Gặp người đội viên đầu tiên của Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

Đội Thiếu niên Cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) được thành lập cách đây đã gần 70 năm. Ít ai biết rằng, 1 trong 5 đội viên đầu tiên của tổ chức này nay vẫn còn sống, tinh thần còn minh mẫn. Cụ là Lý Văn Tinh, năm nay đã gần bước vào tuổi 90. Căn nhà cụ ở ngày nay chỉ cách nơi thành lập Đội một quả đồi.

70 năm đã qua vẫn không quên kỉ niệm Từ thị xã Cao Bằng, vượt quãng đường khoảng 60km qua thị trấn Hà Quảng, người ta sẽ đến địa danh Pò Đoi - Thoong Mạ (thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng), nơi thành lập đội Thiếu niên cứu quốc Nà Mạ do Kim Đồng làm đội trưởng. Tại nhà ngũ giác nằm trên một ngọn đồi cao, người ta sẽ được tận mắt ngắm tấm bia đá do Hội đồng Trung ương Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh dựng để ghi nhận địa danh thành lập Đội, cũng như tỏ lòng biết ơn đồng bào, tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã hết lòng vì sự nghiệp cách mạng và các thế hệ thiếu niên Việt Nam. Mặt trước của tấm bia ghi lại vắn tắt lịch sử thành lập Đội, mặt sau là tên và bí danh của 5 đội viên đầu tiên, trong đó ghi rõ Kim Đồng là đội trưởng. Đi dọc theo chân ngọn đồi có nhà bia ngũ giác, chúng tôi hỏi thăm vào nhà cụ Lý Văn Tinh, bí danh Thanh Minh - người duy nhất được khắc tên trên bia đá còn sống đến bây giờ. Đỡ ông nội ngồi dậy trên chiếc giường bên cạnh cửa sổ căn phòng nhỏ, người cháu của cụ Tinh cho biết hiện cả 2 chân của cụ đều đã bị liệt. Cụ đã lãng tai nhưng khi người cháu ghé sát tai nói to giới thiệu có khách từ Thủ đô về thăm, đôi mắt già nua của cụ Tinh chợt trở lên tinh anh, sống động; miệng nở nụ cười rạng rỡ. Cụ Tinh cứ cầm tay chúng tôi lắc lắc và giục người cháu trai lấy rượu ra mời. Quỳnh (người cháu trai - PV) bảo dù sức khỏe không được tốt và đã gần bước vào tuổi 90 nhưng theo phong tục tập quán của người dân ở đây, cụ Tinh vẫn rất thích uống rượu. Mỗi khi nói những câu chuyện về Đảng, về Bác Hồ, cụ lại trở nên hoạt bát. Những câu chuyện đã xảy gần 7 thập kỷ về trước cụ vẫn nhớ từng chi tiết như mới vừa ngày hôm qua. Cụ Tinh kể lại: "Những ngày đầu tiên đi theo Đảng, theo Bác Hồ, tôi mới chỉ là một chú bé 16 tuổi. Cùng với các bạn Nông Văn Dền, Nông Văn Thàn, Lý Thị Nì, Lý Thị Xậu, tôi được anh Đức Thanh - một Đảng viên trung kiên, đội viên Đội du kích Pắc Pó - giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng của Cách mạng. Ngày 15.5.1941, anh Đức Thanh đã thay mặt Đảng triệu tập 5 người chúng tôi đến Pò Đoi để làm lễ thành lập Đội Thiếu niên cứu quốc Nà Mạ. Nghe anh Thanh nói, tôi vui sướng lắm vì kể từ giây phút đó, tôi sẽ được sát cánh cùng các bác, các chú, các cô tham gia công tác Cách mạng. Sau khi được anh Thanh cho biết bí danh mà tổ chức Đảng đặt cho, 5 chúng tôi đứng thành một hàng trước ngọn đèn dầu thề tuyệt đối trung thành với Đảng, với tổ chức Cách mạng, dù phải hy sinh bản thân mình cũng không phản bội cách mạng, không phản bội nhân dân". Ôn lại lịch sử kể cho con cháu Một trong những đội viên đầu tiên của Đội TNTP Hồ Chí Minh - cụ Lý Văn Tinh Không chỉ tham gia làm liên lạc đưa công văn cho tổ chức, đưa cán bộ của Cách mạng đi lại bí mật trong các khu vực bị giặc chiếm đóng, các đội viên còn được dạy chữ quốc ngữ, góp phần đẩy lùi giặc dốt. Cụ Tinh nhớ lại: "Ngày đó, trong 5 anh em thì tôi lớn tuổi nhất, lại từng được học chữ của thầy giáo Ngưu ở Hòa Mục nên khi đến lớp, tôi được anh Đức Thanh giao cho hướng dẫn lại các học viên sau mỗi bài giảng của anh. Tất cả các bạn đều rất ham học và chịu khó nên tiến bộ nhanh lắm, chỉ một thời gian sau đã đọc được sách báo của Đảng, của Cách mạng. Mọi người đã có thể nắn nót chép vào sổ tay những bài thơ, bài hát cách mạng với ước mơ "Bao giờ đuổi hết Nhật Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng...". Trên nóc chiếc thùng sắt đặt cạnh đầu giường, cụ Tinh xếp gọn gàng mấy cuốn sách đã ố vàng về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đảng bộ Cao Bằng. Cụ nói: "Đôi lúc đọc đi, đọc lại những trang sách lịch sử để khỏi quên, còn nhớ chính xác các câu chuyện kể cho con cháu nghe". Nhìn lại những bức ảnh chúng tôi chụp tấm bia đá ghi công tại Pò Đoi - Thoong Mạ, đôi mắt đã mờ đục vì tuổi tác của cụ Tinh bỗng loang loáng nước. Cụ ngồi lặng hồi lâu như để nhớ lại những buổi chiều cùng các bạn đi đắp lò đất nướng khoai lang. "Mỗi lần làm diều mằn (lò đất khô để nướng khoai), tôi lại được phân công cùng với Quế Lâm (bí danh của đồng chí Triệu Văn Hùng - đội viên thứ 6 của Đội Thiếu niên cứu quốc - PV) đi nhặt những thân cây ngô rải rác bên bờ các đám rẫy, bẻ thân cây ngải cứu chết khô để về làm củi đốt lò. Khi lò rực lửa, chúng tôi lần lượt thả khoai đào từ rẫy nhà mình vào rồi lấp lò để giữ nhiệt. Tôi vẫn nhớ, nhà Cao Sơn nghèo nhất. Có những lần đám rẫy nhà Cao Sơn không còn sót một sợi dây lang nào vì đã đào về ăn hết. Thế nhưng với sự đùm bọc của bạn bè, Cao Sơn luôn được nhận phần khoai nhiều nhất để vừa ăn vừa mang về cho mẹ và em". Trong những buổi làm diều mằn như thế, các đội viên Thiếu niên cứu quốc lại tranh thủ bàn kế sách canh gác cho các cuộc họp quan trọng của tổ chức. Với sự thông minh và nhanh trí của mình, đội trưởng Kim Đồng luôn rất nhanh chóng và chu đáo trong việc phân công nhiệm vụ và khu vực quan sát cho các đội viên. Nếu thấy bọn quan Tây, bọn lính dõng từ xa thì phải kêu to lên "Trâu ăn khoai", "Trâu phá rẫy" để đánh động cho các đồng chí dự họp thoát lên rừng. Nhắc đến người bạn thân thiết Kim Đồng, cụ Tinh thở dài tiếc nuối: "Một người thông minh như vậy mà lại hy sinh quá sớm, quả là một thiệt thòi cho tổ chức của ta". Từ địa danh lịch sử Pò Đoi này, người thanh niên Lý Văn Tinh ngày càng giác ngộ sâu sắc lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ để sớm trở thành một Đảng viên ưu tú. Trước khi chúng tôi ra về, cụ Tinh giữ chặt tay tôi chỉ lên bức ảnh chụp khu di tích Nặm Lìn (thôn Hoàng Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An) treo trên tường để nhắc về nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng, cũng là chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng Việt Bắc. Từ cái nôi Cách mạng này, cùng với hàng ngàn chiến sĩ, Đảng viên kiên trung khác, cụ Tinh đã đóng góp nhiều công sức vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Nguyễn Thắng Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách. Đội là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đội nhi đồng cứu quốc đầu tiên ra đời vào 15/5/1941 tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã được Mặt trận Việt Minh coi là một thành viên và Đội hoạt động theo Điều lệ của Mặt trận Việt Minh với nội dung: "... Dự bị giúp đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập". Từ sau tháng 5/1941 các Đội thiếu nhi cứu quốc ở mọi nơi được thành lập để tham gia cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Tháng Tám 1945. Lúc này các tổ chức thiếu nhi cả nước được gọi chung là Hội Thiếu nhi cứu quốc, mỗi đơn vị gọi là một Đội. Ở khắp nơi các đội thiếu nhi đều tích cực tham gia các hoạt động cách mạng cùng với cha anh và tham gia các hoạt động xã hội như: dạy bình dân học vụ, cổ động, tham gia sản xuất, tiết kiệm hoặc bảo vệ trật tự trị an, giúp đỡ bộ đội, tự vệ. (Theo Website Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=4962&lang=vn&zone=5&zoneparent=0