'Gia đình tôi gánh hậu quả nặng nề vì cho trẻ đi học thêm tối ngày'

Cháu tôi học thêm triền miên với những buổi học kết thúc lúc 22h. Việc này gây tốn công sức, thời gian và tiền bạc của gia đình, cháu cũng đánh mất tuổi học trò, vậy nhưng kết quả lại không như ý nguyện.

Khi thực sự chịu hậu quả, chúng ta mới thấm tác hại của việc học thêm, dạy thêm. Gia đình tôi cũng rơi vào trường hợp như vậy.

Cháu của tôi khi học ở phổ thông có tư duy khá tốt. Với năng lực như vậy, cháu hoàn toàn có thể học tốt, nếu có phương pháp học hợp lý. Đó là chú ý học trên lớp; học kỹ kiến thức sách giáo khoa; học ở nhà kết hợp các khóa học chất lượng trên mạng. Điều này đồng nghĩa với việc cháu không cần đi học thêm nhiều… Tiếc là cháu đã không chọn phương pháp học như vậy, lại đi học thêm tối ngày.

Học sinh ở TP.HCM (Ảnh minh họa: Thanh Tùng)

Cụ thể, cháu tham gia vào các lớp học thêm đến 21, 22h triền miên ngày này qua ngày khác. Không chỉ cháu vất vả, cha mẹ của cháu cũng vô cùng mệt mỏi với việc đưa đón và phải bỏ ra chi phí không hề nhỏ. Các thầy cô giáo này không hiểu rằng học sinh không thể học thêm triền miên như vậy. Các em cần có thời gian tự học để hấp thụ kiến thức, cần có thời gian đào sâu, biến kiến thức của sách vở thành kiến thức của mình.

Kết quả là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước, cháu chỉ đạt 22 điểm. Với điểm ưu tiên, số điểm của cháu là 24 điểm, đồng nghĩa với việc đỗ được một trường tốt là không thể. Cuối cùng, cháu đã đăng ký và nhập học ở một trường có trình độ đào tạo rất thấp, không có tiếng tăm.

Sinh viên ở đây, sau khi ra trường, kiến thức của các em này thu được rất ít, hầu như đều làm trái ngành. Nhiều người thừa nhận thay vì vào trường này, các em có thể đi học nghề có thể tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của gia đình.

Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức

Trong buổi chia sẻ với sinh viên Đại học Harvard năm 2008, bà J. K. Jowling, tác giả của bộ truyện lừng danh Harry Potter, nói: “Trí tưởng tượng không chỉ là khả năng con người hình dung ra những điều không có thật, nó còn là nguồn mạch của tất cả phát minh và sáng tạo... Chúng ta đâu cần phép thuật để thay đổi thế giới, chúng ta có đủ sức mạnh rồi: Sức mạnh tưởng tượng những điều tốt đẹp hơn!”.

Còn theo Albert Einstein: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức thì hạn chế. Trí tưởng tượng lại bao quanh cả thế giới. Trí tưởng tượng ôm ấp cả thế giới và cả những kiến thức chưa ai biết, chưa ai hiểu được. Logic sẽ đưa bạn đi từ A đến B còn trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đi tới bất cứ đâu”. Ông đã tìm ra tất cả những thứ phức tạp nhất với nguồn cảm hứng từ trí tưởng tượng: "Tôi đủ chất nghệ sĩ để tự do vẽ theo trí tưởng tượng của tôi".

Như vậy kiến thức là quan trọng nhưng để đột phá, sáng tạo thì trí tưởng tượng quan trọng hơn. Để học sinh có nhiều trí tưởng tượng, có sự sáng tạo, hiểu sâu kiến thức, ngoài việc học, việc vui chơi của các em là vô cùng quan trọng. Điều này chúng ta có thể bắt gặp trong bức thư được cho là của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy giáo của con trai: “Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: Đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh".

Cháu tôi có phương pháp học không hợp lý, đi học thêm tối ngày nên không có thời gian để nuôi dưỡng trí tưởng tượng và sự sáng tạo, để nghiền ngẫm, biến kiến thức sách vở thành kiến thức của mình. Vì vậy kết quả học tập của cháu không như mong muốn. Điều đáng buồn là hậu quả này sẽ ảnh hưởng đến chính tương lai của cháu.

Dạy thêm, học thêm: Mất nhiều hơn được

Nhận thấy hậu quả của việc học thêm triền miên của học sinh nên vào ngày 23/10/2021 Trung Quốc đưa ra quy định cấm dạy thêm vì lợi nhuận và yêu cầu trường học giảm tải lượng bài tập - chính sách “giảm kép”. Sự kiện chấn động này chỉ trong một đêm đã “xóa sổ” một ngành công nghiệp trị giá 100 tỷ đô la, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người và tác động to lớn đến xã hội thế nhưng vì tương lai của đất nước, ngành giáo dục Trung Quốc vẫn đưa ra quyết định khó khăn này.

Trung Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu trên con đường phát triển của mình, để đạt được những thành tựu này nền giáo dục của họ phải thực sự rất phát triển, phải có những quyết sách rất đúng đắn. “Cấm dạy thêm vì lợi nhuận và yêu cầu trường học giảm tải lượng bài tập” cũng là một trong những quyết sách đó.

Dù ngành giáo dục Việt Nam vẫn còn chuyện học chủ yếu để thi, dù nhiều người cho rằng giáo viên lương thấp nên phải dạy thêm… nhưng vì đại cục, ngành giáo dục Việt Nam cần phải có những quyết định lịch sử nhiều người mong đợi như quyết định “giảm kép” học thêm và bài tập về nhà như một số quốc gia.

Khi có những quyết định lịch sử như vậy, tôi tin giáo dục Việt Nam mới có những bước ngoặt mới.

Phạm Xuân Anh (Giáo viên, Bắc Ninh)

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Độc giả có ý kiến về vấn đề này có thể gửi vào phần phản hồi của bài viết hoặc về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-dinh-toi-ganh-hau-qua-nang-ne-vi-cho-tre-di-hoc-them-toi-ngay-2198268.html