Gia đình 3 đời học Áo Tím - Gia Long - Minh Khai

Tại buổi lễ kỷ niệm 110 năm ngày thành lập, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã vinh danh các gia đình ba thế hệ là học sinh Trường Áo Tím-Gia Long-Minh Khai.

Sáng 18-11, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm thành lập Trường Áo tím-Gia Long-Minh Khai nổi tiếng.

Gia đình ba đời là học sinh Áo Tím-Gia Long-Minh Khai

Tại buổi lễ đã vinh danh các gia đình ba thế hệ là học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Gia đình em Nguyễn Ngọc Hân, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có ba thế hệ đã và đang theo học tại trường.

Gia đình em Nguyễn Ngọc Hân có ba thế hệ đã và đang theo học Trường Áo Tím- Gia Long-Minh Khai. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Lan- bà nội Hân, là cựu học sinh Trường nữ sinh Gia Long đầu thập niên 1960. Trong ký ức của bà Lan những năm học phổ thông tại trường là những ngày Sài Gòn biến động, học sinh vừa học, vừa quan tâm đến những biến đổi của thời cuộc.

Thế hệ thứ hai là ông Nguyễn Quang Vinh (ba của Hân) niên khóa 1986-1989 và ông Nguyễn Quang Sơn (chú của Hân) niên khóa 1988-1991.

Theo ông Vinh, để vào học Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, học sinh phải dự thi với điểm chuẩn rất cao. Ông Vinh đang là phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM. Trong khi đó, ông Sơn đang là Giám đốc Trung tâm Giáo dục thể chất của Đại học Kinh tế TP.HCM.

Em Nguyễn Ngọc Hân là thế hệ thứ ba. Ngay từ cấp 2 em đã mong muốn được vào học tại trường một phần vì chất lượng giáo dục, phần khác trường có đồng phục rất đẹp.

Hiện nay đồng phục của trường vẫn giữ màu váy tím và trên ngực áo có bông hoa mai.

Ngoài gia đình của Nguyễn Ngọc Hân, buổi lễ cũng vinh danh ba gia đình khác cũng có ba thế hệ học tại trường.

Hoạt cảnh truyền thống 110 năm trường Áo Tím-Gia Long-Minh Khai. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Hành trình xuyên thế kỷ của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được khởi công xây dựng vào ngày 6-11-1913, khi thành lập trường có tên “Collège des Jeunes filles Indigènes” tức trường Trung học cho nữ sinh bản xứ.

Hai năm sau, ngày 19-10-1915, trong buổi lễ khánh thành trường, ban tổ chức chọn màu tím làm màu áo dài đồng phục cho nữ sinh. Tên “Trường Áo Tím” đã ra đời từ đó.

Năm 1940, Nha Học chính đổi tên trường thành College Gia Long. Năm 1946, bãi bỏ các lớp tiểu học chỉ còn các lớp trung học đệ nhị cấp, trường lại đổi tên lần nữa, gọi là Lyceé Gia Long.

Nghi thức rước đuốc truyền thống của học trò và Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Từ 1951, chương trình giáo dục bằng tiếng Việt được sử dụng thay thế chương trình bằng tiếng Pháp. Kể từ đây, Ban giám hiệu, giáo viên, giám học, tổng giám thị của trường đều là người Việt Nam. Cũng từ năm 1953, đồng phục áo tím năm xưa của nữ sinh được thay bằng màu trắng tinh khôi, thanh khiết với phù hiệu hoa mai vàng năm cánh.

Sau ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng, đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, nhà trường chuyển sang một giai đoạn lịch sử mới. Ngôi trường cổ kính được vinh dự mang tên người nữ liệt sĩ anh hùng cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai. Trường được gọi là trường phổ thông cấp 2,3 Nguyễn Thị Minh Khai.

Đến năm học 1978-1979, cấp 2 được giải thể, chỉ còn cấp 3 và tuyển thêm cả nam sinh. Từ đây trường chính thức mang tên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ của nguyên 3 phó hiệu trưởng tại lễ kỷ niệm 110 năm ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết hành trình xuyên thế kỉ - một trăm mười năm qua (1913-2023), trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã khẳng định vị trí, vị thế của một ngôi trường có bề dày lịch sử với nhiều thế hệ học sinh.

110 năm là hành trình lao động và sáng tạo, cũng là hành trình xây đắp, tạo dựng những chân giá trị để tạo nên một thương hiệu trường Áo tím- Gia Long- Minh Khai.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-dinh-3-doi-hoc-ao-tim-gia-long-minh-khai-post762285.html