Giá nông sản hôm nay 22.7: Cà phê tăng cao nhất 52 tuần, tiêu ảm đạm

Giá nông sản hôm nay 22.7, tính chung cả tuần qua, giá cà phê robusta trong nước đã giảm khoảng 500 - 800 đồng/kg so với tuần trước (14.7). Tương tự, giá cà phê thế giới cũng sụt giảm nhẹ, tuy nhiên mức giá này vẫn đang ở "đỉnh" cao nhất 52 tuần qua. Trong khi đó, giá hạt tiêu vẫn loanh quanh dưới 80.000 đồng/kg, lượng giao dịch rất ảm đạm.

Giá cà phê hôm nay, tại thị trường Tây Nguyên cà phê nguyên liệu vẫn ổn định trên 45.000 đồng/kg. Ảnh minh họa

Giá cà phê nội địa giảm 500 đồng/kg nhưng vẫn ở mức cao

Phiên giao dịch thứ 6 tuần trước (ngày 14.7) giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng vọt tới 700 – 1.000 đồng/kg, giúp giá cà phê tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông và Kon Tum đều cán mốc 46.000 - 46.100 đồng/kg. Đặc biệt, thị trường cà phê thế giới ngày 14.7 đã có một phiên giao dịch đầy hứng khởi, nhất là đối với cà phê robusta tại thị trường London, khi giá kỳ hạn giao tháng 9 đã tăng tới gần 50 USD/tấn, đạt 2.145 USD/tấn.

Tương tự, giá cà phê arabica trên sàn New York cũng tăng thêm 2,82%, tương đương 3,6 cent/lb, giao dịch ở mức 131,2 cent/lb. Khối lượng giao dịch tại thị trường này khá lớn, đạt trên 26.000 lô.

Đây là mức tăng rất mạnh trên cả 2 sàn và phải rất lâu rồi thị trường cà phê mới ghi nhận biên độ tăng giá lớn đến như vậy. Tuy nhiên đến thứ 6 tuần này, giá cà phê cả ở thị trường nội địa và thế giới đều quay đầu giảm. Đáng chú ý, giá cà phê Tây Nguyên đến hôm nay đã giảm khoảng 500 - 800 đồng/kg so với cách đây 1 tuần, kéo theo đó giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm tới 32 USD/tấn.

Giá cà phê so sánh trong tuần qua:

Khu vực khảo sát Giá ngày 14/7 (VND/kg) Giá ngày 21.7 (VND/kg) Thay đổi
Lâm Đồng 45.400 44.900 -500
Đăk Lăk 46.000 45.500 -500
Gia Lai 46.000 45.600 -400
Đăk Nông 46.000 45.500 -500
Kon Tum 46.100 45.300 -800
TP.HCM (FOB) 2.075 USD/tấn 2.043 USD/tấn -32 USD
London 2.145 USD/tấn 2.129 USD/tấn -16 USD
New York 131,2 cent/lb 131,2 cent/lb 0

Mặc dù vậy, theo trang markets.ft.com, so sánh với giá cà phê hồi đầu năm, đây vẫn là mức giá cao và là mức giá tốt nhất mà mặt hàng cà phê robusta ghi nhận được trong phạm vi 52 tuần qua (biên độ từ 1.736 - 2.282 USD).

Mức giá trên thị trường cà phê toàn cầu hiện vẫn đang giữ được các "chốt chặn" quan trọng. Trên sàn arabica, dù giảm nhẹ liên tục các phiên gần đây nhưng mức giảm không rơi khỏi đà tăng xác lập tuần trước nên có dấu hiệu thoát khỏi kênh giảm ngắn hạn và có đà tăng lại. Trong khi giá cà phê robusta tại sàn London ngày 21.7 đã xác lập ở mức 2.129 USD/tấn, tăng 4 USD so với ngày 20.7.

Giá hạt tiêu ít triển vọng

So với thời điểm cách đây 1 tháng, giá hạt tiêu tại thị trường nội địa đã nhích nhẹ lên 1.000 - 2.000 đồng/kg, tuy nhiên vẫn ở mức thấp trong nhiều năm qua. Theo đó, giá tiêu cao nhất thời điểm này cũng chỉ đạt 80.000 đồng/kg (tại Bà Rịa - Vũng Tàu cùng kỳ tháng trước giá hạt tiêu đạt 78.000 đồng/kg). Nhìn chung, thị trường giao dịch phổ biến trong khoảng 76.000 - 78.000 đồng/kg.

Giá hạt tiêu nội địa ổn định trong khoảng 76.000 - 78.000 đồng/kg trong 1 tháng qua, dự báo giá thời gian tới cũng ít có biến động do chưa có dấu hiệu đột biến giữa cung và cầu. Ảnh minh họa

Các chuyên gia dự báo, thị trường hạt tiêu Việt Nam sẽ không mấy sáng sủa, giá cũng khó có thể tiến xa hơn khi Indonesia và Trung Quốc bắt đầu vào mùa thu hoạch; vụ mùa ở Bắc Brazil cũng sẽ thu hoạch vào khoảng tháng 9-10. Trong khi đó, một số thương nhân đang tìm cách giải phóng hàng dự trữ vì lo ngại giá sẽ giảm tiếp, trong khi nhu cầu thì gần như không tăng.

Hiện, giá tiêu Ấn Độ trong vài tuần qua vẫn dao động trong khoảng 8.250 USD/tấn (giá FOB đối với tiêu Cochin). Điều đáng chú ý là các nhà sản xuất hạt tiêu ở Sri Lanka đang phản đối việc nhập khẩu hạt tiêu Việt Nam vào Sri Lanka sau đó lại xuất khẩu sang Ấn Độ. Nguyên do là bởi việc này đang gây mất thị phần chính của họ. Mặc dù các thương gia Ấn Độ cho biết, họ thích hạt tiêu Việt Nam hơn so với tiêu Sri Lanka bởi ưu điểm về kích cỡ và độ sạch sẽ bên cạnh mức độ ẩm.

Các nhà xuất khẩu xứ Sri Lanka sẽ có thời gian khó khăn trong những tháng tới vì mùa thu hoạch của họ sẽ cao và không có nước nào khác ngoài Ấn Độ có thể trả giá.

Trong các mặt hàng nông sản chủ lực, hồ tiêu Việt Nam hiện đang là mặt hàng bị giảm mạnh nhất về giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm nay. Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu hồ tiêu nước ta ước đạt trên 715 triệu USD, giảm 16,8% so cùng kỳ 2016. Tuy giảm khá nhiều về giá trị nhưng việc buôn bán mặt hàng này vẫn diễn ra thuận lợi khi sản lượng xuất khẩu tăng 18,3% so với cùng kỳ.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/gia-nong-san-hom-nay-227-ca-phe-tang-cao-nhat-52-tuan-tieu-am-dam-789677.html