Gia cảnh người chở tôn làm chết cháu bé: Khổ không gì nói hết

Trong vụ tai nạn xảy ra ngày 23.9 trên phố Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội), cháu bé 9 tuổi đã tử vong vì vô tình bị đâm vào góc nhọn của miếng tôn trên một chiếc xe xích lô bên đường. Người lái xích lô, vốn là một cựu binh chiến trường Vị Xuyên, những ngày này đã nhận được nhiều sự chia sẻ, động viên từ những đồng đội cũ.

Người khái tính

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của người lái xích lô tên Thạch này vào đầu giờ chiều ngày cuối tuần. Ngôi nhà lụp xụp, hoen ố những mảng tường đã bị long tróc nham nhở, lọt thỏm so với những ngôi nhà cao tầng kiên cố bốn bề xung quanh. Trong ngôi nhà, ánh đèn heo hắt, không khí ẩm thấp, một khung cảnh sầu não trước mắt khiến khó ai có thể kìm lòng được.

Chiếc giường chật hẹp trong góc nhỏ này là nơi người đàn ông Đinh Ngọc Thạch nằm xuống ngả lưng trong những cơn đau ê ẩm khi đêm về. (Ảnh Trần Hiền).

Lúc này, ông Thạch đang bị tạm giữ tại cơ quan công an Quận Hoàng Mai để phục vụ quá trình điều tra, trong gian nhà nhỏ này chỉ có đồng đội và người thân, hàng xóm đến thăm hỏi và chia buồn với gia đình.

Tại cơ quan cảnh sát điều tra, ông khai tên là Đinh Ngọc Thạch quê ở Hà Nam. Nhưng, theo đồng đội cũ, ông còn có tên gọi khác là Bình hay Bình “còng”. Được biết, ông Thạch từng là người lính chiến đấu trên mặt trận chiến tranh biên giới Vị Xuyên (Hà Giang). Sau khi ra quân, ông lập gia đình và có con. Tuy nhiên do cuộc sống gia đình có nhiều trắc trở nên hiện vợ chồng ông không sống cùng nhau.

Từ lúc hay tin sự việc chiếc xe xích lô chở tôn của ông Thạch dừng trên đường Tân Mai đã vô tình làm một cháu bé đạp xe đi qua xô vào dẫn tới tử vong, ông Thạch bị tạm giữ hình sự để phục vụ điều tra, bà con hàng xóm, người thân và đồng đội không khỏi bùi ngùi, xót thương cho thân phận người đàn ông không may mắn này.

Trong căn nhà mấy chục mét vuông mấy gia đình anh em trai ông Thạch cùng sinh sống, mấy hôm nay luôn có người tới để chia sẻ, động viên. Mọi người đến thăm đông, hàng xóm phố bên cạnh cũng đến chia sẻ, cũng có những người động viên 1 trăm, 2 trăm nghìn để mong gia đình vượt qua sự cố.

Ông Đinh Ngọc Thái ( SN 1960) - anh trai của ông Thạch vội ra mời chúng tôi vào nhà trò chuyện. Không khó để nhận ra sự gượng gạo và buồn bã của những con người hiền lành, chân chất khi đón những vị khách bất đắc dĩ là chúng tôi. Nhưng, ông Thái vẫn cố giấu điều đó, vừa rót nước mời chúng tôi rồi nhìn ra ngoài.

Ông Thạch là người con thứ ba trong gia đình nghèo có những 8 người con, bố mẹ lại mất sớm. Trong gia đình ông thì hai người em đã mất vì bệnh tật, người em út lại mắc bệnh tâm thần. Bản thân ông cũng là người chịu nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh.

Căn phòng của người đàn ông này nằm ngay cửa ra vào trong ngôi nhà chật chội, hầu như không có đồ đạc gì ngoài chiếc giường cũ, và tấm màn rách quá nửa vắt gọn bên trên.

“Nó từng là lính chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang). Sau thời gian đi lính về thì lưng nó còng gập xuống, người không được khôn ngoan như bình thường. Nó có biệt danh là Bình “còng” từ đấy. Gia đình cho đi khám sức khỏe thì mới biết nó bị thương tật 19%. Nhưng sau một trận mưa lụt, nhà bị ngập đến ngang thắt lưng, giấy tờ chứng nhận thời gian đi bộ đội cũng mất hết nên nó không thể làm làm hồ sơ xin trợ cấp” - ông Thái ngậm ngùi kể.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Thắng – đồng đội cũ cùng sinh hoạt với ông Thạch tại Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 356, thuộc hội CCB TP.Hà Nội cho biết, sự việc xảy ra với ông Thạch khiến tất cả mọi người trong ban liên lạc đều thấy thương xót.

“Thạch sức khỏe rất yếu, trình độ thì không có, đến khi ra quân thì xe máy không biết đi, chỉ biết mưu sinh bằng cái nghề xích lô ấy thôi. Việc xảy ra thì không ai mong muốn, nó khổ như thế” – ông Thắng nói.

Ông Thắng kể, ông và ông Thạch nhập ngũ cùng ngày, huấn luyện trong đơn vị khác nhưng sau này đều sinh hoạt trong ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 356, hội trưởng ban liên lạc là ông Nguyễn Ngọc Thạch.

“Năm 1985, trong chiến tranh biên giới, Thạch bị thương vào đầu khi chiến đấu ở Hang Mán (Vị Xuyên, Hà Giang) nên đầu óc cũng không còn bình thường. Đơn giản như chuyện khai tên tuổi quê quán. Tên khai sinh là Đinh Ngọc Thạch, nhưng lại mở ngoặc tức Bình. Thế nên toàn bộ giấy tờ bảo hiểm và các giấy tờ khác đều là Bình. Thạch khai nhà ở Hà Nam nhưng thực ra đó là quê gốc. Giờ lấy vợ sinh con, hộ khẩu ở Tân Mai cơ” – ông Thắng kể.

Ông Thạch trong mắt anh em đồng đội Sư đoàn 356 là người hay tự ti mặc cảm. Trong những lần đi thăm lại chiến trường xưa, anh em đều đi nhưng ông Thạch khái tính nên tránh. Từ những chuyện đơn giản như Thạch không có tiền để góp, anh em góp vào thì khi chụp ảnh lại trốn, không có mặt.

Không lợi dụng thanh danh người lính Vị Xuyên

Sáng nay 25.9, ông Thắng cùng với các đồng đội trong Ban liên lạc bạn chiến đấu sư đoàn 356 - Hà Nội đã đến nhà ông Thạch để động viên người thân trong gia đình. Trong giây phút gặp gỡ, không ai kìm nén được xúc động, ai cũng thương cho người đồng đội cũ gặp chuyện không may, giờ đang bị tạm giữ hình sự để phục vụ điều tra.

Đồng đội cũ, bà con hàng xóm cùng người thân khi nghe tin dữ đã đến chia sẻ, động viên cùng gia đình ông Thạch.

“Mọi người thương Thạch vì thật sự Thạch quá khổ. Nó khổ thứ hai không ai dám nhận thứ nhất. Mẹ mất nó cũng chẳng báo cho anh em biết, ốm nó cũng không báo vì nó mặc cảm. Như anh em đi chiến đấu về thì hay kể chuyện chiến đấu với nhau nhưng nó chẳng bao giờ kể. Thế nên ở phường cũng chẳng ai biết Thạch từng là lính Vị Xuyên vì nó có bao giờ chịu nói đâu” – ông Thắng trải lòng về đồng đội cũ.

Sau khi sự việc xảy ra, vợ và anh trai ông Thạch cũng đã đến thăm ông tại nơi tạm giam. Theo ông Thắng, Ban liên lạc Sư đoàn 356 cũng sẽ cố gắng giúp đỡ để đồng đội Đinh Ngọc Thạch cùng gia đình vượt qua những ngày tháng khó khăn này.

“Chúng tôi cũng đang tìm cách xin cho Thạch tại ngoại vì biết sức khỏe nó rất yếu. Còn sau đó, giúp được đến đâu chúng tôi cũng sẽ cố làm hết sức mình, vì đồng đội anh em từng vào sinh ra tử với nhau không nỡ bỏ nhau trong cơn hoạn nạn”, ông Thắng tâm sự.

“Những người bạn, người đồng đội chúng tôi cũng chỉ muốn mọi người có một cái nhìn cảm thông và chia sẻ hơn với Thạch. Xin đừng buông thêm những lời đắng cay với nó vì tôi biết nó cũng đã phải chịu đủ hậu quả cho việc mình làm rồi. Nhưng chúng tôi cũng biết, Thạch sẽ không bao giờ lợi dụng danh nghĩa là lính Vị Xuyên để làm gì ảnh hưởng đến thanh danh của những người lính”, ông Thắng ngậm ngùi.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/gia-canh-nguoi-cho-ton-lam-chet-chau-be-kho-thu-hai-thi-khong-ai-thu-nhat-710854.html