Gặp người chế tác đàn tính tại Tây Nguyên

Không chỉ say mê với những làn điệu hát then ngọt ngào, ông Lô Hoàng Hiếu (1938, trú thôn 12, xã Cư Mgar, H. Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc) còn gắn bó với nghề chế tác đàn tính nhiều năm nay. Để làm được một cây đàn tính có chất lượng, theo ông Hiếu, người thợ không chỉ tỉ mỉ mà cần có sự kiên trì, khéo léo từ khâu chọn nguyên liệu.

Không chỉ say mê với những làn điệu hát then ngọt ngào, ông Lô Hoàng Hiếu (1938, trú thôn 12, xã Cư Mgar, H. Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc) còn gắn bó với nghề chế tác đàn tính nhiều năm nay. Để làm được một cây đàn tính có chất lượng, theo ông Hiếu, người thợ không chỉ tỉ mỉ mà cần có sự kiên trì, khéo léo từ khâu chọn nguyên liệu.

Ông Hiếu với cây đàn tính.

Sinh ra ở mảnh đất Cao Bằng, từ nhỏ ông Lô Hoàng Hiếu đã chịu ảnh hưởng nhiều từ những làn điệu hát then. Lớn lên dưới “trời bom đạn”, tiếng gọi của non sông đã dẫn bước ông ra chiến trường đánh giặc, Cũng từ đó, ông Hiếu có cơ hội gắn bó và biết đến cây đàn tính. Cây Ông Hiếu nhớ lại: “Trước vô vàn thiếu thốn, hiểm nguy nơi chiến trường, đơn vị đã thành lập một đội văn nghệ phục vụ cho các chiến sĩ có thêm động lực chiến đấu với quân thù. Để phục vụ cho biểu diễn văn nghệ, các thành viên trong đội văn nghệ cùng nhau chế tạo ra nhiều loại nhạc cụ như: đàn, trống, sáo…đặc biệt là đàn tính. Say mê trước những âm thanh du dương từ cây đàn tính, tôi tranh thủ những giờ giải lao để nhờ một người đồng hương chỉ cho cách làm loại nhạc cụ này”.

Xuất phát từ niềm đam mê cháy bỏng, chẳng bao lâu sau ông Hiếu đã tự tay làm được cây đàn tính đầu tiên dù không được như ý muốn. Cũng nhờ niềm đam mê âm nhạc và chế tạo đàn tính đã giúp ông và nhiều đồng đội quên đi những gian khổ ngoài chiến trường. Sau giải phóng, ông Hiếu theo gia đình vào tỉnh Đắc Lắc lập nghiệp với hy vọng cải thiện những khó khăn về kinh tế nơi “vùng đất hứa”. Đáng nói, dù cuộc sống mưu sinh trên vùng đất mới gặp nhiều khó khăn nhưng ông vẫn nặng lòng với niềm đam mê chế tác đàn tính. Nơi gia đình ông dừng chân để lập nghiệp tại tỉnh Đắc Lắc cũng là nơi hội tụ của nhiều người Tày, Nùng, Thái từ các tỉnh phía Bắc di cư vào. Do đó, làn điệu hát then và âm thanh từ đàn tính đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với ông Hiếu và những người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Năm 2013, ông chính thức tham gia vào câu lạc bộ hát then của xã Cư Mgar với hy vọng góp phần giữ gìn và bảo vệ nét văn hóa của dân tộc mình. Để phục vụ các hoạt động của câu lạc bộ, ông Hiếu tự tay đục đẽo nhiều ngày đêm để làm ra cây đàn tính. Cũng từ đó, ông là người duy nhất trong huyện biết làm ra loại nhạc cụ làm say mê lòng người trên đất Tây Nguyên.

Cây đàn tính gồm nhiều bộ phận như: cần đàn, bầu đàn, mặt đàn, thủ đàn và dây đàn. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng để có âm thanh đi vào lòng người thì phần quan trọng nhất vẫn là cần đàn và hộp cộng hưởng của đàn tính. Đây cũng là hai bộ phận tiêu tốn không ít thời gian, công sức của người chế tác. Do đó, loại gỗ được chọn làm cần đàn phải có đặc tính mềm, nhẹ, thẳng và phải phơi thật khô để tránh tình trạng cong, nứt nẻ. Yêu cầu đặt ra trong quá trình làm cần đàn là người nghệ nhân phải tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng mũi đục. Bởi chỉ cần đục quá mạnh tay hoặc sơ suất thì người chế tác phải làm lại từ đầu. Để việc chế tác được thuận lợi và đạt chất lượng, ông Hiếu thường chọn gỗ xoan, bằng lăng để làm cần đàn.

Bên cạnh cần đàn, ông Hiếu thường chọn những quả bầu khô bán kính từ 17-20cm, có hình dáng tròn trịa để làm hộp cộng hưởng. Trên quả bầu này, nghệ nhân không ngừng nghiên cứu, mày mò để tính toán vị trí đục số lượng lỗ phù hợp nhằm tạo ra âm thanh hay nhất. Theo đó, để tạo ra âm thanh trầm thì nghệ nhân sẽ cân đối và đục 4 ô lỗ, mỗi ô khoan 9 lỗ nhỏ và đều nhau. Nếu muốn âm thanh được trong trẻo và thanh hơn thì người làm đàn sẽ khoan 6 ô lỗ trên quả bầu.

Để làm được một cây đàn tính, ông Hiếu phải mất từ 4-6 ngày, thậm chí cả hơn một tuần mới xong. Trước nhu cầu chơi đàn tính của người dân, thời gian gần đây ông còn chế tạo đàn tính bán với giá từ 400.000 - 500.000 đồng/cây. Lời chẳng được bao nhiêu nhưng với ông đó là niềm vui không gì có thể đánh đổi và mua được.

Bà Lục Thị Huệ, Chủ tịch Hội phụ nữ xã kiêm Chủ nhiệm CLB đàn và hát then xã Cư Mgar cho biết: “Bên cạnh phục vụ nhu cầu âm nhạc của người đồng bào thiểu số, CLB hát then của xã ra đời còn mang ý nghĩa bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, dân gian. Ông Hiếu không chỉ được biết đến với nghề chế tác đàn tính, nhiều năm nay ông còn nhiệt tình tham gia các hội thi, hội thao tại địa phương. Tháng 12-2016, Chủ tịch UBND H. Cư Mgar trao tặng giải A cho ông trong cuộc thi Liên hoan nghệ thuật tạc tượng, đan lát, chế tác nhạc cụ dân tộc H. Cư Mgar năm 2016”.

Thơ Trịnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_160904_ga-p-nguo-i-che-ta-c-da-n-ti-nh-ta-i-tay-nguyen.aspx