Giá dầu có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 1

Trong tuần, giá dầu giảm gần 10%. Nguyên nhân tới từ sự căng thẳng giữa Saudi Arab và Iran có thể khiến thỏa thuận đóng băng sản lượng sụp đổ lần thứ 2 trong năm nay.

Giá dầu WTI giao sau giảm 59 cent (1,3%) xuống mức 44,07 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu WTI có thời điểm còn 43,57 USD/thùng. Tính cả tuần này, giá dầu WTI giảm hơn 9% - tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 1.

Giá dầu Brent giao sau bắt đáy phiên ở ức 45,08 USD/thùng và sau đó phục hồi nhẹ để đóng cửa ở mức 45,58 USD/thùng, tức giảm 77 cent (1,7%).

Giá dầu WTI trong 1 năm qua (Nguồn: Bloomberg):

Giá dầu Brent trong 1 năm qua (Nguồn: Bloomberg)

Dầu WTI và Brent đều rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9 và giảm hơn 15% so với mức đỉnh hồi tháng 10.

Theo nguồn tin của Reuters, phía Saudi Arab lên tiếng đe dọa tăng sản lượng tối đa để kéo giá dầu giảm nếu phía Iran từ chối tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng lần này của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC).

Tuy nhiên, nguồn tin nội bộ OPEC cho biết lời đe dọa này là không có thật nhưng cũng cảnh báo rằng nếu thỏa thuận lần này sụp đổ, sản lượng sản xuất toàn cầu sẽ tăng nhanh chóng.

Hãng tin Bloomberg News cho biết Tổng thư ký OPEC – ông Mohammed Barkindo – đã lên tiếng phản đối thông tin trên. Giá dầu phục hồi ngay sau tuyên bố của vị Tổng thư ký này nhưng không giữ được lâu.

Trong thỏa thuận đóng băng sản lượng dự kiến ký kết ngày 30/11 tại Vienna, OPEC sẽ giữ sản lượng không vượt quá 32,5-33 triệu thùng/ngày, giảm gần 1 triệu thùng/ngày so với mức hiện nay.

Bên cạnh OPEC, Mỹ cũng góp phần gây áp lực lên thị trường dầu mỏ. Lượng giàn khoan dầu tại Mỹ lấy lại đà tăng sau tuần giảm hiếm hoi trước đó. Tính cả tuần trước, số lượng giản khoan tăng từ 441 lên 450 giàn. Tuy nhiên, con số này vẫn kém 152 giàn so với cùng kỳ năm trước.

Cuộc bầu cử diễn ra ngày 8/11 sắp tới cũng đang mang tới những tín hiệu tiêu cực cho các nhà đầu tư. Do đó, họ đang tìm cách rút tiền khỏi thị trường để đặt vào các kênh trú ẩn khác.

Không chỉ có vậy, các yếu tố cơ bản trên thị trường cũng đang khá yếu: Thị trường chứng khoán Mỹ tăng, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng trưởng chậm và những lo ngại về tính hiệu quả của thỏa thuận đóng băng sản lượng.

Lượng dầu lưu kho tại Mỹ tăng hơn 14 triệu thùng vào tuần trước – tuần tăng mạnh nhất trong lịch sử. Điều này cho thấy chênh lệch cung-cầu vẫn còn rất lớn.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/gia-dau-co-tuan-giam-manh-nhat-ke-tu-thang-1-20161105075014905p150c169.news