Gặp những người làm nghề thổi lửa biến cây tầm vông từ cong thành thẳng

Đốt lửa nướng tầm vông hay còn gọi là uốn tầm vông để giúp cây thẳng không bị cong đã trở thành nghề truyền thống suốt 30 năm ở vùng Bảy Núi - An Giang.

Vất vả trong nắng - lửa

Với điều kiện tự nhiên phù hợp cho sự phát triển, cây tầm vông đã mọc và lớn nhanh trên vùng đất Bảy Núi - An Giang, đặc biệt là ở các xã Lương Phi, Núi Tô, An Tức, Cô Tô… thuộc huyện Tri Tôn.

Theo đặc thù sinh trưởng tự nhiên, cây tầm vông thường bị cong ở phần gốc và ngọn, đôi khi cong ở phần giữa nhưng rất hiếm. Trước khi đưa cây tầm vông vào sử dụng hoặc chế biến thành sản phẩm thủ công khác, cây cần phải được đốt lửa để uốn thẳng một cách tương đối.

Cũng chính vì điều này, nghề uốn tầm vông ở huyện Tri Tôn ra đời hàng chục năm qua. Người làm nghề uốn tầm vông thường phải làm việc vất vả trong nắng và đứng cạnh chỗ đốt lửa để biến những cây tầm vông trở nên thẳng suông, đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Người làm nghề uốn cây tầm vông thường phải làm việc trong nắng và lửa.

Gần 20 năm gắn bó với nghề uốn tầm vông, ông Trần Văn Thành (50 tuổi, ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết, việc uốn tầm vông không khó, nhưng đòi hỏi người làm phải chịu được con nắng buổi trưa xứ núi, nhiệt độ cao của đống củi đang cháy và có đủ sức khỏe để "lèo lái" cho cây tầm vông từ cong thành thẳng.

"Trước khi đưa vào lò uốn, cây tầm vông phải được róc sạch nhánh, lá và cắt phần ngọn. Cây tầm vông sau khi làm sạch sẽ được đưa lên lò. Công việc uốn cây được bắt đầu từ phần gốc, vì đây là phần cứng nhất của cây tầm vông", ông Thành nói.

Ông Thành cho biết thêm, sau đó, những người thợ sẽ đưa cây vào lò và cố định bằng móc sắt để bẻ thẳng phần bị cong của cây. Trong thời gian này, phải liên tục lật trở để cây tiếp xúc đều với lửa.

Công việc cứ diễn ra như vậy cho đến phần ngọn thì ngưng. Thời gian uốn mỗi "mẻ" tầm vông mất từ 2-3 phút với ngọn lửa đều và nhiệt độ cao. Mỗi lượt sẽ uốn từ 10-15 cây tầm vông, tùy vào kích thước, độ dài và độ cứng của cây.

"Công việc này thường bắt đầu từ sáng đến 16h - 17h chiều. Những ngày cao điểm, nhu cầu về số lượng tầm vông tăng cao, người lao động phải làm cho đến tối", ông Thành chia sẻ.

Cũng theo công việc này hơn chục năm, chị Nguyễn Thị Ngọc Tưởng (38 tuổi, ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) nói: "Cái khó nhất của nghề uốn tầm vông là cầm cây tầm vông dài, đặc biệt là cây tươi sẽ rất là nặng.

Những ngày đầu, đi làm về rất mệt mỏi, nhưng làm riết cũng quen và thấy công việc cũng rất đơn giản".

Giúp ổn định cuộc sống

Vất vả là thế, nhưng với người theo nghề uốn tầm vông thì số tiền thu nhập cũng đủ để trang trải cuộc sống.

Như chị Tưởng, dù là phụ nữ, nhưng từ khi chị vượt qua được những vất vả ban đầu thì nay công việc uốn tầm vông với chị cũng trở nên dễ dàng.

Mỗi cây tầm vông từ cong uốn lại thành thẳng có giá 2.000 đồng. Công việc bắt đầu từ sáng sớm đến chiều tối, chị Tưởng cũng có vài trăm nghìn đồng để có thể chăm lo mọi thứ trong nhà trở nên tươm tất.

"Tôi làm ở đây cùng với chồng nên thu nhập của cả hai cũng từ 300.000-400.000 đồng/ngày. Số tiền có được giúp gia đình tôi sống ổn định hơn và chăm lo cho các con ăn học", chị Tưởng cho biết.

Nhờ công việc uốn cây tầm vông mà nhiều lao động địa phương có thêm thu nhập, ổn định đời sống.

Từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm, thời tiết thường nắng dài và gắt cho nên, những người làm nghề uốn tầm vông cũng thuận tiện hơn trong quá trình làm việc.

Đang cặm cụi trở mình những cây tầm vông theo ngọn lửa đang cháy để uốn cho thẳng, anh Trần Thanh Quang (28 tuổi, ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết, anh bắt đầu làm công việc uốn cây tầm vông được vài tháng nay.

Nhưng, với số tiền thu nhập được từ công việc này đã và đang giúp anh bớt lo lắng về việc tiền sinh hoạt hằng ngày của gia đình.

Anh Quang nói: "Nghề uốn tầm vông tiền được tính theo số lượng cây, bữa nào làm nhiều thì được nhiều, còn làm ít thì được ít. Do tôi mới bắt đầu làm được vài tháng nên mỗi ngày cũng được 200.000-300.000 đồng".

Ông Lê Văn Luận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (An Giang) thông tin: "Nghề uốn tầm vông xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và đã hình thành hàng chục năm qua khi đặc tính của cây tầm vông thường bị cong nhưng nhu cầu sử dụng lại là cây thẳng. Bình thường, mỗi người làm nghề uốn tầm vông thu nhập 200.000-300.000 đồng/ngày.

Tuy nhiên, vào lúc cao điểm, tức là tháng 5 đến tháng 6 hằng năm - mùa thu hoạch cây tầm vông, thu nhập của họ khoảng 300.000-600.000 đồng/ngày".

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gap-nhung-nguoi-lam-nghe-thoi-lua-bien-cay-tam-vong-tu-cong-thanh-thang-19224031314464339.htm