Giá hàng hóa tăng, chuyên gia hiến kế kiểm soát lạm phát

Trước tình trạng giá cả hàng hóa tăng cao gây áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhiều chuyên gia đã hiến kế cho vấn đề này.

Chia sẻ tại Đối thoại chuyên đề “Vòng xoáy lạm phát - kiểm soát chi phí đẩy” diễn ra vào sáng 4/4 theo hình thức trực tuyến, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho rằng: Phân bón chiếm đến 40-45% chi phí đầu vào nên giá phân bón leo thang thời gian qua khiến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng rất mạnh, dẫn đến giá thành sản phẩm cũng leo thang.

“Giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng không chỉ ảnh hưởng đến hàng chục triệu nông dân mà rộng hơn là cả người lao động nói chung” - ông Nguyễn Trí Ngọc khẳng định.

Các diễn giả tham gia buổi đối thoại

Bên cạnh giá phân bón, giá xăng dầu thời gian qua cũng được ghi nhận tăng chóng mặt, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2022, giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt, làm giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít.

"Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, tác động CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm" - Tổng cục Thống kê thông tin.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên, vật liệu của cả nền kinh tế. Theo đó, giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng lên, tạo áp lực lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu của người dân và tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.

Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng quan trọng chiến lược, nên việc giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng giá theo. Cụ thể, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý I/2022 tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16% điểm phần trăm. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, làm cho giá gạo quý I/2022 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trước bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chi phí đẩy hiện là thách thức lớn đối với lạm phát hiện nay và đe dọa đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022.

Giá nguyên vật liệu tăng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Liên quan đến áp lực kiểm soát lạm phát cuối năm, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - chia sẻ: Nền kinh tế thế giới đang phục hồi, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất tăng cao, trong khi nguồn cung hiện tại đang đứt gãy, khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh, gây áp lực lạm phát sang một số nền kinh tế hàng đầu thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Đây đều là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới đang bị gián đoạn về nguồn cung, chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng thêm giá xăng dầu thế giới liên tục tăng trong thời gian qua sẽ làm giá nhập khẩu liên tục tăng cao. Ông Nguyễn Trung Tiến lấy ví dụ cụ thể, là mặt hàng điện thoại, linh kiện điện tử, quý I/2022, Việt Nam xuất khẩu được 27 tỷ USD thì nhập khẩu cũng 27 tỷ USD.

Có nghĩa, chúng ta rất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất, hiện giờ hàng dệt may đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ Trung Quốc do chiến lược “zero” Covid-19 mà quốc gia này áp dụng, theo đó, điều hành lạm phát những tháng tiếp theo cần hết sức thận trọng.

“Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% có đạt được nhưng rất khó, mong Chính phủ, đơn vị chức năng và Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt điều hành, có quyết tâm lớn để đạt được mục tiêu đề ra” - ông Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm áp lực lạm phát những tháng cuối năm rất lớn. Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cho rằng: Kiểm soát lạm phát cần sự chung tay của nhiều cơ quan, hiệp hội và doanh nghiệp. Trong đó, để kiểm soát được chúng ta cần tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, cần đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo nguyên vật liệu cho đơn vị sản xuất liên quan đến hàng hóa, tiêu dùng;

Thứ hai, cần nắm bắt tình hình kịp thời, trên cơ sở đó nắm bắt được chính sách, điều hành giá để tham mưu cho Chính phủ đưa ra những định hướng tốt nhất;

Thứ ba, cần nâng cao nhận thức người tiêu dùng, người dân trong đối phó với vấn đề liên quan đến giá cả. Người dân cũng cần có sự chuyển biến mới trong nhận thức tiêu dùng, ví dụ trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa bị đứt gãy, thay vì lựa chọn những sản phẩm nhập khẩu, khan hiếm có giá cao thì có thể tìm những sản phẩm thay thế cho phù hợp với điều kiện hiện tại;

Thứ tư, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với lĩnh vực giá, yêu cầu các cơ sở kinh doanh niêm yết giá công khai và nghiêm cấm những tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, tích trữ, đẩy giá lên cao, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng và gia tăng lạm phát;

Thứ năm, cần tuyên truyền cho người dân biết được những thông tin thật sự chính xác, đầy đủ, kịp thời trong việc bình ổn thị trường, tránh hoang mang về việc tăng giá để kiểm soát hiệu quả lạm phát.

Diễn biến giá cả mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản, xăng dầu, sắt thép, hóa chất, phân bón, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng nhanh và mạnh đang đe dọa đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-hang-hoa-tang-chuyen-gia-hien-ke-kiem-soat-lam-phat-174436.html