Giá sắn rẻ như cho, nông dân Gia Lai lao đao

Vừa phải chống chọi với đợt hạn hán kỷ lục năm 2015 - 2016, hàng nghìn người dân Gia Lai lại lao đao vì giá thu mua nông sản lao dốc: 1 tạ sắn tươi chỉ còn hơn... 10 nghìn đồng.

Người nông dân trồng sắn ở Gia Lai lao đao vì giá sắn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Bán tạ sắn chưa đủ một tô phở

Nhiều ngày nay, tại huyện Krông Pa (Gia Lai), hàng nghìn người dân lao đao khi giá thu mua sắn (mì) giảm mạnh. Anh Đỗ Đắc Tứ (trú tại thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, Gia Lai) vừa thuê hơn chục nhân công để nhổ 3ha sắn tại rẫy cho biết, 3ha sắn của gia đình trồng từ năm 2015, đến năm 2016 hạn quá nên củ nhỏ không thu hoạch được phải để lại. Đến giữa tháng 10, thuê nhân công nhổ được hơn 50 tấn sắn tươi, song chỉ bán được 12 triệu đồng cho nhà máy tinh bột sắn (Công ty Cổ phần FOCOCEV Việt Nam - Nhà máy Tinh bột sắn Gia Lai, thị trấn Phú Túc, Krông Pa).

Còn anh Nguyễn Thành Giang ngậm ngùi: “Chỉ riêng chi phí phân tro, cày bừa đã khoảng 1 triệu đồng/ha. Sắn nhà tôi chỉ 17 đơn vị tinh bột nên bán 10 tấn thu về vỏn vẹn 2 triệu đồng. Trừ các chi phí thuê xe, thuê nhân công, tính ra giá bán chỉ khoảng 10.000 đồng/tạ sắn tươi”.

Thậm chí, tiền thuê người nhổ sắn còn cao hơn giá sắn bán cho công ty thu mua nên nhiều người dân “cắn răng” cày nát sắn để lấy đất cho người dân vùng khác thuê trồng dưa hấu bán vụ Tết. Ông Ngô Quang Đạt (thôn Quỳnh Phú) cho biết: “Tính cả nhân công, tiền vận chuyển thì lỗ nên tôi đành cho chặt cây rồi thuê cày bỏ luôn 2ha sắn. Chỗ đất ấy cho thuê trồng dưa với mức giá 12 triệu/ha còn lời hơn”.

Không riêng huyện Krông Pa, hàng nghìn người dân tại Gia Lai, Tây Nguyên phải chấp nhận bán sắn “bòn mót” được đồng nào hay đồng đó. Hàng trăm hộ dân phải đổi công nhổ sắn lấy công làm lãi để bán cho nhà máy. Chị Nay Hsương (trú tại xã Chư Drăng) cho biết, nhà có 1,2ha, giá bán sắn tại rẫy chỉ 500 đồng/kg, nếu thuê nhổ thì lỗ to nên nhờ người dân cùng thôn làm giúp rồi đổi công.

Giá sắn phụ thuộc Trung Quốc

Trước những lo lắng của hàng nghìn người dân tại Gia Lai, chúng tôi tìm đến Công ty Cổ phần FOCOCEV Việt Nam - Nhà máy Tinh bột sắn Gia Lai để hỏi lý do giá trị thu mua sắn thấp hơn mọi năm. Đại diện nhà máy lý giải: Do mặt hàng tinh bột sắn trên thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh từ mức bình quân 350-360 USD/tấn (giá FOB) năm 2015 xuống còn 270-280 USD/tấn (giảm gần 100 USD/tấn tinh bột).

Trước băn khoăn của nhiều người dân vì cách tính hàm lượng tinh bột thấp hơn mọi năm, đại diện nhà máy khẳng định, việc đo độ bột được thực hiện tự động và khách hàng hoàn toàn có thể xem, kiểm tra bằng máy tính.

Cũng theo Nhà máy Tinh bột sắn Gia Lai, sản lượng sản xuất năm 2015 của nhà máy là 35 nghìn tấn tinh bột sắn. Giá mua củ sắn tươi cao nhất là 1.850 đồng/kg cho 30 độ bột, giá bình quân 1.450 đồng. Còn năm 2016, giá mua củ sắn tươi cao nhất 1.500 đồng cho 30 độ bột. Tuy nhiên, nhà máy chưa chắc chắn được sản lượng thu mua vì phụ thuộc vào thị trường. Với giá bán như hiện nay, nhà máy cũng không có lãi, tuy nhiên vẫn phải sản xuất cầm chừng để giữ thị trường và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Nếu giá bán tinh bột sắn trên thị trường tiếp tục giảm thì nhà máy sẽ phải dừng sản xuất vì lỗ quá nặng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, giá sắn hiện lao dốc là do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Thái Lan đã vượt Việt Nam, trở thành nước xuất khẩu sắn số 1 thế giới với năng suất, chất lượng cao hơn Việt Nam trong khi chi phí sản xuất và logistics thấp hơn.

Giá thu mua sắn do các nhà máy quyết định. Hiệp hội chỉ khuyến cáo các nhà máy tổ chức tốt việc thu mua, khai thác thị trường đầu ra, doanh nghiệp và người nông dân cùng nhau chia sẻ khó khăn.

Tạ Vĩnh Yên

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/gia-san-re-nhu-cho-nong-dan-gia-lai-lao-dao-d176019.html