Gia cảnh của cậu bé ở Gia Lai tự tử gây xôn xao dư luận

Chúng tôi loay hoay tìm cách lý giải nguyên nhân cái chết của Sôn. Giờ không ai còn có thể biết chính xác ngoài Sôn...

Gia cảnh của cậu bé ở Gia Lai tự tử gây xôn xao dư luận

Mấy ngày nay, cái tin em học sinh lớp 6 người Jrai là Ksor Sôn tự tử chết vì không có áo mới mặc đi học gây rúng động dư luận xã hội. Từ báo chính thống đến báo công dân, rất nhiều bình luận, rất nhiều chỉ trích, rất nhiều phỏng đoán... khiến chúng tôi, những người ở cách nhà em chỉ chừng 20 ki lô mét cũng thấy hoang mang.

Không thể ngồi im, tôi và đồng nghiệp Đoàn Minh Phụng, nguyên Tổng Biên tập báo Gia Lai , một người cũng rất am hiểu về đời sống người Tây nguyên, cùng nhau xuống làng Breng 3, xã Ia Der, huyện Ia Grai thăm gia đình và viếng cháu. Chúng tôi cũng mang theo tiền của mấy người bạn ở Sài Gòn và của chúng tôi, giúp gia đình cháu.

Những gì chúng tôi thấy không giống như câu chuyện quá bi thương được mô tả trên nhiều báo.

Bàn thờ em Ksor Sôn

Với một gia đình Jrai bình thường thì nhà cháu không đến nỗi quá sức nghèo. Có sân xi măng, nhà lợp mái tôn nhưng có vườn cà phê. Cà phê ở đây khá tốt. Có thể so sánh với đời sống của một người họ hàng của Sôn là Ksor Si để thấy rõ hơn.

Si là anh rể họ của Sôn, đồng thời là cán bộ tư pháp xã. Si có ba sào cà phê, vợ ở nhà làm rẫy, cậu kiêm... MC cho các sự kiện như đám cưới, hội họp... thu nhập thêm chút đỉnh và sống đủ.

Cách đây hơn tháng chúng tôi đã gặp Si khi anh dùng xe máy để "diễn", chở một thí sinh hoa hậu báo Tiền Phong để quay phim khi cô này về xã anh làm từ thiện.

Nhà em Ksor Sôn

Nhà em Ksor Sôn

Phải nói ngay: Ia Grai là huyện giáp thành phố Pleiku, và xã Ia Der lại là xã đầu tiên của huyện liền địa giới với thành phố. Thanh niên ở đây có thể tối tối lên thành phố Pleiku uống cà phê rồi về, cho nên so với các huyện khác, các xã khác thì đây không phải là nơi quá khó khăn, nếu không muốn nói là khá giả hơn các địa phương khác nhiều.

Trong nhà Sôn, chúng tôi thấy có hai cái xe máy.

"Không phải là Sôn không có áo mới đi học" - Si nói. Gia đình đã may quần áo cho em, nhưng chưa kịp lấy và em biết là em đã có quần áo chứ không phải là vì bộ quần áo mà em tự tử.

Vị cán bộ tư pháp xã này cũng đính chính tuổi thực của Sôn là 13, Sôn sinh năm 2003 chứ không phải 11 tuổi như một số báo đã đăng tải.

Ngôi trường mà em Ksor Sôn theo học khi còn sống

Cũng như thế, không phải anh trai của Si "cũng tự tử" cách đấy hơn năm, mà đấy là một người bà con xa, và tự tử ở làng Kép, cách nhà Sôn hai chục cây số.

Làng Kép là một địa danh mà hồi trước có nhiều tệ nạn, và đã được gọi là "khu sung sướng của Pleiku".

Trong giấy khai sinh tên em là Sôn, Ksor Sôn, nhưng những người am hiểu thì cho rằng, người Tây Nguyên rất ít dùng chữ Ô. Vì vậy rất có thể tên em cha mẹ đặt là Sol, nhưng khi làm giấy khai sinh, cán bộ ủy ban xã đã ghi thành Sôn và rồi em mang cái tên ấy cho đến khi từ giã cõi đời.

Gia cảnh nhà Sôn có khó khăn nhưng không phải là quá khó. Bố em là B’sot, người Bahnar, hồi nhỏ nghịch thuốc súng, bị cháy và bỏng, cử động có khó khăn, nhưng vẫn lao động được. Vợ anh người Jrai, tên là Ksor H’thoaih. Họ có ba con.

Sôn có chị gái lớn, mới lấy chồng và đang mang bầu. Trong ảnh thờ, cậu bé Ksor Sôn rất đẹp trai và có vẻ lớn hơn tuổi, trông rất chững chạc. Bàn thờ em nghi ngút hương (thực ra phong tục người Tây Nguyên không lập bàn thờ kiểu này, đây là ảnh hưởng từ người Kinh).

Chúng tôi loay hoay tìm cách lý giải nguyên nhân cái chết của Sôn. Giờ không ai còn có thể biết chính xác ngoài chính Sôn, nhưng tôi không khỏi liên tưởng đến nửa dòng máu Bahnar mà Sôn đang mang trong người.

Tác giả trao tiền cho gia đình em Ksor Sôn

Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai có hẳn một chuyên đề chống tự tử. Cán bộ về từng làng từng xã từng huyện tìm hiểu, phân tích rồi báo cáo... nhưng rồi cũng không tìm ra nguyên nhân, bởi họ tự tử không theo quy luật gì hết, những điều rất nhỏ nhặt cũng khiến họ có thể tự tử, và nó tập trung nhiều ở người Bahnar.

Người Jrai cũng có, nhưng ít hơn.

Theo thống kê, Kông Chro là huyện có nhiều người dân tộc thiểu số tự tử nhất trong tỉnh Gia Lai. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 693 vụ tự tử, làm chết 119 người.

Trong đó, năm 2010 xảy ra 56 vụ, làm chết 15 người; năm 2014 xảy ra 124 vụ, chết 32 người. Riêng năm 2016 (tính đến ngày 19-5-2016) đã xảy ra 34 vụ, chết 3 người. Thị trấn Kông Chro và các xã Đak Kơ Ning, Đak Pơ Pho, Đak Pling, An Trung… là những địa phương có người dân tộc thiểu số tự tử nhiều nhất.

Bố mẹ, anh chị và cả thầy cô giáo của Sôn đều nhận xét không phải do cái áo 130 nghìn như báo chí đưa mấy hôm nay, không phải do quá nghèo như các facebooker suy diễn, không bế tắc vì em này hoàn toàn không có biểu hiện ấy.

Giống như Sôn, các vụ tự tử dẫn phía trên cũng đều chưa tìm ra nguyên nhân. Hoặc nguyên nhân quá vụn vặt đến nỗi không thể tin được.

Nghe nói xã đã họp nhiều cuộc để bàn về việc này.

Thôi hãy yên nghỉ nhé Ksor Sôn. Nếu biết cái chết của em gây xôn xao xã hội thế, bị suy diễn nhiều thế, có khi em lại không dại dột thế....

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/gia-canh-cua-cau-be-o-gia-lai-tu-tu-gay-xon-xao-du-luan-2016083122111325.htm