Gia Lai: Hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ

Tamnhin.net- Đã hơn 10 năm qua, dù đã làm ăn sinh sống ổn định nhưng nhiều người dân ven sông Ba di dân vào thôn Dirông, xã Ia Hdreh, huyện KrôngPa theo chủ trương của chính quyền- đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Mãi là người " ở nhờ"

Theo phản ánh của người dân, vào năm 2002 chính quyền xã, huyện vận động dân di dời đến nơi ở mới và hứa hẹn cho dân làng nhiều thứ. Nhưng rốt cuộc mỗi hộ gia đình nhận được 1,5 triệu đồng, là tiền vận chuyển đồ đạc khi dân làng đến nơi ở mới. Tại nơi ở mới, mỗi hộ được chia cho 1 lô đất theo hình thức đổi đất sản xuất lấy đất ở với dân địa phương. Từ khi định cư, đến nay, dân làng phải tốn rất nhiều công sức để xây dựng cuộc sống. Song dù người dân tái định cư muốn ổn định cuộc sống, nhưng không hiểu vì lý do gì, họ vẫn không được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Người dân buôn Dirông, xã Ia Hdreh dù đã xây dựng đường sá, nhà cửa khang trang, thế nhưng hơn 10 năm nay họ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Võ Văn Hiến ở thôn Dirông tâm sự: “Rất nhiều lần, chủ đất cũ đến rào cấm cửa mấy trường học, nhà văn hóa xã. Riêng gia đình tôi thì bị chủ đất cũ nhiều lần đến gây chuyện hăm dọa, đòi tháo dỡ hàng rào… khiến tôi luôn phải sống trong cảnh bất an. Không còn cách nào khác, tôi phải năn nỉ nói rằng gia đình tôi và toàn bộ dân làng đến đây ở là theo chủ trương tái định cư của chính quyền chứ tôi làm sao dám tự ý ngang nhiên đến đây cất nhà để ở. Thế nhưng, họ vẫn không chịu hiểu, nói rằng chúng tôi không được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bây giờ họ có quyền lấy lại!”.

“Trước đây, chính quyền huyện Krông Pa tổ chức di dời dân đến ở vùng tái định cư không đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng sạch. Khi dân tái định cư đến ở, huyện không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xảy ra bao nhiêu vụ tranh chấp đất đai giữa chủ đất cũ và dân mới định cư gây xáo trộn bất an suốt mười mấy năm qua. Cán bộ mỗi lần đến họp vận động dân đều hứa đến nơi ở mới, chính quyền xã sẽ cấp cho mỗi hộ 1.000m 2 và cho hưởng các chế độ khác theo quy định của nhà nước. Nhưng hóa ra, đó chỉ là lời nói suông, là lừa dân nên giờ chúng tôi chẳng biết kêu ai”, ông Hiến bức xúc.

Ông Nay Blá, Bí thư Chi bộ thôn Dirông nói: “Người dân thuộc diện tái định cư ở đây chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Họ đã chấp nhận di dời đến nơi ở mới và ổn định cuộc sống hơn chục năm nay. Tuy nhiên đến nay, họ vẫn chưa có quyền sử dụng những mảnh đất này. Trong khi đó, một số hộ dân thuộc địa phương khác bất ngờ có mặt trong dãy đất được phân lô cho các hộ tái định cư và nhanh chóng được cấp sổ đỏ. Điều đáng nói là có một số hộ không hề có tên trong danh sách tái định cư nhưng không hiểu vì lý do gì những hộ này lại được chính quyền địa phương tạo điều kiện về mọi mặt để được cấp sổ đỏ trong khu vực tái định cư”.

Khi nào dân mới có sổ đỏ?

Trao đổi với PV chúng tôi, đại diện lãnh đạo UBND huyện KrôngPa khẳng định: “Theo quy định khi di dời dân ra khu tái định cư thì thẩm quyền của cơ quan chức năng là phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nếu các hộ dân phản ánh họ chưa được cấp sổ đỏ thì nguyên nhân chỉ có thể là do chúng tôi chưa nhận được hồ sơ. Vì nếu nhận thì chúng tôi đã làm rồi”.

Tuy nhiên, theo ông Ksor Jú, Chủ tịch UBND xã Ia Hdreh, mặc dù là người địa phương khác đến nhận chức mới đây chưa nắm rõ vụ việc nhưng qua trao đổi với mấy anh em phụ trách địa bàn thì xã biết là người dân đã làm hồ sơ và trình lên huyện từ lâu rồi nhưng không thấy trả lời. Đồng thời qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã phản ánh, nhưng vẫn chưa thấy cấp trên hồi âm gì, nên người dân đã gửi đơn vượt cấp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Văn Chánh, Chủ tịch UBND huyện KrôngPa cho biết: “Khu vực tranh chấp đất đai nói trên thuộc dự án xây dựng trung tâm cụm xã vùng Tây Nam huyện KrôngPa được triển khai từ năm 1997. Mục đích của dự án là từng bước xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu, tăng cường cơ sở vật chất cho các trung tâm, tạo ra vật chất cho các trung tâm cụm, nơi giao lưu hàng hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế huyện nhà. Về phần đất đai thì những hộ dân sống ở bãi bồi dọc sông Ba khi di dời về trung tâm cụm xã thì tự thỏa thuận với những người có đất ở xã để hoán đổi cho nhau, ví dụ ông A lên ở đất ông B thì ông B lấy đất ông A để sản xuất; còn huyện chỉ thực hiện công tác tuyên truyền vận động để người dân chấp nhận đổi đất với nhau”.

Người dân buôn Dirông, xã Ia Hdreh trao đổi vụ việc với phóng viên.

Khi PV hỏi: “Tại sao đến thời điểm này mà huyện vẫn chưa giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 200 hộ dân, chủ yếu là dân tộc thiểu số thuộc diện di dời và có danh sách?”. Ông Chánh nói: Huyện cũng rất đau đầu về vấn đề này vì những người tiền nhiệm, làm dự án nay đã nghỉ, còn cán bộ hiện hành thì chưa thể nắm hết vấn đề; trong khi từ đó đến nay, Luật Đất đai đã nhiều lần thay đổi. Vì vậy, đây là một ách tắc của huyện tồn tại lâu nay mà huyện chưa giải quyết được. Hiện nay, huyện chỉ có thể tuyên truyền vận động để người dân chấp nhận chủ trương đổi đất với nhau, chứ huyện không có nguồn lực để giải quyết.

Chúng tôi đặt câu hỏi: “Vậy tại sao có một số hộ dân đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên mảnh đất di dời tái định cư, còn những người còn lại hơn 10 năm nay thì chưa được cấp? , ông Chánh nói: “Công trình công cộng t có hỗ trợ chi phí khai hoang cho dân. Việc còn lại của đoàn chưa làm được là chưa họp dân để thông báo chủ trương này”.

Theo các quy định Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2013 thi 3 thì các các buôn Dirông, xã Ia Hdreh, huyện KrôngPa, là những hộ được di dời ra nơi ở mới theo dự án tái định cư th, những hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đương nhiên đủ điều kiện để các cơ quan chức năng huyện KrôngPa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, từ khi các hộ dân di dời nơi ở từ khu vực dọc sông Ba đến nơi ở mới tại buôn Dirông đã hơn 10 năm nay nhưng họ vẫn chưa nhận được sổ đỏ.

Tuấn Anh

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/gia-lai-hon-10-nam-nhung-van-chua-duoc-cap-so-do-133281.html