Giá cà phê hôm nay 5/2/2024: Giá cà phê đồng loạt giảm, dòng tiền rời khỏi thị trường; dự báo về năm 2024?

Nhập khẩu cà phê của hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều được dự báo tăng trong niên vụ 2023-2024, theo báo cáo của USDA.

Giá cà phê hôm nay 5/2/2024

Giá cà phê thế giới giảm trên tất cả các sàn giao dịch khi dòng vốn đầu cơ rời khỏi thị trường tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn như đồng USD và trái phiếu dài hạn kho bạc Mỹ, đã khiến hầu hết giá cả hàng hóa nói chung rơi vào thế bất lợi, trong khi các nguyên tắc cơ bản của các thị trường cà phê kỳ hạn vẫn chưa có gì thay đổi đáng chú ý.

Giá cà phê trong nước giảm liên tiếp trong các ngày cuối tuần qua, tuy nhiên, đầu tuần lại tăng khá tốt, có lúc gần chạm mốc 80.000 đồng/kg. Giá cà phê trong nước hiện giao dịch trong khoảng 77.700 - 79.000 đồng/kg. Các địa phương ghi nhận tăng 1.500 - 1.800 đồng/kg so với đầu tuần qua.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (2/2), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2024 giảm 50 USD, giao dịch tại 3.237 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 giảm 35 USD giao dịch tại 3.116 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm, kỳ giao hàng tháng 3/2024 giảm 2,25 Cent, giao dịch tại 191,95 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2024 giảm 1,95 Cent, giao dịch tại 189,00 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.

Giá cà phê trong nước phiên chốt tuần qua (ngày 3/2) giảm tiếp 300 - 400 VND/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Coffeeam)

Tính chung cả tuần qua, giá cà phê robusta có 2 phiên tăng đầu tuần và 3 phiên giảm cuối tuần, các mức tăng/giảm đều nhẹ. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3 giảm tất cả 32 USD (0,98%), xuống 3.237 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 4 USD (0,13%), lên 3.116 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê arabica có 2 phiên giảm đan xen 3 phiên tăng giữa tuần, các mức giảm đáng kể. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3 giảm tất cả 1,90 Cent (0,98%), xuống 191,95 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 0,45 Cent (0,24%), còn 189 Cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Tồn kho cà phê robusta do sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến ngày 2/2 đã giảm 2.300 tấn, tức giảm 7,65 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 27.780 tấn (khoảng 463.000 bao, bao 60 kg), vẫn quanh quẩn ở mức thấp 15 năm. Tình trạng tồn kho thấp kỷ lục, kéo dài sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cà phê robusta trong ngắn hạn, trong bối cảnh những ách tắt của tuyến hàng hải Âu – Á đi qua biển Đỏ vẫn chưa có gì thay đổi.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước phiên chốt tuần qua (ngày 3/2) giảm tiếp 300 - 400 VND/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.

Đơn vị tính: VND/kg.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Quyết định chưa thay đổi mức lãi suất hiện hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến thị trường thất vọng. Lo ngại rủi ro tăng cao đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ đẩy mạnh thanh lý vị thế ròng đã quá mua trước đó. Chỉ số DXY tăng lên mức cao 7 tuần, giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ khiên phần lớn đầu cơ rút ra khỏi các thị trường để chờ đợi nghe ngóng thêm. Dòng vốn đầu cơ chảy mạnh về các sàn chứng khoán và trái phiếu kho bạc dài hạn.

Các yếu tố thúc đẩy giá cà phê trong tuần vẫn còn nguyên, đó là mối lo nguồn cung, vận tải biển ách tắc và tồn kho thấp. Trong khi nguồn cung từ Việt Nam sẽ chững lại khi bước vào kỳ nghỉ Tết dài ngày.

USDA dự báo nhập khẩu cà phê nhân của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phục hồi và tăng hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước lên mức kỷ lục 47 triệu bao trong niên vụ 2023-2024, chủ yếu do xuất khẩu mạnh hơn từ Brazil.

Trong khi nhập khẩu cà phê rang và hòa tan không đổi ở mức 1,4 triệu bao và 3,7 triệu bao. Nhập khẩu cà phê của EU chủ yếu là cà phê nhân chưa rang, chiếm khoảng 90% tỷ trọng.

Các nhà cung cấp hàng đầu của khu vực trong niên vụ 2022-2023 (tháng 10 đến tháng 9) gồm Brazil (32%), Việt Nam (26%), Uganda (7%) và Honduras (6%).

EU đã nhập khẩu kỷ lục 49,1 triệu bao vào niên vụ 2021-2022, nhưng giảm 2,6 triệu bao trong vụ 2022-2023 do nhập khẩu từ Brazil giảm mạnh dù được bù đắp phần nào bởi mức tăng từ Việt Nam.

Việc EU nhập khẩu nhiều cà phê từ Việt Nam và giảm mua từ Brazil, cho thấy các nhà rang xay có xu hướng sử dụng nhiều robusta hơn. Hai quốc gia này chiếm 54 - 58% tổng lượng cà phê nhân nhập khẩu của EU trong 10 năm qua, để lại thị phần hạn chế cho các nhà cung cấp khác.

Nhập khẩu cà phê hòa tan của EU tăng 300.000 bao lên 3,7 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Các nhà cung cấp cà phê hòa tan hàng đầu cho EU bao gồm Vương quốc Anh (34%), Việt Nam (12%), Ấn Độ (12%) và Ecuador (10%).

Trong khi nhập khẩu từ Anh gần như không thay đổi ở mức 1,3 triệu bao trong một thập kỷ qua, thì nhập khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam tăng khoảng 300.000 bao, đạt tổng cộng trên 400.000 bao mỗi nước.

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-522024-gia-ca-phe-dong-loat-giam-dong-tien-roi-khoi-thi-truong-du-bao-ve-nam-2024-259917.html