Gặp họa khi… bấm khuyên tai

Nhiều cô gái trẻ vì muốn làm đẹp và thể hiện cá tính, chạy theo trào lưu, bấm 3-4 lỗ ở sụn vành tai để đeo khuyên. Làm đẹp và diện trang sức trên người để tôn thêm vẻ đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người.

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ sau khi bấm lỗ tai ở những cửa hàng không đảm bảo vệ sinh và vô khuẩn đã phải vào viện cấp cứu do bị nhiễm trùng, áp xe, thậm chí hoại tử vành tai. Có người còn bị vành tai biến dạng “nhăn nhúm” phải cắt bỏ phần hoại tử và phẫu thuật tạo hình lại vành tai.

Nhiều thiếu nữ vành tai bị biến dạng vì bấm khuyên tai

Vì muốn giống các bạn đeo 4-5 chiếc khuyên trên tai, nữ sinh N.L.P (18 tuổi, Vĩnh Phúc) đã tìm đến một điểm bấm khuyên tai để bấm khuyên ở vành tai trái. Hai ngày sau, P thấy xuất hiện sốt, sưng nề, đau nhiều, chảy mủ vàng ở vị trí bấm khuyên tai. Nữ sinh được đưa tới cơ sở y tế gần nhà điều trị, nhưng sau 2 tuần, các triệu chứng cải thiện không đáng kể, nên phải chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) để tiếp tục điều trị.

Một trường hợp bị viêm sụn vành tai phải phẫu thuật sau khi bấm lỗ tai dạo.

Tiếp nhận ca bệnh này, các bác sĩ cho biết, bệnh đã nặng hơn rất nhiều, sụn vành tai đã bị tiêu một phần. Các bác sĩ đã phải tiến hành rạch mở rộng ổ áp xe để vệ sinh cắt lọc sụn viêm và chăm sóc hàng ngày. Sau điều trị, tình trạng viêm cải thiện hoàn toàn nhưng để lại di chứng nặng nề là vành tai bị biến dạng. “Đây là một hậu quả rất nặng nề về thẩm mỹ cho người bệnh”, ThS.BS Hồ Chí Thanh, Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện 108 cho biết.

Thời gian gần đây, Bệnh viện 108 tiếp nhận nhiều ca bị áp xe vành tai sau bấm khuyên. Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người và đeo trang sức qua lỗ bấm khuyên là một trong những hình thức làm đẹp đó. Tuy nhiên, theo BS Thanh, trong các vị trí bấm khuyên trên cơ thể thì viêm tấy hoặc áp xe ở vành tai chiếm tỷ lệ gặp biến chứng cao nhất và nặng nhất. Nguyên nhân thường gặp do bệnh nhân bấm khuyên tai ở cơ sở không đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn hoặc không tuân thủ chăm sóc sau thủ thuật.

Tại Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận những ca bị áp xe, nhiễm trùng sau khi bấm khuyên, đặc biệt là ở sụn vành tai. Điển hình là nữ nhân viên văn phòng ở Hà Nội sau khi lên mạng đã tìm đến điểm bấm khuyên tai tại quận Ba Đình để bấm lỗ vành tai. Cô gái bấm 4 lỗ ở hai bên vành tai, 3 ngày sau tai bắt đầu sưng đỏ, sốt, đau và mưng mủ. Nữ nhân viên mua thuốc giảm đau và chống viêm về uống nhưng không đỡ, cô mới tìm đến bệnh viện. Kết quả cô phải nhập viện điều trị do bị viêm sụn vành tai. Hậu quả để lại là tai bị biến dạng, phải trải qua ca phẫu thuật tái tạo lại vành tai.

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận những ca bệnh đã có 2 lỗ tai nhưng vẫn bấm thêm lỗ ở sụn vành tai để thể hiện cá tính. Nhiều người sau khi bấm, tai bị sưng đỏ, mưng mủ, sốt, tự mua chống viêm, giảm đau về uống, khi không đỡ mới vào viện. Nguyên nhân dẫn đến bị áp xe, nhiễm trùng vành tai do người bệnh bấm khuyên tại những nơi không đảm bảo vô khuẩn. Bệnh nhân thường ở độ tuổi từ 15-25, trong đó nhiều người tới viện muộn khi đã bị viêm sụn vành tai.

Nguy hiểm từ những điểm bấm khuyên tai không đảm bảo an toàn

Những điểm bấm khuyên tai không đảm bảo an toàn mọc lên nhan nhản ở Hà Nội. Ngoài các cửa hàng vàng bạc kiêm luôn việc bấm khuyên tai còn xuất hiện nhiều điểm bấm khuyên “dạo” ở quanh các trường đại học và tràn lan trên mạng xã hội. Trào lưu xỏ khuyên ở sụn tai đã khiến nhiều bà mẹ lo lắng khi con “nằng nặc” đòi đi bấm lỗ tai theo địa chỉ trên mạng.

“Con gái tôi 15 tuổi thấy các bạn có nhiều lỗ tai cũng đòi làm theo. Giải thích cho con về những nguy hiểm khi bấm khuyên tai tại những cơ sở chui, nhưng con không nghe, còn nói tìm được điểm uy tín trên mạng. Tôi lên mạng xem thì thấy họ quảng cáo hay ho, còn đã được cấp phép hay chưa thì không biết”, chị Phạm Thị Hương Lan, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết.

Vào Google tìm dịch vụ bấm khuyên tai cho kết quả rất nhiều địa chỉ mà giới trẻ tìm kiếm và cho rằng đây là những nơi “uy tín”. Tại một địa chỉ ở quận Ba Đình quảng cáo: “Xỏ khuyên nâng cao – thách thức giới hạn bản thân với các cấp độ xỏ khuyên cao hơn, lỗ xỏ nằm ở vị trí đặc biệt (vành, sụn, tai con…) trên tai hoặc biến thể của các kiểu xỏ cơ bản. Đây sẽ là những lựa chọn dành cho những bạn đam mê nghệ thuật xỏ khuyên và luôn mong muốn bộc lộ cá tính của mình thông qua những lỗ xỏ…”. Nhiều bạn trẻ đã nghe theo những lời quảng cào này và tìm đến.

Có nhiều điểm bấm lỗ tai chưa được cấp phép, người thực hiện không đeo găng tay, dụng cụ không sát trùng, vô khuẩn, do làm lén lút nên các thao tác thực hiện rất nhanh, thu tiền là xong. Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng dụng cụ không đảm bảo vô trùng, dùng nhiều lần từ người này sang người kia có thể dẫn đến nhiễm trùng, uốn ván, lây nhiễm viêm gan B, HIV. PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh cho biết, toàn bộ vành tai thì cấu trúc sụn rất tinh tế.

Khi gặp áp xe, sụn tiêu đi dẫn đến tai nhăn nhúm như mộc nhĩ. Bấm lỗ tai có thể bị nhiễm trùng ở bất cứ đâu, tuy nhiên khuyên đi qua sụn tai có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hơn cả và điều trị cũng khó hơn so với nhiễm trùng qua thùy tai hoặc các mô mềm ngay phía trên thùy.

“Điều trị viêm sụn vành tai rất phức tạp vì vi khuẩn gây viêm sụn phải dùng kháng sinh dài ngày, nạo vét sụn hoại tử dễ để lại di chứng. Nếu bệnh nhân đến viện muộn dẫn tới hoại tử hết vành tai khiến cho vành tai bị biến dạng, chỉ còn lại một nhúm, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Những trường hợp này phải phẫu thuật tạo hình lại vành tai”, BS Cảnh cảnh báo.

Theo BS Hồ Chí Thanh, nếu các bạn trẻ muốn bấm khuyên tai phải tìm hiểu thật kỹ về bấm khuyên tai hay các vị trí khác trên cơ thể và chỉ thực hiện ở những cơ sở y tế được cấp phép và đủ điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn. Người thực hiện phải là những bác sĩ có chứng chỉ chuyên môn, không nên giao tính mạng cho những “lang băm” ở những cơ sở bấm lỗ tai chui, không có chuyên môn và dụng cụ không đảm bảo vô trùng. Khi có có biểu hiện bất thường như sưng tấy lâu ngày, mưng mủ tại vị trí bấm khuyên, nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh hậu quả đáng tiếc sau này.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/gap-hoa-khi-bam-khuyen-tai-i687152/