Giá điện sẽ “cõng” thêm phí điều tiết?

SGTT.VN - Ngày 17.4, tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án luật điện lực sửa đổi, bộ Công thương đã chính thức đề xuất thu phí điều tiết hoạt động điện lực để bù đắp chi phí cho công tác điều tiết các hoạt động điện lực.

Lý giải về loại phí mới được đề xuất, bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, hoạt động điều tiết điện lực có đặc thù là nghề nặng nhọc, song chế độ chính sách, tiền lương chưa có sức hút để thu hút cán bộ giỏi.

Lý giải về loại phí mới được đề xuất, bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, hoạt động điều tiết điện lực có đặc thù là nghề nặng nhọc, song chế độ chính sách, tiền lương chưa có sức hút để thu hút cán bộ giỏi, vì thế Chính phủ muốn có cách thu để phục vụ cho hoạt động điều tiết điện lực. Nhưng chính bộ Công thương cũng thừa nhận: do hoạt động điều tiết điện lực vẫn còn do cục Điều tiết điện lực (bộ Công thương) đảm nhận, tức là vẫn là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thì không được thu phí, mà phí này phải độc lập với cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều thành viên trong Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc “đẻ” thêm tầng tầng, lớp lớp phí nữa sẽ đẩy giá điện tăng cao và không phù hợp với pháp lệnh Phí và lệ phí. Theo chủ nhiệm ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đúng ra từ lúc sản xuất đến tiêu dùng chỉ phải ba khâu, nhưng chúng ta lại quy định tầng tầng lớp lớp về giá, về phí như giá phát điện, giá bán… “Trong đó nhiều khoản phí chưa hề có trong quy định của pháp lệnh về phí và lệ phí nên cần phải làm rõ thêm. Chúng ta quy định nhiều nấc trung gian thế này thì giá điện sẽ bị đẩy lên”, ông Hiển lo ngại. Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Hiện điện lực đã có hai loại phí rồi nên “đẻ” thêm một loại phí nữa thì sẽ tầng tầng lớp lớp phí. Như thế sẽ khiến cho giá điện tăng lên”. Ngoài ra, theo ông Lý, loại phí này là không phù hợp vì cơ quan quản lý nhà nước thì không đi cung cấp dịch vụ để thu phí.

Về giá điện, theo bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc điều chỉnh giá bán trong thời gian qua chưa bảo đảm tính kịp thời so với biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá. Giá bán điện bình quân càng ngày càng thấp hơn so với giá thành sản xuất kinh doanh điện nên chưa hút các thành phần kinh tế đầu tư. Ngoài ra, khi thực hiện theo cơ chế thị trường, giá điện luôn biến động, không thể bất biến trong một thời gian dài nên việc luật Điện lực hiện hành giao cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biểu giá bán lẻ đã không còn phù hợp với thực tế. Do đó, theo bộ trưởng Hoàng, để giá điện có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt theo tín hiệu của thị trường có sự điều tiết của Nhà nước thì cần quy định theo hướng: cơ chế xây dựng và điều chỉnh giá điện do Thủ tướng Chính phủ quy định; các chi tiết về cơ cấu biểu giá cần giao cho cơ quan chuyên ngành thực hiện.

Đề xuất này nhận được sự đồng tình của ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, nhưng nhiều ý kiến mong muốn, việc này phải đi cùng với cơ chế minh bạch về giá và điều chỉnh giá. Ông Phùng Quốc Hiển cho hay, khi xây dựng luật Giá mới đây, có nhiều ý kiến khác nhau, rằng nên để giá điện nằm trong diện bình ổn hay định giá. “Nhưng chúng tôi thống nhất là không chuyển mà vẫn để ở diện định giá vì điện vẫn độc quyền. Nếu bán thấp hơn thì Nhà nước sẽ bù giá”, ông Hiển nói. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, định giá bình quân là hợp lý, nhưng để nhiều loại giá và phí như thế thì... chết!

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/tieu-dung/163092/gia-dien-se-%e2%80%9ccong%e2%80%9d-them-phi-dieu-tiet.html