Giá đất tại Thủ Thiêm lại tăng như 'tát nước theo mưa', chuyên gia tranh cãi kịch liệt

Rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đã đưa ra quan điểm trái chiều về hiện tượng giá đất Thủ Thiêm tăng giá chóng mặt, sau vụ 4 lô đất trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2.

Giá đất tại Thủ Thiêm lại tăng giá

Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, sau phiên đấu giá đất kỷ lục tại khu đô thị Thủ Thiêm với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2, nhiều chủ đất khác xung quanh đã đồng loạt tăng giá.

Ông Thế Anh, một môi giới bất động sản kỳ cựu tại TP.HCM chia sẻ: Các khu Thạnh Mỹ Lợi, An Phú, An Khánh là là khu vực tăng giá mạnh nhất, với mức tăng trên dưới 100 triệu đồng/m2, chỉ trong chưa đầy một tháng.

Các khu Thạnh Mỹ Lợi, An Phú, An Khánh là là khu vực tăng giá mạnh nhất, sau vụ đấu giá kỷ lục.

Đơn cử, trên trục đường Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi đã tăng từ 300 - 350 triệu đồng/m2, lên ngưỡng 450 - 500 triệu đồng/m2. Xung quanh UBND thành phố Thủ Đức, mức giá tăng nhẹ hơn, dao động từ 20 - 30 triệu đồng/m2, hiện các chủ đấy rao bán ở ngưỡng 160 triệu - 300 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí.

Trong 2 năm qua, hầu như đất tại quận 2 (cũ) nói chung, và khu đô thị mới Thủ Thiêm đã tăng giá không ngừng, trên dưới 15 đợt tăng giá. Mức giá tại quận 2 cũng đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với trước đó.

Ông Thế Anh phân tích: Bất động sản quận 2 (cũ) và khu đô thị Thủ Thiêm rất nhảy cảm với các thông tin quy hoạch. Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, từ việc quận 2 được sáp nhập trở thành thành phố Thủ Đức, giá khiến giá đất tăng chóng mặt, nhiều nơi giá đất tăng 50% - 60% chỉ trong thời gian ngắn.

Tương tự, việc một doanh nghiệp có dự án “khủng”, hoặc vụ việc một doanh nghiệp trúng 4 lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức giá “trên trời” cũng tạo ra một đợt “sóng” mới cho thị trường tăng giá.

“Về bản chất, 2 hiện tượng này đều khiến bất động sản tăng giá nhanh chóng. Tuy nhiên, thông tin quy hoạch sẽ là bàn đạp tăng giá đất ở một khu vực rộng lớn, trong khi đó, các hiện tượng bám theo dự án để tăng giá chỉ tạo ra “sóng” ở một khu vực nhỏ, xung quanh dự án đó”, ông Thế Anh nói.

Tranh cãi về mức đấu giá “trên trời” tại 4 lô đất tại Thủ Thiêm

Ngay sau khi TP.HCM công bố về việc việc doanh nghiệp trúng đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm, với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2. Rất nhiều chuyên gia nhận định rằng, đây là mức trúng đấu giá “trên thời”, phi thực tế và sẽ tạo điều kiện xấu cho thị trường đẩy giá đất lên cao.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, với giá đất trúng đấu giá có thể đã bị đẩy lên mức quá cao so với giá trị thực tại thời điểm hiện tại, không có lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường.

“Giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể “gây khó” cho việc đấu giá các lô đất còn lại của Thủ Thiêm và các lô đất khác trên địa bàn thành phố và “gây khó” cho cán bộ công chức tham gia trực tiếp công tác xác định tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại”, ông Châu nhấn mạnh.

Rất nhiều chuyên gia nhận định rằng, đây là mức trúng đấu giá “trên thời”, phi thực tế và sẽ tạo điều kiện xấu cho thị trường đẩy giá đất lên cao.

Đặc biệt, giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao làm giảm tính “hấp dẫn” của thị trường bất động sản TP.HCM. Thậm chí, khu vực này có thể bị “mang tiếng” là nơi có giá đất đắt đỏ, gây khó cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhất là các “sếu đầu đàn” để thực hiện mục tiêu xây dựng “Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trước đó, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh rằng: Thủ Thiêm là khu vực hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng/m2, theo ông "là không phù hợp, giá không thực" khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần.

Không đồng ý quan điểm này, TS Phan Văn Ngoan, Viện trưởng, Viện Kinh tế Xanh thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, giá trị thực là một khái niệm lý thuyết, nhưng trong thực tế, việc đưa một con số cụ thể cho giá trị này là không thể. Thay vào đó, người ta đề cập tới giá thị trường là nơi giao dịch diễn ra.

“Với dạng tài nguyên khan hiếm như bất động sản, giá phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của mỗi nhà đầu tư. Mỗi nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn 50 năm sẽ đánh giá khác nhau với tầm nhìn 10 năm và các nhà đầu tư có ý định thu lợi ngắn hạn trong 1 - 2 năm”, ông Ngoan nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, Việt Nam đang hấp dẫn vốn đầu tư bằng một sự cạnh tranh “tương đối”, khi mà hầu hết các thị trường bất động sản các nước châu Á trở nên đắt đỏ sau hơn một thập kỷ tăng trưởng mạnh. Trong đó, TP.HCM là một thị trường sôi động, hấp dẫn nhất nước, Thủ Thiêm lại là một nơi “đắc địa” nhất.

Vì vậy, ông Ngoan cho rằng, thay vì so sánh giá bất động sản tại Thủ Thiêm với bất động sản xung quanh, thì nên đặt trong bức tranh về mạng lưới các bất động sản siêu sang của khu vực. chung ta sẽ thấy giá bất động sản Thủ Thiêm vẫn còn rất rẻ so với các thị trường xung quanh như Hồng Kông, Singapore hay Thái Lan.

Theo ông Ngoan, TP.HCM vẫn giữ vị thế “Hòn ngọc Viễn Đông”, vì vậy, để tái lập vị thế này cần có tầm nhìn phát triển dài hạn từ 50 - 100 năm. Với tầm nhìn dài hạn như vậy, thành phố sẽ đuổi kịp các thành phố lớn khu vực châu Á, và sẽ là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia, tỷ phú hàng đầu thế giới đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

“Khi so sánh như vậy, thì mức đấu giá vừa qua có thể tăng lên 8,5% - 10% trong thời gian ngắn, quan điểm của tôi, doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận từ phiên đấu này”, ông Ngoan khẳng định.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-dat-tai-thu-thiem-lai-tang-nhu-tat-nuoc-theo-mua-chuyen-gia-tranh-cai-kich-liet-post175928.html