhân kháng thuốc được bác sĩ cho biết là do lây từ người bị kháng thuốc. Biết được điều này, tôi rất lo lắng, vì nhỡ người nhà mình bị lây, nhất là trẻ em. Song do tuân thủ phác đồ điều trị nên đến nay bệnh tình đã thuyên giảm và được về nhà điều trị ngoại trú theo phác đồ”.

Đang điều trị lao kháng thuốc tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, anh Bùi Văn Hợp (huyện Bá Thước) cho biết: “Tôi mắc lao từ năm 2018 và cũng phải điều trị nhiều đợt. Cách đây 1 tháng, tôi bị ho liên tục, cứ tưởng ho do hút thuốc lá nhiều nên đã tự đi mua thuốc uống nhưng không đỡ. Khi vào bệnh viện khám lần này được chẩn đoán bị bệnh lao kháng thuốc. Qua hơn 1 tuần chữa bệnh, đến nay sức khỏe của tôi đã ổn định lại”.

Bác sĩ CKI Lê Văn Tuất, Trưởng Khoa Nội I, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, cho biết: Khoa đang điều trị cho hơn 60 bệnh nhân lao, trong đó có 7 bệnh nhân lao kháng thuốc. Nguyên nhân của lao kháng thuốc là do các bệnh nhân dùng thuốc không đúng liều, không đầy đủ hoặc tự ý ngưng sử dụng thuốc; không tuân thủ quy định không hút thuốc lá, uống rượu bia trong quá trình điều trị. Lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại thuốc chống lao. Với những bệnh nhân này, việc điều trị sẽ rất khó khăn bởi phổi đã bị tổn thương trên diện rộng, sức khỏe suy kiệt. Đặc biệt, bệnh nhân kháng với hầu hết thuốc điều trị. Việc điều trị lao phải tuân thủ phác đồ điều trị, phải uống nhiều loại thuốc, lao thường thì phải uống ít nhất 3 loại thuốc, còn lao kháng thuốc phải uống tới 6 - 8 loại, điều này dẫn đến những tác dụng phụ cho người bệnh như: mệt mỏi, nôn... Điều nguy hiểm là bản thân người bệnh trở thành nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc cho cộng đồng.

Trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, được biết: Bệnh lao thông thường và lao kháng thuốc nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị thì khả năng chữa khỏi rất cao. Hiện nay, Chương trình Chống lao quốc gia đang hỗ trợ miễn phí toàn bộ thuốc điều trị cho bệnh nhân lao và có thêm nhiều hỗ trợ trong quá trình điều trị đối với bệnh nhân bị lao kháng thuốc... Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý, điều trị bệnh lao còn những khó khăn, đó là: thời gian điều trị kéo dài liên tục từ 6 - 9 tháng đối với lao thường, 9 đến 24 tháng đối với lao kháng thuốc, bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị, phải sử dụng nhiều loại thuốc và thường có những tác dụng phụ, nên thiếu kiên trì, bỏ điều trị. Lao kháng thuốc phải dùng thuốc rất nhiều nên tất cả các bệnh nhân lao uống thuốc phải có sự kiểm soát của nhân viên y tế, nếu về nhà thì phải có giám sát của người nhà, bệnh nhân tuân thủ uống thuốc đúng giờ, đều đặn. Nếu không tuân thủ thì bệnh sẽ nặng lên và sẽ kháng nhiều loại thuốc nữa. Bên cạnh đó, vẫn còn sự kỳ thị bệnh lao trong xã hội, nên nhiều người mặc cảm, giấu bệnh, vì thế nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng là rất lớn.

Bệnh lao do vi khuẩn lao gây ra, người mắc bệnh dễ lây vi khuẩn sang người khác khi khạc đờm, ho hoặc hắt hơi. Người lớn và trẻ em đều có thể bị mắc bệnh lao. Khi cơ thể có các biểu hiện: ho khạc kéo dài trên 2 tuần, có thể sốt nhẹ về chiều, ăn không ngon miệng, gầy sút cân, tức ngực, ho ra máu... cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị bệnh kịp thời. Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Để mỗi bệnh nhân hiểu rõ tác hại của bệnh và điều trị kịp thời, thì ngoài sự vào cuộc của cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp làm công tác phòng chống lao, còn cần sự phối hợp của cả cộng đồng và toàn xã hội. Mọi người không nên kỳ thị người mắc bệnh lao, mà cần động viên tinh thần để họ yên tâm điều trị, nhằm chung tay thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Bài và ảnh: Hà Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/gia-tang-benh-lao-khang-thuoc/186749.htm