Giá điện chỉ tăng mà khó giảm?

Giá bán lẻ điện vừa được điều chỉnh tăng thêm 4,5% trong năm nay, song vẫn chỉ giải quyết được một phần khó khăn tài chính của EVN, mức tăng được đánh giá thấp hơn giá thành sản xuất. Như vậy, có thể trong thời gian tới, giá điện sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng, trước mắt là năm 2024.

Tại buổi họp báo về điều chỉnh giá điện, ông Nguyễn Đình Phước, Kế toán trưởng EVN, cho biết việc điều chỉnh tăng 4,5%, giúp cho EVN tăng thêm doanh thu là 3.200 tỷ đồng, giảm bớt phần nào khó khăn.

Mức tăng vẫn chưa tính chênh lệch tỷ giá, bù đắp đủ chi phí

Theo ông Phước, mức tăng này vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. Năm 2023, trong cơ cấu nguồn điện, sản lượng điện từ thủy điện giảm do hạn hán và hiện tượng El Nino, giá nhiên liệu đầu vào duy trì ở mức cao, giá than nhập khẩu tăng 186% so với năm 2020 và 25% so với năm 2021…

Giá điện tăng chưa đủ bù chi phí của EVN.

Cùng với đó, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), thông tin rằng mức tăng 4,5% ở trên vẫn chưa tính phân bổ khoản chênh lệch tỷ giá của EVN còn treo từ các năm trước, khoảng 14.000 tỷ đồng.

Thực tế, theo quan sát 16 năm qua từ năm 2007 đến năm 2023, giá điện bình quân đã trải qua 14 lần điều chỉnh, trong đó 11 lần tăng và 3 lần giữ nguyên.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), việc tăng giá điện để bảo đảm phù hợp với giá thị trường nhưng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Công Thương cần tính toán hợp lý mức tăng tới đâu, để vừa mức cho EVN bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, tái đầu tư, vừa khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

"Về phía EVN cũng cần cân đối các khoản chi như chi thường xuyên, chi đầu tư, chi chế độ lao động... để cân đối nguồn tài chính, không chỉ dồn sang việc tăng giá điện", đại biểu Hòa nói.

Trong một hội thảo gần đây về năng lượng của EuroCham, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành của Khu công nghiệp DEEP C đặt câu hỏi cho tất cả khách mời tham dự rằng: Bao nhiêu người cho rằng giá điện rẻ và sẵn sàng trả giá cao hơn để mua điện sạch.

Theo đó, ông đánh giá thực tế so với nhiều quốc gia trên thế giới thì giá điện của Việt Nam vẫn rẻ hơn, và sắp tới khi chuyển sang dùng năng lượng tái tạo, có thể phải trả giá cao hơn.

Giá tăng thì phải đảm bảo nguồn cung ổn định

Điều quan trọng mà ông Bruno Jaspaert muốn đề cập không phải là “đắt hay rẻ” mà muốn nhấn mạnh là nguồn điện phải ổn định, cũng như doanh nghiệp có thể mua được từ nhiều nguồn, thay vì chỉ mua thông qua EVN.

“Tôi thấy rằng nhà đầu tư sẵn sàng trả tiền thêm nếu có nguồn điện ổn định, sạch. Cơ chế mua bán trực tiếp là giải pháp, nhưng tôi sợ tin xấu không phải mai hay ngày kia sẽ có cơ chế này, cũng như quá trình triển khai ra sao”, ông Bruno Jaspaert nói.

Giám đốc điều hành của Khu công nghiệp DEEP C thông tin, khu công nghiệp vẫn phải mua nguồn chính từ EVN, vì chưa có ai thay thế được, nhưng có ai muốn chi trả cho phân phối hay không để có nguồn điện xanh, rẻ. Việt Nam hoàn toàn có thể tự chủ về nguồn cung điện nếu phát triển tốt điện gió, mặt trời.

Ông Chadan Singh, Giám đốc Quốc gia của Hitachi Energy cũng cho rằng điều quan trọng là Việt Nam phải giải quyết được vấn đề lưới điện để tránh tình trạng nơi thì thừa, nơi lại thiếu điện.

Vị này nhắc lại tình cảnh trước mùa mưa năm nay, có nhiều nhà máy ở khu công nghiệp Bắc Ninh bị mất điện. “Chúng tôi thường xuyên nhận được thông báo cắt điện của công ty điện lực, nguyên nhân một phần do thiếu năng lực truyền tải từ miền Trung ra Bắc. Với doanh nghiệp, bên cạnh giá thì cần nhất sự ổn định cung ứng.

Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, giai đoạn 2-3 năm vừa qua, việc kinh doanh giảm, những biến động chính trị thế giới hoàn toàn có thể lại khiến thị trường năng lượng thế giới tăng giá nhiều lên nữa, khi đó việc chuyển đổi một phần sang năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo có năng lượng tự sản xuất.

Vừa rồi, cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra những ưu tiên cho các nguồn điện tự sản tự tiêu. Đây là định hướng rất tốt, tuy nhiên đi sau định hướng, ông Sơn nhấn mạnh, cần có cơ chế chính sách cụ thể để hướng dẫn thế nào là tự sản tự tiêu và quy trình mua bán nguồn điện đó như thế nào. Những chính sách này cần phù hợp và đủ nhanh để các nhà đầu tư thấy rằng họ có thể tin tưởng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) ví von, giá điện là một bài toán phải cắt biến số, không có quá nhiều ẩn số, không có quá nhiều biến số không chính xác, không rõ ràng người ta không thể giải được. Việc đầu tiên, các biến số trong bài toán này trước hết phải rõ ràng. Nếu một yếu tố nào đó méo mó, nó có thể dẫn tới chúng ta giải sai bài toán này.

Theo ông Hiếu, điều quan trọng nhất là biến số giá điện phải được tính đúng, tính đủ, rõ ràng. Bên cạnh đó, làm sao phải đảm bảo được an ninh nguồn điện, ít nhất phải đảm bảo đủ điện, khi đó mới đi tiếp và giải bài toán khác.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/gia-dien-chi-tang-ma-kho-giam-1096542.html