Gia đình nghi ngờ bé sơ sinh 1 tháng tuổi mắc tim bẩm sinh do thực phẩm bẩn

Đây là câu chuyện đang được hội các mẹ chia sẻ nhiều trong ngày hôm qua.

Bé N.V.L.L được chuẩn đoán bị bệnh tim bẩm sinh. (Ảnh: N.V.T.A)

Câu chuyện xảy ra với gia đình anh N.V.T.A sinh sống tại Biên Hòa (Đồng Nai).

Con gái anh tên là N.V.L.L., nếu còn sống con gái anh giờ gần 3 tháng tuổi. Thật không may con gái anh mắc bệnh tim bẩm sinh và ra đi khi mới hơn 1 tháng tuổi.

Trong suốt thai kỳ, hai vợ chồng anh đi siêu âm và xét nghiệm đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ bệnh viện Đồng Nai nhưng không phát hiện ra dị tật.

Sau khi sinh, con có biểu hiện tím tái vì thiếu oxy mới đi siêu âm cho kết quả là con bị chuyển vị đại động mạch.

Trong suốt thời gian đó, bé L. phải nằm điều trị trong bệnh viện. Bé phải gắn ống thở oxy liên tục.

Theo như anh chia sẻ, các ca bị chuyển vị đại động mạch đều mất ngay khi vừa chào đời. Con anh cầm cự mạng sống đến 1 tháng 3 ngày mới ra đi là nhờ có lỗ hở giữa các thất nên trộn lẫn máu tươi và máu bầm. Bé N.V.L.L được chỉ định mổ để sữa chửa cấu trúc tim, tuy nhiên ca mổ đã thất bại mặc dù đã được các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 1 tích cực chữa trị.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, anh T.A cho biết, tuy sống ở Đồng Nai nhưng hai vợ chồng lại làm việc tại Sài Gòn nên anh chị thường xuyên phải di chuyển qua lại giữa hai thành phố.

Sáng anh chị chở nhau từ Biên Hòa lên Sài Gòn làm việc, chiều lại quay về. Do nhà xa, khi về đến là tối mịt không kịp nấu nướng, nên trong suốt thời gian thai kỳ, vợ anh thường xuyên phải ăn hàng quán bên ngoài, mà theo anh chính điều này đã hại con.

Cháu L. được hỗ trợ thở oxy. (Ảnh: N.V.T.A)

Trao đổi với PV Vntinnhanh, anh T.A cho biết lý do tại sao anh tin rằng việc ăn hàng nhiều và thực phẩm bẩn là nguyên nhân ra đi của con gái mình gia đình không có ai tiền sử mắc bệnh tim, nên khả năng do di truyền là thấp: "Mình nghe bác sĩ, là người nhà mình, cũng là người điều trị cho bé cảnh báo vậy. Như sabutamol trong chất tạo nạc, ure bón rau, chất nhuộm màu thực phẩm, v.v..., các chất này khó đào thải khi mẹ bầu ăn vào, gây hại cho thai nhi."

Tuy nhiên anh cũng chia sẻ rằng ngay cả bác sĩ cũng khẳng định rất khó xác định nguyên nhân gây ra dị tật trong trường hợp của con gái mình.

Dù gia đình phải chịu một mất mát khá lớn nhưng anh vẫn muốn chia sẻ câu chuyện của mình với cộng đồng với lời nhắn: "Mỗi người phải ý thức được thực phẩm bẩn không chừa ai cả. Cả dân tộc đang từng ngày đưa vào cơ thể chất độc.Hậu quả là 315 người chết mỗi ngày vì ung thư đứng thứ 2 thế giới. Con số này được báo đăng rồi.", anh T.A nói.

Theo anh chia sẻ, gia đình hết sức đau buồn trước sự mất mát to lớn này . Hiện tại vợ anh đã tạm ổn đinh được tâm trạng sau sự ra đi của bé L. Tuy nhiên anh vẫn lo lắng cho vợ, sợ mỗi đêm chị lại nhớ con rồi khóc.

Tuy chưa thể kết luận chính xác nguyên nhân dẫn tới dị tật bẩm sinh của cháu L. nhưng câu chuyện mà anh T.A chia sẻ đang là chủ đề được nhiều quan tâm.

"Đọc mà thấy đau lòng quá! Mình cũng đang có bầu. Cũng đang cố cẩn thận hết mức. Nhưng ngoài hàng quán mà muốn có thực phẩm sạch e rằng quá khó. Mẹ luôn mong bé của mẹ được mạnh khỏe và bình an.", một bà mẹ trẻ chia sẻ.

Một cư dân mạng bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm: "Đừng nói là hàng quán nấu thực phẩm bẩn, ngay cả khi mua đồ về nhà nấu cũng chưa chắc thịt mua ko bị ôi và tẩm thuốc, rau không phun thuốc trừ sâu. Nguồn cung cấp thực phẩm đã bẩn thì ăn ở nhà hay ngoài hàng cũng như nhau cả thôi."

Cách phân biệt thịt bò thật và thịt bò giả. (Video: VTV)

Chuyển vị đại động mạch là một bệnh lý tim bẩm sinh. Do bất thường trong quá trình tạo hình trái tim lúc phôi thai dẫn đến việc động mạch phổi và động mạch chủ “đổi chỗ” cho nhau: Động mạch phổi thay vì cắm vào thất phải thì lại cắm vào thất trái và ngược lại, động mạch chủ thay vì cắm vào thất trái nay lại cắm vào thất phải (hình bên trái). Hậu quả là máu “đen” ít oxy trong thất phải thay vì được bơm lên phổi để lấy oxy thì lại được bơm ra động mạch chủ đi nuôi các cơ quan, còn máu “đỏ” nhiều oxy từ thất trái lại được bơm ra động mạch phổi, dẫn đến cơ thể luôn bị thiếu oxy nặng nề và triền miên.

Những bệnh nhi mắc chứng chuyển vị đại động mạch thì tỷ lệ sống chỉ 20-30/100.000 bé lúc chào đời. Nếu không phát hiện kịp thời để phẫu thuật thì sẽ nguy hại đến tính mạng.

HT

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/noi-mang/gia-dinh-nghi-ngo-be-so-sinh-1-thang-tuoi-mac-tim-bam-sinh-do-thuc-pham-ban-127794