Gánh nặng bệnh lao còn rất nặng nề, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường phòng, chống

Việt Nam xếp thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới, Thủ tướng yêu cầu tăng cường nguồn lực phòng, chống bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương thăm khám cho bệnh nhân lao. Ảnh: Ngọc Nga

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới ký công điện yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao.

Công điện nêu rõ: Công tác phòng, chống bệnh lao trong những năm qua nhận được sự quan tâm đặc biệt, có sự vào cuộc của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, cả hệ thống chính trị và các tổ chức quốc tế.

Hoạt động phòng, chống bệnh lao đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Hàng năm, cả nước tập trung phát hiện được trên 100.000 bệnh nhân lao, tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao đạt >90%, đang triển khai nhiều sáng kiến, kỹ thuật mới trong công tác phòng, chống bệnh lao nên tỷ lệ phát hiện bệnh lao được phục hồi rất nhanh sau dịch COVID-19. Hệ thống phòng, chống bệnh lao đã xây dựng và triển khai hoạt động trên toàn quốc từ Trung ương tới địa phương. Tình trạng bệnh lao và lao kháng thuốc đang từng bước được kiểm soát.

Tuy nhiên, hàng năm số tử vong do bệnh lao còn cao, khoảng 13.000 người; còn nhiều người mắc bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới.

Ngoài ra, công tác phòng, chống bệnh lao chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đầu tư đồng bộ; người dân còn kỳ thị, mặc cảm, chưa quan tâm đúng mức đến trách nhiệm và quyền lợi chăm lo sức khỏe cho mình, không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh...

Để kiểm soát bệnh lao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh lao. Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó ngành y tế đóng vai trò là nòng cốt.

Thủ tướng giao chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo củng cố năng lực hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (công lập và tư nhân), đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở trong việc phát hiện, quản lý, điều trị và phòng bệnh lao, trong đó có việc gắn kết với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bám sát tình hình bệnh lao tại địa phương để kịp thời chỉ đạo công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân lao. Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế có nhiệm vụ chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ công tác phòng, chống bệnh lao cho các địa phương; Rà soát, xây dựng và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý, dự phòng bệnh Lao; Khẩn trương hoàn thiện, ban hành "Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế". Tăng cường các giải pháp bảo đảm nguồn lực, nhất là thuốc điều trị cho công tác phòng, chống bệnh lao.

Các đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền, đề xuất cơ chế chính sách, triển khai các giải pháp để sớm chấm dứt bệnh lao...

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ganh-nang-benh-lao-con-rat-nang-ne-thu-tuong-chi-dao-tang-cuong-phong-chong-post507635.html