Giá lithium giảm khiến hoạt động khai thác tại Trung Quốc đình trệ

Rystad Energy đã cắt giảm dự báo tăng trưởng sản lượng khai thác lithium của Trung Quốc vào năm 2024 xuống còn khoảng 12%, từ mức 54% trước đó, chủ yếu là do sự suy giảm lepidolite.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuter)

Giá lithium, nguyên liệu thô quan trọng sử dụng trong sản xuất pin ôtô điện, sụt giảm mạnh đang làm đình trệ hoạt động khai thác kim loại siêu nhẹ này tại Trung Quốc.

Quy trình khai thác tốn kém, trong khi giá đi xuống đang thúc đẩy việc đánh giá lại lộ trình tăng trưởng sản lượng và các dự án lithium mới.

Nhu cầu xe điện giảm đã khiến giá lithium toàn cầu "tuột dốc", trong đó danh mục được Benchmark Mineral Intelligence theo dõi đã giảm hơn 80% trong 12 tháng qua. Điều đó đã buộc nhiều nhà sản xuất lithium trên toàn thế giới phải đóng cửa sản xuất và cắt giảm việc làm.

Tại Trung Quốc, nơi chiếm khoảng 1/4 sản lượng lithium khai thác của thế giới vào năm 2023, các nhà phân tích dự đoán hoạt động khai thác lepidolite - một loại quặng đá cứng tương đối đắt tiền để sản xuất lithium - sẽ bị ảnh hưởng do tình trạng giá sụt giảm kéo dài khiến hoạt động sản xuất tốn kém trở nên không bền vững.

Bà Susan Zou, Phó chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy cho biết: “Khai thác lepidolite và các dự án mới ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới đang chịu ảnh hưởng lớn từ giá cả, trong khi các loại mỏ lithium khác mang lại một số lợi thế tương đối về chi phí, đặc biệt là lithium trong các mỏ muối nước ở Nam Mỹ, sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh.”

Rystad Energy đã cắt giảm dự báo tăng trưởng sản lượng khai thác lithium của Trung Quốc vào năm 2024 xuống còn khoảng 12%, từ mức 54% trước đó, chủ yếu là do sự suy giảm lepidolite.

Công ty dự kiến sản lượng khai thác lithium trên toàn cầu sẽ tăng trưởng 27%, giảm so với mức 42% trước đó.

Cơ quan định giá Fastmarkets cho biết, gần một nửa sản lượng lithium của Trung Quốc vào năm 2023 đến từ lepidolite, đồng thời bổ sung khối lượng quặng tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua lên 114.500 tấn lithium cacbonat (LCE).

Các nhà phân tích cho biết, chi phí để xử lý 1 tấn LCE từ lepidolite ở Trung Quốc là khoảng 80.000 NDT (11.120 USD) đến 120.000 NDT, trong khi chi phí để xử lý 1 tấn LCE từ mỏ muối nước và spodumene lần lượt là khoảng 40.000 NDT và 60.000 NDT.

Điều đó làm suy giảm tính kinh tế của việc khai thác lepidolite ở Trung Quốc, nơi nhu cầu xe điện yếu hơn và tình trạng dư cung đã đẩy giá LCE giao ngay xuống khoảng 100.000 NDT/tấn, từ mức đỉnh gần 600.000 NDT/tấn ghi nhận vào tháng 11/2022.

Năm nhà phân tích có trụ sở tại Trung Quốc dự báo giá lithium giao ngay sẽ duy trì trong khoảng 100.000 NDT- đến 120.000 NDT/tấn vào năm 2024 hoặc cao hơn một chút, mặc dù giá lithium giao kỳ hạn tăng do nhu cầu dự trữ cao hơn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Trung Quốc đứng thứ tư về trữ lượng lithium toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy đầu tư nhiều hơn để tăng cường khai thác kim loại này nhằm đáp ứng nhu cầu từ lĩnh vực pin và cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo công ty nghiên cứu CRU, phần lớn khoản đầu tư đó là ở tỉnh Giang Tây phía Nam Trung Quốc, nơi có một số dự án lepidolite mới nhất giàu kaolinite, một loại khoáng sét có hàm lượng lithium thấp hơn, với chi phí khoảng 120.000 NDT để sản xuất mỗi tấn LCE.

Những dự án tương tự bao gồm mỏ Jianxiawo mới rộng của "gã khổng lồ" pin xe điện (EV) CATL và mỏ Huashan của Công ty công nghệ vật liệu đặc biệt Yongxing.

Thị trường đồn đoán rằng CATL đã đình chỉ sản xuất tại Jianxiawo, khiến cổ phiếu của các công ty khai thác Australia tăng vọt vào tháng trước, nhưng CATL cho biết vào thời điểm đó các hoạt động vẫn diễn ra bình thường.

Một chuyên gia khai thác mỏ làm việc cho một công ty lớn ở Yichun cho biết: “Tình hình thị trường thực sự tồi tệ. Các nhà sản xuất ở Yichun đang cố gắng tồn tại với chi phí cao hơn và giá thấp hơn.”

Một cuộc khảo sát với 11 nhà sản xuất lithium cacbonat ở Giang Tây do Mysteel công bố vào ngày 28/2 cho thấy tình trạng đình chỉ sản xuất trên diện rộng trong tháng Hai vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/gia-lithium-giam-khien-hoat-dong-khai-thac-tai-trung-quoc-dinh-tre-post934532.vnp