'Gặp lại chị bầu' - Mảng màu lạ của bức tranh phim Tết

Thị trường phim Tết 2024 khá sôi động, tuy nhiên, 'Gặp lại chị bầu' tạo nên một màu lạ khi đó là bộ phim duy nhất khai thác đề tài xuyên không.

Dung hòa âm hưởng hài và bi, đưa vào yếu tố xuyên không đặc sắc, phim điện ảnh Gặp lại chị bầu của đạo diễn Nhất Trung phủ màu sắc mới cho chủ đề gia đình và thanh xuân, làm nên cuốn phim đa dạng cảm xúc, dành cho mọi thành viên trong gia đình cùng nhau thưởng thức những ngày đầu năm mới.

"Gặp lại chị bầu" quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng.

Câu chuyện của Gặp lại chị bầu theo sát cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Gia Phúc (Anh Tú). Gã thanh niên sống ở năm 2024 lông bông không nghề ngỗng. Một lần chạy trốn chủ nợ, Phúc vô tình ngã xuống sông, “xuyên không” về năm 1997.

Được bà Lê (Lê Giang) đưa về khu nhà trọ cưu mang, Phúc lần đầu biết đến dư vị ấm cúng của một gia đình, bên cạnh những người xa lạ. Tại đây, anh kết thân với những người bạn mới Ngọc Huyền (Diệu Nhi), Tuấn (Quốc Khánh) và Ngọc (Ngọc Phước). Lập thành hội nhóm “anh em mình là một gia đình”, bốn người cùng nhau mưu sinh nơi đất khách, dệt giấc mộng tuổi trẻ.

Ngược thời gian về quá khứ

Dòng phim xuyên không từ lâu đã quen thuộc trên màn ảnh Hoa ngữ, Hàn Quốc và Hollywood; nhưng còn khan hiếm ở thị trường Việt Nam. Khai thác chủ đề này, Gặp lại chị bầu trở thành mảnh ghép độc lạ trong bức tranh toàn cảnh phim chiếu rạp dịp Tết Giáp Thìn.

Bằng lối dẫn dắt duyên dáng và tinh tế, bộ phim đưa người xem bước lên cỗ máy thời gian, ngược dòng về quá khứ, mở ra lớp lớp ký ức vàng son của thập kỷ 1990 cũng như những hồi ức thanh xuân đẹp đẽ một thuở.

Bị kéo về 27 năm trước, nam chính Gia Phúc rơi vào lạc lõng và hoang mang. Cũng là thành phố anh sinh ra và lớn lên, nhưng Sài Gòn lúc này đôi phần khác lạ. Trong khi anh chàng cố mò đường đến cầu Thủ Thiêm, mong tìm ra cách trở về thời đại của mình, thì từng người dân trên phố phát cáu vì nghĩ gã trai này điên mất rồi. “Phà Thủ Thiêm thì có chứ trên đời lấy đâu ra cầu Thủ Thiêm!”.

Vẻ mặt lơ ngơ tựa như in hằn câu hỏi “Tôi là ai? Đây là đâu?”, Gia Phúc càng hoang mang, khán giả càng không thể nhịn cười. Lối thể hiện cảm xúc tự nhiên của Anh Tú cùng màn tung hứng ăn ý giữa anh với “những người qua đường” - NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Trung Dân - gieo những mảng miếng vui cười đầu tiên cho tác phẩm.

Anh Tú lột xác trong phim.

Theo chân Gia Phúc, khán giả lạc bước vào một cửa tiệm cho thuê băng. Bên quầy tủ kính, ông chủ giương mục kỉnh ghi sổ khách hàng. Khách muốn thuê vài cuốn băng video VHS phim chưởng bộ “cày” cho thỏa thích, vậy mà ông chủ một mực bớt lại cho khách khác thuê. Cảnh trí ấy, cuộc đối thoại ấy vốn là thứ “đặc sản” đã nuôi dưỡng tâm hồn của bao thế hệ. Một phần của tuổi thơ và niên thiếu trải ra trên màn ảnh với không khí tếu táo vui cười, làm khán giả bật cười mà cũng bồi hồi nhớ thương.

Cùng không gian tiệm thuê phim, Gặp lại chị bầu còn kỳ công tái hiện một con phố đi qua phim trường, các cửa hiệu, tiệm ăn, quán nhậu với lối bài trí đúng điệu những năm “1900 hồi đó”. Sắc màu retro phủ ngập từng góc nhà, khu phố và trong tủ đồ thời trang của các nhân vật, làm nên những khung hình bắt mắt, đậm tính hoài cổ.

Tiếng đài phát thanh giới thiệu chuyên mục Làn Sóng Xanh hay âm thanh rộn ràng của các trận bóng đá gắn liền tên tuổi các “quả bóng vàng” Lê Huỳnh Đức, Hồng Sơn cũng gợi mở những kỷ niệm một thời vàng son của âm nhạc và thể thao Việt Nam.

Phần thiết kế mỹ thuật cho thấy độ chịu chơi và nghiên cứu nghiêm túc của đoàn phim, với niềm mong cầu cống hiến cho khán giả bữa tiệc điện ảnh đẹp visual mà giàu cảm xúc.

Khóc cười theo dàn nhân vật

Loay hoay hòa nhập với thời quá khứ, Phúc gặp đủ thứ chuyện cười ra nước mắt. Theo nhóm bạn đến phim trường làm việc, anh lộ giọng thoại tồ tệch, điệu bộ lơ ngơ. Mỗi bữa cơm đoàn viên sum vầy, anh lại làm cả nhà ngao ngán vì chất giọng cải lương biến tấu chẳng giống ai.

Là “cây hài” không kém cạnh, Ngọc khiến người xem nghiêng ngả cười vì bản tính “mê trai đầu thai không hết”, cùng vẻ mặt quê xệ vì chưa kịp tỏ tình đã bị từ chối. Những lời đối đáp vô tri trong cơn nhậu xỉn cũng trở thành biểu tượng của nhóm khách trọ.

Mở màn bằng những phút giây hóm hỉnh như thế, Gặp lại chị bầu dần ngả sang mảng màu trầm lắng, khi số phận của từng nhân vật được hé lộ, báo hiệu những cuộc phân ly không thể tránh né. Không may mắn có được thiên phận làm mẹ, bà Lê ôm trọn những cô cậu thanh niên tứ xứ vào lòng, chăm bẵm như con mình dứt ruột đẻ ra. Cả gia đình đã di dân từ lâu, Ngọc một mình ngụp lặn nơi thị thành, chờ ngày có giấy gọi sang Mỹ. Ngày ngày mài mặt với công việc phụ máy, Tuấn chẳng dám đề ra hạn định cho giấc mơ trở thành đạo diễn.

Phúc từ thuở lọt lòng đã không biết cha sinh, mẹ đẻ. Lớn lên cùng nỗi tủi phận cô nhi, anh nuốt trọn đắng cay, chịu nhiều chà đạp. Với Phúc, sống một ngày là qua một ngày, nhân sinh chẳng hề có dự định hay mộng tưởng.

Cùng thân phận bị gia đình ruồng bỏ như thế nhưng Huyền giữ cho mình niềm tin vào những điều tử tế ở tương lai. Sau bao tháng ngày bán mạng cho các vai diễn từ quần chúng lên tuyến phụ, rốt cuộc cũng có ngày, cô nhận được vai nữ chính. Nhưng đó cũng là lúc, cô nghe được thanh âm của mầm sống trong cơ thể mình. Một lựa chọn không dễ dàng, nhưng Huyền chẳng cần đắn đo quá nhiều, bình thản mà lựa chọn giọt máu của mình.

Diệu Nhi có vai diễn ấn tượng trong "Gặp lại chị bầu".

Bên nhau những ngày vô ưu và vẫn đi cùng nhau khi sóng gió ập tới, các nhân vật ôm lấy nhau và ôm lấy cả những tổn thương, vụn vỡ trong nhau. Đón nhận tình thương không thuần khiết nơi gia đình không huyết thống, đứa trẻ nhiều mặc cảm bên trong Phúc như được chữa lành, để gã trai xù xì của tuổi ngoài đôi mươi lần đầu trong đời thấm thía giá trị của tình thân.

Đi qua nhiều thăng trầm của các nhân vật, Gặp lại chị bầu làm khán giả nhiều khi bật cười thành tiếng vì hài mà không ít lần sụt sùi nước mắt vì cảm động. Dù vậy, cuốn phim duy trì không khí tươi sáng, lạc quan, gửi gắm niềm tin về sự tử tế, chẳng hề gieo rắc cảm giác bi lụy. Phim mang đủ dư vị ngọt - đắng của nhân sinh, xứng đáng là lựa chọn giải trí cho cả gia đình nơi rạp chiếu.

Linh Chi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gap-lai-chi-bau-mang-mau-la-cua-buc-tranh-phim-tet-ar852879.html