Gia Lâm lên quận, phân khúc bất động sản nào sẽ 'lên đời'?

UBND Hà Nội đã thông qua chủ trương đưa huyện Gia Lâm lên quận vào cuối tháng 9 vừa qua. Theo các chuyên gia, quyết định này sẽ tác động mạnh vào thị trường bất động sản khu vực này.

Tiềm năng của bất động sản tại Gia Lâm

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, bất động sản tại Gia Lâm có nhiều triển vọng tăng trưởng, vì đây là khu vực cửa ngõ của Hà Nội nối với tam giác kinh tế Đông Bắc, bao gồm Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh; tiếp giáp trực tiếp với hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, nơi được cho là “thủ phủ” khu công nghiệp tại hành lang kinh tế phía Bắc.

Việc Gia Lâm lên quận sẽ tác động mạnh vào thị trường bất động sản khu vực này. (Ảnh: LD)

Hơn nữa, Hà Nội cũng đang nhanh chóng phát triển và cải thiện hạ tầng giao thông nhằm tăng cường khả năng kết nối và giảm áp lực giao thông trong khu vực nội thành.

Đặc biệt, khi trở thành quận, Gia Lâm sẽ hưởng lợi từ các cơ chế và chính sách của một quận nội thành, trong đó có việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Nhờ những lợi thế như trên, Gia Lâm được kỳ vọng có lợi thế trong phân khúc văn phòng.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, phân tích: Văn phòng vẫn là một trong những mảng có lợi tức đầu tư rất tốt và hấp dẫn.

Thường khi tòa nhà đạt được tỉ lệ lấp đầy trung bình thì tỷ suất lợi nhuận đối với cả một tòa nhà văn phòng có thể lên đến 65%, thậm chí là 70% so với doanh thu. Đây là một mức tỷ suất lợi nhuận quá tốt.

“Cùng đó, khi xu hướng doanh nghiệp dịch chuyển ra ngoài trung tâm tiếp tục được ghi nhận rõ nét và diện tích trống tại khu vực trung tâm còn hạn chế, những khu vực như Gia Lâm chuẩn bị lên quận, cần đáng chú ý”, bà Minh nói.

Theo nghiên cứu của Savills, nguồn cung văn phòng đang tập trung phần lớn tại khu vực phía Tây, nếu tính quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, với thị phần 50%, tương đương khoảng 873.700 m2.

Trái lại, Gia Lâm hiện tại chưa ghi nhận nhiều nguồn cung văn phòng, chưa kể đến nguồn cung chất lượng cao và đạt chứng nhận xanh.

Trong khi đó, bà Chu Thanh Hương, đại diện Vinhomes Office Leasing, cho biết: Với định hướng phát triển một tòa nhà văn phòng chất lượng quốc tế và thể hiện quyết liệt cho cam kết phát triển bền vững, TechnoPark Tower là dự án đầu tiên của chúng tôi đạt được thành công trong việc chinh phục phân hạng khắt khe LEED Platinum.

Thành quả này không chỉ đem đến cho thị trường một tòa nhà văn phòng chất lượng quốc tế, đáp ứng tốt các yêu cầu về phát triển bền vững, tạo môi trường làm việc khỏe mạnh của cộng đồng khách thuê, mà còn đóng góp thiết thực vào lộ trình hướng đến Net Zero của Việt Nam.

Chuyên gia của Savills nhấn mạnh, Gia Lâm là khu vực đặc thù về ngành nghề kinh doanh. Bởi vậy, cơ cấu khách thuê khác biệt tương đối nếu so với khu vực Hoàn Kiếm, tập trung các doanh nghiệp về tài chính, ngân hàng, các tổ chức chính phủ, hay khu Tây Hà Nội với mật độ lớn các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, bảo hiểm, bất động sản.

Do tọa lạc xung quanh các trung tâm công nghiệp, sản xuất như Bắc Ninh và Hưng Yên, Gia Lâm sẽ thu hút các doanh nghiệp FDI hay các công ty đa quốc gia có nhà máy đặt tại các khu công nghiệp lân cận.

Nhà ở, chung cư vẫn có triển vọng

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho biết, bên cạnh văn phòng, thì nhà ở, chung cư vẫn có triển vọng tăng trưởng ở khu vực này, nhờ vào quỹ đất còn khá dư dả.

Bên cạnh văn phòng, thì nhà ở, chung cư vẫn có triển vọng tăng trưởng ở Gia Lâm. (Ảnh: PD)

Theo ông Đính, trong 10 năm trở lại đây, bất động sản phía Đông Hà Nội nói chung và Gia Lâm nói riêng có tiến trình phát triển ấn tượng. Từ địa hạt của nhà thu nhập thấp, khu vực này chứng kiến cuộc đổ bộ của nhiều ông lớn địa ốc với sự thâm nhập của đa dạng loại hình bất động sản.

Do đó, ở những khu vực được đầu tư bài bản và có chất lượng, tạo ra giá trị cao và càng ngày càng được hoàn thiện chất lượng tốt, thu hút được khách hàng và những giới giàu có, cộng đồng tinh hoa thì ở đó tỷ lệ tăng trưởng sẽ cao hơn.

“Tôi cho rằng ở những vùng đô thị như kiểu phía Đông Hà Nội thì sự tăng trưởng về giá, về lợi nhuận đạt khoảng từ 10% - 15% là sẽ đảm bảo được”, ông Đính nói.

Theo báo cáo của trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Mount Real Estate, nguồn cung cao tầng khu Đông 3 năm tới từ 2023 – 2025 dự kiến sẽ chào đón thêm khoảng 92.900 căn hộ mở bán mới.

One Mount Real Estate cũng cho rằng, khi quỹ đất khu vực nội thành đang dần cạn kiệt, Hà Nội đã và đang có những chính sách hạn chế dân số tại khu vực lõi trung tâm, chuyển hướng dân sinh đến các khu vực ngoại thành như Long Biên, Gia Lâm và các khu vực vệ tinh như Văn Giang (Hưng Yên).

Bên cạnh đó, theo quy hoạch phát triển của thủ đô và Văn Giang, đến năm 2030, khu vực phía Đông dự kiến có 1,05 triệu dân, tăng 39% so với năm 2022. Những yếu tố về dân số này sẽ tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở tại khu Đông trong thời gian tới.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lam-len-quan-phan-khuc-bat-dong-san-nao-se-len-doi-post268339.html