Giá nước máy sinh hoạt còn thấp

Giá nước sạch từ hệ thống cấp nước mặt tập trung (nước máy) bán cho hộ gia đình thấp hơn giá nước sạch nông thôn và thấp hơn mặt bằng chung các tỉnh, thành lân cận. Đây là một trong những lý do khiến doanh nghiệp (DN) bị 'hụt' nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới, mục tiêu tăng tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch chậm.

Công ty CP Cấp nước Đồng Nai thi công đường ống nước sạch tại TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Mai

Việc tính đúng, đủ, hợp lý giá nước là giải pháp đảm bảo lợi nhuận cho DN và khả năng tiếp cận nước sạch của người dân.

* Giá thấp, lâu điều chỉnh

Năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 20/2014/QĐ-UBND về giá cung cấp nước máy trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định này, đối tượng hộ dân có 4 mức giá, mức thấp nhất là 5,8 ngàn đồng/m3 và cao nhất 12,8 ngàn đồng/m3, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Từ đó đến nay, mức giá này chưa điều chỉnh.

“Giá nước máy của tỉnh hiện thấp hơn so với các tỉnh, thành lân cận là: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 10-15%. Thêm vào đó, DN cấp nước chưa được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, dẫn đến việc triển khai các dự án theo kế hoạch gặp không ít khó khăn” - đại diện Công ty CP Cấp nước Đồng Nai chia sẻ.

Cũng theo Công ty CP Cấp nước Đồng Nai, giá thành để sản xuất 1m3 nước sạch khoảng 8,5 ngàn đồng. Ngoài ra, còn có chi phí vận hành hệ thống, đầu tư công nghệ để nâng cấp chất lượng nước xử lý. Với giá hiện tại, hộ dân sử dụng dưới 20m3/tháng, công ty không có lời, thậm chí lỗ.

Cùng ý kiến về vấn đề này, Công ty CP Cấp nước Gia Tân cho biết, vào tháng 4-2023, DN có tờ trình xin thẩm định và phê duyệt phương án giá nước sạch, nhưng chưa được xem xét; DN đang chịu thua lỗ.

“Chúng tôi xây dựng phương án với cơ chế một giá là 10 ngàn đồng/m3, không có giá lũy tiến, không vượt khung giá Bộ Tài chính quy định. Ưu điểm của phương án này là hộ có nhiều người không lo bị đội chi phí bậc thang giá, giúp DN từng bước ổn định tài chính” - Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Gia Tân Hoàng Anh Tuấn nêu.

Theo nhận định chung của các DN, giá bán lẻ nước, đặc biệt là nước sinh hoạt cho hộ dân những năm qua thấp và không được điều chỉnh. Điều này khiến DN gặp khó khăn trong đầu tư phát triển mạng lưới, mục tiêu tăng tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch từ hệ thống cấp nước mặt tập trung khó đạt. Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, hiện tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy bình quân khu vực đô thị đạt khoảng 84%, còn nông thôn mới đạt khoảng 27%.

* Cần tính đúng, đủ, hợp lý giá nước

Nước sạch là dịch vụ thiết yếu do Nhà nước điều tiết giá. Cụ thể, Bộ Tài chính là cơ quan ban hành quy định về khung giá, phương thức tính giá, lợi nhuận trên cả nước; UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương, nhưng không vượt quá khung giá do Bộ Tài chính quy định. Hàng năm, DN rà soát báo cáo, đồng thời đề xuất giá nước dự kiến của năm sau.

Đồng Nai có 9 DN cung cấp nước sạch, trong đó một số chủ yếu cấp nước cho sản xuất công nghiệp. Các DN đang tích cực đưa nước máy về nông thôn là: Công ty CP Cấp nước Đồng Nai và các công ty trực thuộc; Công ty CP Cấp nước Gia Tân; Công ty CP Cấp nước hồ Cầu Mới.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 DN đầu tư cung ứng nước máy, nhưng tỷ lệ hộ dân tiếp cận nước sạch chưa cao. Một trong những giải pháp để cải thiện tỷ lệ này là điều chỉnh giá bán nước sạch, khi DN làm ăn có lãi sẽ có điều kiện đầu tư nhiều mạng lưới, đầu tư công nghệ để nâng công suất đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Khi đó người dân mới thuận lợi tiếp cận nước máy. Làm được điều này sẽ góp phần giảm khai thác nước ngầm, cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân, thu hút thêm nhà đầu tư tham gia xã hội hóa nước sạch.

Việc điều chỉnh tăng giá nước chắc chắn sẽ tác động đến cuộc sống của người dân, nhưng nếu không điều chỉnh thì nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn. Do vậy, cần có lộ trình tăng giá phù hợp, nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên. Tăng giá phải đi kèm với nâng cao chất lượng nước và dịch vụ.

Trong đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét thẩm định các phương án giá nước sạch theo đúng quy định hiện hành.

Làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trước đó về giải pháp tăng tỷ lệ người dân dùng nước sạch, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu xem xét kiến nghị của DN về việc điều chỉnh giá nước. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, việc xem xét phải dựa trên giá bán lẻ nước của các địa phương lân cận, chi phí sản xuất, khung giá cho phép. Giá nước phải đảm bảo tài chính cho nhà đầu tư, nhưng cũng đảm bảo người dân có điều kiện sử dụng.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202312/gia-nuoc-may-sinh-hoat-con-thap-5f46a01/