Gập ghềnh một luật, sửa nhiều luật

Cho đến thời điểm này, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh vẫn chưa chắc chắn sẽ được trình ra kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 20-10 tới), mặc dù như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gọi điện, mong muốn dự luật được xem xét sớm để gỡ khó cho cộng đồng kinh doanh.

Tại tờ trình dự án luật gửi tới cơ quan thẩm tra hồi cuối tuần qua, Chính phủ đề nghị sửa đổi bổ sung tới 12 luật hiện hành, gồm các luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Quản lý thuế, Quảng cáo, Nhà ở, Khoáng sản, Đấu thầu, Quy hoạch đô thị và cả Luật Điện ảnh. Cụ thể, có 3 nhóm quy định được tập trung sửa đổi, gồm các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các quy định có liên quan; thủ tục hành chính đang gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh; các quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội chiều 8-10 vừa qua để thẩm tra sơ bộ dự án luật này (một cuộc họp kéo dài bất thường), dự luật vẫn nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, từ chính các bộ có liên quan.
Một thành viên trong cơ quan thẩm tra dự luật cho biết, nếu có được trình ra Quốc hội kỳ này, có thể luật cũng sẽ chỉ “gầy gò mỏng dính”, khó lòng “gỡ” hết trăm mối tơ vò mà các doanh nghiệp đang vướng phải. Nhiều khả năng sẽ chỉ có danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện có thể được trình Quốc hội sửa đổi tại kỳ họp tới đây.

Theo đó, Chính phủ đề xuất bãi bỏ một số ngành, nghề không cần thiết, cập nhật, chuẩn xác tên gọi và hệ thống hóa một số ngành, nghề; đồng thời bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phù hợp với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và bảo vệ môi trường. Dự thảo luật bãi bỏ 36 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, hợp nhất 25 ngành, nghề vào 7 ngành, nghề, chuẩn hóa tên gọi của 36 ngành, nghề và bổ sung 12 ngành, nghề. Tổng cộng, số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn 218 (giảm 49 ngành, nghề so với danh mục hiện hành). Trong số 36 ngành nghề Chính phủ muốn bãi bỏ điều kiện kinh doanh có kinh doanh dịch vụ tổ chức lễ hội, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, kinh doanh thực hiện kỹ thuật mang thai hộ...

Đáng nói là một số ngành nghề vốn đã được đề xuất bãi bỏ tại dự thảo trước đây như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; kinh doanh dịch vụ sát hạch lái xe; kinh doanh nón bảo hiểm cho người đi ô tô, xe máy... nay xuất hiện trở lại danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Và thêm vào đó, có 12 ngành nghề được Chính phủ đề nghị bổ sung vào danh mục có kinh doanh có điều kiện, gồm kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn”... Hành trình cải thiện môi trường đầu tư, tiệm cận các quy định tiên tiến của thế giới xem ra còn rất dài và không ít gập ghềnh.

ANH THƯ

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161011/gap-ghenh-mot-luat-sua-nhieu-luat.aspx