Gặp các hậu duệ của Yết Kiêu ở sông Vân

Cái lạnh dường như không thể thấm vào da thịt của những người ở CLB bơi sông Vân (tỉnh Ninh Bình). Gần như cả 365 ngày, bất kể mưa hay nắng họ như những chú rái cá, thỏa chí đắm mình trong dòng nước. Có cụ nay đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn dẻo dai tráng kiện lắm, đám thanh niên ngày nay khó lòng mà theo kịp.

Các tuyển thủ CLB bơi sông Vân tại Hội thi bơi truyền thống trung cao tuổi toàn quốc năm 2012.

1. 5 giờ kém 15 sáng, ông Vũ Đăng Đông (56 tuổi) đẩy cửa bước ra, hơi rét quất vào mặt và cuốn xuống cổ, lúc này ngoài trời khoảng 17 độ C, thế mà ông chỉ mặc độc cái quần đùi với áo may ô. Sau những động tác khởi động, ông chạy dọc con phố Lê Hồng Phong, rồi rẽ sang Lê Đại Hành để tới núi Thúy - nơi các cụ trong CLB bơi sông Vân tập trung mỗi sáng. Ông đi chân trần, còn tôi đi giày, ông Đông bảo: “Gan bàn chân có nhiều huyệt đạo, chạy bộ thế này mới tốt”.

Ông Đông với 2 HCĐ giành được ở cuộc thi bơi trung -cao tuổi 2012.

Sau quãng đường 2,5km, ông Đông leo thêm 72 bậc lên đỉnh núi Thúy tập lưng và bụng thêm mươi phút. Chạy bộ theo ông cũng khiến tôi thở ra đằng tai, mà đấy là chiều nào ở Hà Nội tôi cũng chạy bộ 2 vòng quanh cái hồ gần nhà, khoảng cách dài cũng cỡ chừng đó, nhưng với tốc độ “rùa bò”, và không khí lạnh buổi sáng ở đây hít vào làm tôi thêm rát ngực. Sức thanh niên đúng là chẳng bằng các cụ.

Núi Thúy còn gọi là núi Non Nước (tên cổ là Dục Thúy Sơn), nằm ở ngã ba sông Vân và sông Đáy. Đường lên đỉnh núi có hàng chục bài thơ được khắc vào đá, đỉnh núi bằng phẳng, từ đây có thể quan sát cầu Non Nước và cầu Ninh Bình… trấn hai đầu khúc giao này. Dưới chân núi là đền thờ danh sĩ Trương Hán Siêu đời Trần, phía sau đền là bến tắm của CLB - nơi hội tụ của những cụ… thích tắm sông quanh năm.

Từ năm 1995 - 1996 một số người hay đi tập thể dục ở công viên, lúc đó còn hay xuống dưới chân cầu đường sắt cũ (cầu Non Nước) để bơi ở đây. Đến năm 1998, thì ông Đông tham gia. “Anh em chỉ loanh quanh tập chạy ở công viên và bơi vô tổ chức”, ông Đông nói. Đến năm 2001 - 2002 thì thành lập một nhóm, góp tiền, hoàn toàn tự phát, xây mấy bậc bêtông làm bến bơi, gần sát chân núi Non Nước - cửa sông Vân. “Bơi với nhau thấy vui vui”, ông Đông cười nói. Lúc đó, trong nhóm có ông Bùi Văn Dũng - nguyên Phó Giám Đốc Sở thể thao Hà Nam Ninh (cũ) - nói với mọi người, “giờ tổ chức chúng ta lớn lớn rồi nên tham gia thi đấu cho vui”, năm 2005 một mình ông lên Hà Nội thi đấu ở cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, giải đó ông được huy chương đồng - giải thi bơi trung cao tuổi toàn quốc.

Năm 2006, ông Dũng đứng ra tổ chức thành lập tổ bơi Thúy Sơn - chính là tên CLB người cao tuổi thị xã Ninh Bình. Năm đấy, giải tổ chức ở Sài Gòn, tổ bơi cử đi 4 người, cả 4 đều có giải. Ông Dũng và ông Điến được huy chương đồng, ông Tuynh được “một đồng, một bạc” và ông Ngọc huy chương vàng trên 75 tuổi. Giải 2007, thành phố bắt đầu quan tâm tới tổ bơi này, được hội người cao tuổi cấp kinh phí, cho xe, y tế theo, có thêm 2 nữ kình ngư đi thi đấu ở tỉnh Hòa Bình, “vàng, bạc, đồng” có đủ, cả thảy là 12 chiếc. Sang năm 2008 mới thành lập được CLB, rồi đại hội để bầu ra những người đứng mũi chịu sào của CLB cho hoạt động có quy củ hơn. Cũng năm này, giải tổ chức ở Tây Ninh nên CLB không tham dự, sang năm 2009 thì một tuần thi đấu ở Đà Nẵng đã đem về cho tỉnh nhà 12 huy chương. Hiện nhiệm kỳ năm 2013-2018, chủ nhiệm CLB là ông Vũ Hữu Thường - Chủ tịch HĐND thành phố Ninh Bình; phó chủ nhiệm là ông Nguyễn Văn Ruyến - nguyên Phó GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh - nghỉ hưu được hơn 2 năm nay.

2. Năm 1981 ông Đông bất ngờ bị tai nạn lao động, những chiếc bánh răng máy đã cuốn cánh tay trái của ông vào guồng máy, ngốn cùng chiếc áo jacket tới tận bả vai. Sau tai nạn lao động nhiều năm, ông Đông rời khỏi công ty, tính chuyện làm ăn, buôn bán, rồi kinh doanh hàng điện máy, cũng có tiếng ở TP.Ninh Bình. Nhưng trước khi tham gia CLB này, ông không nghĩ mình có ngày đi thi đấu thể thao mà lại giành cả huy chương, dù thiếu một tay, và thi đấu với “dân tuyển”, nhất là ở cái tuổi ngoại ngũ tuần này.

Giải 2007, 2009, ông Đông được 2 huy chương đồng, năm 2010 tiếp tục một chiếc huy chương cùng màu. Ông nói: “Những người tham dự giải hầu hết là dân chuyên nghiệp, thi đấu từ hồi niên thiếu, có những người còn là kiện tướng bơi lội trong nhiều năm nhưng nay đã nghỉ hưu như ông Cừ (tỉnh Hà Nam) - Tổng cục thể dục thể thao; huấn luyện viên hải quân VN như ông Khanh… Ở CLB bơi sông Vân, ông Bùi Văn Dũng trước cũng được đào tạo từ ĐH thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh). Ông Nguyễn Văn Tuynh - vận động viên chuyên nghiệp đã nghỉ - phụ trách vấn đề kỹ thuật huấn luyện cho toàn CLB...

Ông Cường (52 tuổi) trò chuyện với cụ Quốc (91 tuổi) tại bến bơi.

Ông Đông nhớ mãi lần giành huy chương đồng của kiện tướng Hoàng Công Vụ năm 2009 ở Đà Nẵng. Năm 2010, giải tổ chức ở Mỹ Đình (Hà Nội), sau đó từ năm 2011 giải tổ chức hai năm một lần. Đến năm 2012 đáng ra giải tổ chức ở Hải Phòng nhưng bể bơi hỏng nên Tổng cục thể dục thể thao lại đưa về Mỹ Đình thi đấu. CLB bơi sông Vân của Ninh Bình do ông Đông làm trưởng đoàn đoạt được 17 chiếc huy chương các loại. Bản thân ông lại được thêm 2 huy chương đồng, được UBND tỉnh tặng bằng khen và động viên kịp thời bằng những phần thưởng.

“Trước khi tham gia thi đấu kinh phí đầu tư luyện tập cho các thành viên CLB chẳng đáng là bao, chủ yếu tự luyện tập là chính. Những dịp sát ngày thi đấu, CLB liên hệ bể bởi dành cho thiếu nhi trong thành phố cho anh em tập miễn phí 2 tuần… cho quen với cách xuất phát. Thành phố Ninh Bình cũng chưa có điều kiện xây bể bơi riêng, hầu hết là bể bơi tư nhân” - ông Đông tâm sự.

CLB bơi sông Vân đến nay đã có tiếng ở thành phố này, được nhiều cựu vận động viên chuyên nghiệp quanh vùng biết tới, xin tham gia. Hiện toàn CLB có 50 người, có cả cụ ông và cụ bà. Các nữ vận động viên thường không tham gia được liên tục vì phụ nữ có những cái phiền hà, bận bịu. Còn các cụ ông thì bơi quanh năm, bất kể mùa nước lũ hay giá rét, năm ngoái chỉ nghỉ đúng mùng 1 tết.

3. Sáng sớm tinh mơ, những hôm lạnh sâu, hơi nước bốc lên ngùn ngụt, cả mặt sông như một đám mây lớn, không nhìn tỏ mặt người. Ấy vậy, các cụ vẫn cứ xuống, để bơi, để thỏa mãn cái thú, nhiều lúc không định hình nổi hướng nhưng cứ như quán tính, chạm nước là bơi, bơi mải miết rồi chân lại chạm đất đúng chỗ bến bơi. Ông Ruyến bảo: “Sáng nước lên thì bơi về phía cầu đường sắt - đi ngược về xuôi - vì lúc đó mình còn sức. Chiều nước xuống, thì bơi ngược dòng về phía cầu Ninh Bình. Mùa lạnh bơi khoảng 30 phút. Chúng tôi chưa đầu hàng vì nhiệt độ bao giờ”.

Từ ngày thành lập CLB bơi sông Vân không có cụ nào bị ngã trên bờ, cũng không ai bị đuối dưới sông. Ở CLB này, người ít tuổi nhất là 43, nhiều tuổi nhất có cụ Phạm Hữu Quốc (91 tuổi), hầu hết nằm trong lứa tuổi 50-60. Thấy các cụ luyện tập làm đám thanh niên tò mò... ra bơi cùng, suýt chết đuối, may nhờ các cụ đưa vào bờ. “Hóa ra ông già lại cứu thanh niên?” - tôi châm chuyện. Nhưng ông Đông bảo: “Thanh niên có sức khỏe nhưng không có sức bền, không luyện tập thường xuyên”.

Ông Đào Sỹ Tỉnh (63 tuổi) vẫn thường xuyên bơi ở con sông này, trực tiếp ông cũng đã cứu không dưới 5 người. Ông giãi bày: “Các cháu ra đây bơi cũng phải nhắc nhở, trông chừng, gần như năm nào cũng có một vài trường hợp. Cuối năm ngoái, số đúng là may cho hai thằng bé, một đứa 18, một đứa 21 tuổi, chúng tôi bơi lên rồi thay quần áo xong, thì chúng nó bơi từ bên kia sông về, được nửa đường thì chới với cứ tưởng chúng nó đùa. May hôm đó có người mang cái phao, mình tôi ra cứu, nếu không có phao chỉ cứu được một người”.

Bến bơi sát vòm chân núi, ôm lấy một góc của khúc sông, cái lạnh làm người ta có cảm giác gai gai sống lưng, và ngợp nước vì bờ bên xa tít, tới trên 300m. Ông Đông nhúng mình dần xuống nước trước khi nhào hẳn mình xuống “dòng sông tuổi thơ” mà vẫy vùng như những chú rái cá bị cách ly sông nước lâu ngày. Từ bến bơi chân núi, 5 người bơi xuôi theo phía sông Đáy, tới chân cầu Non Nước rồi quay lại, cả đi và về khoảng 1km. Còn những người khác bơi tùy sức và cũng chẳng hạn chế kiểu bơi.

4. Tham gia CLB là những người không bị huyết áp cao, tim mạch không ở mức báo động… nam từ 40 tuổi, nữ là 35, còn già hơn thì không hạn chế, thủ tục gia nhập CLB cũng chỉ có lá đơn. Song, để xuống bơi trong cái lạnh 15-17độ C phải tuân theo quy trình. Đầu tiên là tập thể lực, nếu không chạy được thì đi bộ, không đi bộ được, thì đi xe đạp… hết một mùa hè. Những người chưa quen với nước phải tập một số buổi trong bể bơi. Sau đó, xuống nước phải dùng phao - CLB liên hệ mua được một số phao của hàng không thải ra, màu vàng có đèn báo động cấp cứu. CLB cũng quy định, nếu nhiệt độ dưới 12 độ C thì nghỉ, dưới 15 độ C thì bơi buổi chiều khoảng 15-16h, mùa đông hầu hết những người dưới 60 tuổi thì bơi sáng còn các cụ trung tuổi bơi buổi chiều.

Cụ Quỳnh gần 80 tuổi ra bơi ở sông Vân.

Cụ Quốc - người tầm thước bảy, rắn rỏi, vừa bước lên bờ, cụ cười để lộ hàm răng đều tăm tắp - bảo: “Bơi là khỏe, không có bí quyết gì cả, còn khỏe là còn bơi”. Cụ mỗi ngày đi bộ khoảng 4km, vẫy tay là 6.000 lượt, đi Thái cực quyền 5 lượt (300 động tác). Tuổi trẻ cụ bơi từ Phủ Lý tới Vũ Xã dài 6km; hồ La Két (Nam Định) - 4 vòng - mỗi lượt 1,5km. Về khoản ăn uống, cụ không phải kiêng kem gì cả, mọi thứ bình thường, huyết áp, công thức máu... “đẹp như tranh vẽ”.

Ở CLB còn có ông Vũ Mạnh Cường (52 tuổi) - ở cõi chết trở về, nhờ bơi lội thế nào mà sau 6 năm ông vẫn sống khỏe. Cổ ông Cường hằn rõ một vành dao mổ quanh cổ họng. Đầu năm 2007, phát hiện ra ung thư, tức tốc lên viện, sau hai lần mổ, 5 lần truyền hóa chất, xạ trị, các bác sĩ bảo ông Cường về… hồi phục. 6 tháng nằm nhà, nghe tiếng CLB ông quyết xin gia nhập, rồi cứ ngày qua ngày, ông khỏe dần lên, thắng được bệnh tật. Mỗi năm, ông đều lên viện kiểm tra lại một lần nhưng không thấy mầm bệnh ung thư nữa, mọi thứ trở lại bình thường, ông lại tiếp tục nghiệp kinh doanh xe máy, ô tô…

Trò chuyện rôm rả, ông Đinh Văn Viên (50 tuổi) chêm vào: “7-8 năm tham gia CLB, sức khỏe tốt, ai rủ là đi luôn, nghiện lắm, nghiện bơi, ngày nào không xuống không chịu được. Bơi riết nên quen, cảm thấy sức khỏe tự tin. Bơi trời này, người cứ lâm râm như châm kim xong lại thấy thích cứ như được mátxa”. Rồi ông bị các cụ lật tẩy… chuyện phải đeo phao mất 3 năm mới thành… rái cá.

Trước đây, ông Thường - Chủ nhiệm CLB - cũng có thời gian mất ngủ triền miên, có đêm thức trắng, sau đó tham gia bơi hằng năm trời thì lại ngủ được, rồi hầu như không ngày nào bỏ bơi.

Có cụ (xin không nêu tên) - năm nay 77 tuổi - phải trốn đi bơi sông. Con cháu cụ khuyên, cấm rồi ngăn cản cụ bơi ở đoạn sông này bởi tuổi cao, nhỡ có làm sao thì ai chịu? Thế mà, cụ vẫn lén đi bơi, sáng ra giả vờ đi bộ, rồi “nhảy ùm” xuống sông bơi, lúc bắt gặp cụ em kém gần hai chục tuổi trong CLB, cụ lại trốn về.

Sau khi lên bờ, ông Đông bảo: “Bơi quanh năm mùa nào cũng thấy dễ chịu, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông nhiệt độ xuống sâu, lúc xuống sông cảm giác như hàng vạn mũi kim châm nhưng chỉ độ vài chục giây sau cảm giác lâng lâng rất là khoái”.

Sau những giây phút “thăng hoa” ấy, mọi người lững thững đi bộ về phía quán nước trên đường Vân Giang, tập trung khoảng hai chục cụ, ngồi uống vài ba ấm trà, nói chuyện thời sự, chuyện con, chuyện cháu… rồi giải tán. Những con người trong CLB này đa số gắn bó với khúc giao sông từ thưở ấu thơ nên giờ sống thiếu nó một ngày là điều không thể.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/gap-cac-hau-due-cua-yet-kieu-o-song-van-170180.bld