Giá sầu riêng tăng mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp có thể thua lỗ

Đà tăng giá vừa qua là do thương lái tranh mua nhưng cũng chính họ và cả doanh nghiệp xuất khẩu là những người chịu thiệt hại. Bởi, giá bán đã chốt trong hợp đồng xuất khẩu trong khi giá sầu riêng nguyên liệu tăng từng ngày.

Giá sầu riêng tăng 68% chỉ trong vòng một tháng

Giá sầu riêng những ngày gần đây liên tục tăng mạnh. Điển hình như tại khu vực Tây Nguyên, tính đến ngày 8/11, giá sầu riêng Thái loại đẹp lên tới gần 140.000 đồng/kg, tăng 68% so với cách đây một tháng. Các loại sầu riêng khác cũng ghi nhận mức tăng khoảng 50 - 60% trong cùng giai đoạn.

Lý giải cho đà tăng này, trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả cho biết vụ thu hoạch sầu riêng tại Đắk Lắk - khu vực trồng sầu riêng lớn nhất cả nước - đã kết thúc vào tháng 9, 10. Hiện tại, chỉ còn Gia Lai và một số tỉnh miền Tây trồng trái vụ là đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, diện tích trồng ở Gia Lai chỉ bằng 1/5 so với Đắk Lắk.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết diện tích sầu riêng Việt Nam đang ở mức 85.000 ha. Trong đó, tính đến đầu tháng 11, khoảng 51% diện tích đã cho thu hoạch, còn lại đang trong thời gian kiến thiết cơ bản.

Sản lượng ít trong khi nhu cầu tại thị trường Trung Quốc vẫn lớn, do đó, các thương lái tranh giành nhau mua hàng, đẩy giá mua cao lên.

Ông Nguyên cho rằng từ nay đến cuối năm giá sẽ còn tăng vì hiện ở thị trường Đông Nam Á, chỉ còn mỗi Việt Nam là còn hàng nhưng số lượng cũng rất hạn chế.

“Số lượng sầu riêng còn lại của Việt Nam so với nhu cầu của Trung Quốc cũng không thấm vào đâu. Do đó, giá sẽ còn bị đẩy lên”, ông Nguyên cho biết.

Tuy nhiên, ông cho rằng đà tăng giá vừa qua là do thương lái tranh mua nhưng cũng chính họ và cả doanh nghiệp xuất khẩu là những người chịu thiệt hại.

“Giá thu mua sầu riêng có lúc cao hơn cả giá đã ký bán cho Trung Quốc từ trước. Nhiều doanh nghiệp và thương lái chấp nhận chịu lỗ để giữ uy tín với khách hàng. Người nông dân mới là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất”, ông Nguyên nói.

Ông cho biết một số hộ dân thậm chí cắt sầu riêng non để bán, tranh thủ đợt tăng giá. Điều này gây tổn hại đến chất lượng và uy tín của sầu riêng Việt Nam. Ngoài ra, một số hộ phá vỡ hợp đồng cung cấp sầu riêng với doanh nghiệp, bán ra bên ngoài với giá cao hơn.

Việc này cũng đã từng xảy ra trước đây khi giá sầu riêng tăng mạnh. Tại một diễn đàn về tiêu thụ sầu riêng diễn ra hồi tháng 9, ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding cho biết trước đây, việc liên kết sản xuất chỉ diễn ra với thương lái và vựa thu mua nhỏ lẻ, nhưng hiện nay nông dân có thể liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tập đoàn Vạn Hòa liên kết sản xuất với người nông dân tại miền Đông và Tây Nguyên, trong đó có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, kế hoạch liên kết thất bại hoàn toàn và doanh nghiệp đang phải đi thu hồi vốn hỗ trợ cho người nông dân.

“Tập đoàn có hợp đồng bao tiêu liên kết song trong hợp đồng thu mua trước khi thu hoạch là 15 - 20 ngày, nhưng trước đó hai tháng các thương lái, 'cò' đất ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân”, ông Lê Anh Trung nói.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể đạt kỷ lục 2,5 tỷ USD

Theo ông Nguyên, với đà xuất khẩu thuận lợi như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 có thể đạt mức kỷ lục 2,4 - 2,5 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng các loại (gồm dạng tươi, đông lạnh, sấy khô, mứt) tăng tới 110% so với tháng 8 và tăng 686% so với tháng 9/2022, đạt 444,21 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng gần 700% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 1,72 tỷ USD.

Trong đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng tươi, với kim ngạch đạt 1,62 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng tươi lớn nhất của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ, đạt 1,56 tỷ USD.

Đối với mặt hàng sầu riêng đông lạnh, thị trường tiêu thụ chủ là Thái Lan, Mỹ, Canada. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm 15,4% so với cùng kỳ năm ngói xuống 98 triệu USD trong 9 tháng.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng nhận định cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc nhiều nhưng rủi ro cũng không ít.

“Sầu riêng là loại cây lâu năm, 3-5 năm mới cho thu hoạch, chi phí đầu tư ban đầu lớn. Nếu phát triển nóng diện tích trái cây này, nông dân có thể chưa thu hoạch được trái ngọt đã phải rơi vào tình trạng dư cung, mất giá”, ông Cường nói.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết quy định hiện hành không quy hoạch với bất cứ sản phẩm, cây trồng nào. Cục cũng đã có văn bản khuyến cáo người dân không tăng diện tích sầu riêng “theo phong trào, thiếu định hướng”.

"Thay vì tăng diện tích, sản lượng, nông dân cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng", công văn của Cục Trồng trọt lưu ý.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/gia-sau-rieng-tang-manh-nhung-nhieu-doanh-nghiep-co-the-thua-lo.html