Ghi nhận từ việc tổ chức ngày hội trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học là nội dung giáo dục bắt buộc nên toàn cấp học và các nhà trường đã chú trọng đa dạng hóa nội dung trải nghiệm, trong đó tổ chức nhiều hoạt động giúp học sinh có cơ hội khám phá, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô giáo, người thân trong gia đình... Cùng với đổi mới phương pháp dạy và học, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm được các nhà trường thực hiện có hiệu quả với phương châm 'học mà chơi, chơi mà học'.

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Trường Tiểu học Liêm Chính (TP Phủ Lý) đã tổ chức Chương trình “Ngày hội trải nghiệm Chào Xuân Giáp Thìn 2024”. Với sự chuẩn bị công phu về nội dung cùng nhiều hoạt động tích cực, chương trình nhằm mang tới cho toàn thể học sinh các khối lớp không khí vui tươi, phấn khởi chào đón năm mới. Theo đó, học sinh đã có cơ hội được trải nghiệm văn hóa dân gian ngày Tết; được biểu diễn và xem biểu diễn áo dài dân tộc; được cùng nhau trang trí không gian Tết việt; vui Tết ở gian chợ quê với hoạt động gói bánh chưng, viết câu đối Tết, làm phong bao lì xì… và được tham gia các hoạt động vui chơi đầy sắc màu đặc trưng của ngày Tết.

Cô giáo Đỗ Thị Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tại đây, với sự hỗ trợ, dẫn dắt của các thầy, cô giáo và cha mẹ, học sinh các lớp đã có được nhiều trải nghiệm thú vị, ý nghĩa, vui vẻ, hào hứng theo tinh thần "học mà chơi, chơi mà học”. Qua đó, tạo thêm sân chơi bổ ích, ý nghĩa, thiết thực cho học sinh toàn trường được vui chơi, được thể hiện năng khiếu, sự sáng tạo cá nhân trong từng hoạt động cụ thể. Điều đó có giá trị lớn trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh; đồng thời, làm sinh động và hiệu quả hơn mục tiêu phát huy năng lực, phẩm chất người học và lấy người học làm trung tâm…

Học sinh Trường Tiểu học Liêm Chính (TP Phủ Lý) với hoạt động trải nghiệm thiết kế mẫu bưu thiếp chúc Tết. Ảnh: Hà Trần

Cũng trong những năm học gần đây, ngành Giáo dục các địa phương đã tổ chức được khá nhiều buổi giao lưu Câu lạc bộ các môn học và ngày hội trải nghiệm sáng tạo dành cho học sinh cấp tiểu học. Buổi giao lưu được tổ chức sôi nổi với các phần thi chào hỏi, thi tài năng theo hình thức sân khấu hóa được dày công chuẩn bị; các tiết mục trong từng phần thi đã thể hiện rõ được năng khiếu, sự đam mê của học sinh đối với môn học và mang tới cho các đại biểu, các em học sinh nhiều cảm xúc. Trong khuôn khổ chương trình, đại biểu và học sinh còn được tham quan và tham gia vào các hoạt động trải nghiệm sáng tạo tại các không gian: mĩ thuật sáng tạo, trưng bày sản phẩm Stem, trải nghiệm không gian ảo, trò chơi lập trình trên máy tính, điều khiển rô-bốt trên sa bàn, cùng nhiều trò chơi hấp dẫn…

Theo chia sẻ của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Bảng, thông qua chuỗi hoạt động được tổ chức trong ngày hội môn học, ngày hội trải nghiệm dành cho học sinh tiểu học, các cấp quản lí có thể đánh giá phần nào kết quả dạy học các môn học và hoạt động giáo dục địa phương, giáo dục kĩ năng sống trong trường tiểu học; có cơ hội nhìn nhận, so sánh, đánh giá thực chất, đúng hơn về chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường, từ đó có giải pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả hơn. Không những vậy việc tổ chức được các hoạt động này còn tạo điều kiện thúc đẩy sự quan tâm, phối hợp của gia đình và xã hội trong quá trình dạy học, giáo dục học sinh.

Trên thực tế, không ít học sinh khi trực tiếp tham gia các hoạt động trải nghiệm đã biết vận dụng những kiến thức được học áp dụng vào việc làm ra những sản phẩm có tính giáo dục, thẩm mĩ; từng bước hình thành và phát triển phẩm chất tốt, như: tính cẩn thận, lòng kiên trì, năng khiếu thẩm mĩ, óc sáng tạo… cho học sinh.

Cô giáo Đinh Thị Nhã, giáo viên Trường Tiểu học Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên), chia sẻ: Tham gia ngày hội trải nghiệm, giao lưu các môn học, học sinh được trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ để phát triển kỹ năng sống; được tiếp cận mục tiêu học tập với hoạt động chơi tạo sự tự chủ của học sinh. Hoạt động ngoại khóa được nhà trường tổ chức thường xuyên và lựa chọn những nội dung trải nghiệm gắn với từng chủ đề, như: văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước. Cùng với đó, tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cần thiết, phòng tránh tai nạn thương tích, tham gia giao thông an toàn cho học sinh. Thông qua đó giúp học sinh nâng cao hiểu biết và có kỹ năng sống để các em phát triển toàn diện hơn.

Tiểu học là cấp học nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân, có sứ mệnh hình thành cho học sinh những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về tình cảm, trí tuệ, thể chất và các kĩ năng cơ bản để học tiếp các cấp học tiếp theo. Chính vì thế, bên cạnh việc tiếp cận và ghi nhớ kiến thức, hình thành và rèn luyện năng lực, phẩm chất thì việc rèn cho học sinh kĩ năng sống cũng vô cùng cần thiết. Với hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú được cấp học, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tổ chức thường xuyên đã giúp học sinh có điều kiện được vận dụng kiến thức, kĩ năng cơ bản vào thực tế; đồng thời, giúp củng cố, mở rộng, rèn luyện, từ đó hình thành các kỹ năng sống, như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kĩ năng giải quyết vấn đề.

Hơn thế, các ngày hội giao lưu, ngày hội trải nghiệm - sáng tạo còn là cầu nối giữa nhà trường với các tổ chức xã hội và cha mẹ học sinh, giúp mỗi người có nhận thức đúng về đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay, không tạo áp lực học hành, mà phát huy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân theo đúng tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cách đánh giá học sinh; tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh tiểu học được phát triển phẩm chất, giao lưu, học hỏi, tham gia các hoạt động trải nghiệm ở tất cả các môn học; tích cực rèn luyện thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt; phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục trải nghiệm.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/ghi-nhan-tu-viec-to-chuc-ngay-hoi-trai-nghiem-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-115599.html