Gánh hàng của má lo Tết cho cả gia đình

Nhờ gánh hàng tháng Chạp mà bao năm, má tôi đã lo cho cả nhà có được những cái Tết đủ đầy.

Thế là một cái Tết nữa đang đến gần, đánh dấu năm thứ 25 tôi rời ngôi nhà từng gắn bó 3 thế hệ của gia đình để bắt đầu cuộc sống xa quê.

Tha hương, tranh thủ lắm, mỗi năm cũng chỉ được vài lần về thăm nhà. Nên nỗi nhớ quê cứ dồn vào những ngày tháng Chạp - tháng của thơm lừng hương bánh nổ, bánh thuẩn, mứt gừng, mứt dừa, bánh đậu xanh, bánh mè 7 lửa… của quê tôi.

Tháng Chạp cũng là thời gian gia đình tôi bận bịu nhất. Ngoài chuyện đồng áng, cả nhà tôi mỗi người một việc, cùng má tôi làm bánh để bán. Nhờ gánh hàng tháng Chạp ấy mà bao năm, má tôi đã lo cho cả nhà có được những cái Tết đủ đầy, bọn trẻ con chúng tôi có những bộ quần áo mới.

Nỗi nhớ quê cứ dồn vào những ngày tháng Chạp - tháng của thơm lừng hương bánh nổ quê tôi. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Gánh hàng bánh mứt Tết mỗi mùa tháng Chạp đã cùng má tôi đi gần hết cuộc đời, kể thêm câu chuyện về sự tảo tần của một người đàn bà cả đời chỉ biết làm lụng nuôi con, hy sinh tất cả cho gia đình mà chẳng hề nghĩ gì, dành gì cho riêng mình.

Tháng Chạp ở quê tôi còn là mùa để con cháu dọn dẹp, tu sửa mồ mả ông bà tổ tiên và làm lễ chạp mả. Với người miền Trung, ngày giỗ có thể tổ chức riêng theo ngày mất của mỗi người, nhưng chạp mả là ngày lễ chung của cả dòng họ. Xóm làng có bao nhiêu dòng họ thì có bấy nhiêu ngày chạp mả.

Các dòng họ hay nhường nhau, không tổ chức trùng ngày để con cháu về ăn chạp đông đủ, khách khứa đỡ phải áy náy khi đi dự với họ này, không dự với họ khác.

Ở miền Trung, thường sau mùng 10 tháng Chạp, các dòng họ mới tổ chức lễ chạp mả cho ông bà tổ tiên. Trước đó vài ngày, cánh trai tráng được huy động đi giẫy mả.

Trước đây khó khăn, mồ mả chủ yếu chỉ là nấm đất, hoặc cùng lắm là dựng được tấm bia, nên mỗi năm con cháu phải giẫy mả để dọn cỏ, bối đắp lại mộ. Họ nhỏ thì có thể giẫy mả trong buổi sáng, trưa về làm lễ cúng. Họ lớn, sinh sống lâu đời, mồ mả tổ tiên nằm rải rác nhiều nơi thì cả chục người phải giẫy 1-2 ngày mới xong.

Đàn ông lo giẫy mả, phụ nữ về nhà thờ họ bàn bạc, cử người đi xuống chợ Trạm (chợ Sông Vệ), hay lên chợ huyện (chợ Chùa) mua sắm thịt thà, rau quả các thứ, chuẩn bị hôm sau cùng nhau làm cỗ.

Ngày chạp, con cháu tụ hội về nhà thờ họ làm lễ chung rồi mới thụ lộc, tổ chức ăn trưa. Với những dòng họ lớn, các chi cử người đại diện về dự ở nhà thờ tộc. Chiều mới về làm chạp lại với đầy đủ con cháu của chi phái mình.

Giờ mồ mả được xây dựng kiên cố, khang trang, nhưng chạp mả vẫn là dịp để họ hàng, con cháu gặp nhau cho bõ nhớ nhung sau một năm bận rộn mưu sinh.

25 năm xa quê, trừ 2021, chưa năm nào tôi ăn Tết xa nhà. Ai cũng bảo còn cha mẹ để về quê là phúc lớn. Tôi lại xem việc về quê ăn Tết với ba mẹ như một lẽ tự nhiên. Người già chẳng ăn uống bao nhiêu, chỉ mong ngày giỗ chạp cháu con tụ họp, cùng nhau ra mộ thắp hương mời ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết.

Bữa cơm sum họp chiều ba mươi, nồi bánh tét bập bùng lửa đỏ đêm trừ tịch, trẻ con nôn nao thức đến tận giao thừa chờ ông bà vớt bánh tét...

Về quê ăn Tết, với tôi còn là về với những ngày tuổi thơ ắp đầy kỷ niệm. Tôi ra đời một đêm giữa tháng 10. Đêm đông rét mướt, ánh đèn dầu le lói khiến bà nội tôi vì thức khuya dậy sớm chăm sóc con dâu, cháu nội, mà đã vấp ngã và bị tai biến.

Hồi ấy cứ bảo là bà bị trúng gió cấm khẩu. Bà qua đời khi tôi mới vài tuần tuổi. Má con tôi nợ bà một món nợ lớn.

Ông nội tôi thành trụ đỡ của gia đình. Ba tôi sống đời công chức xa nhà. Má tôi quần quật với ruộng đồng, cùng các cô chèo chống cả nhà 10 miệng ăn, các con đều được đi học. Tôi lớn lên phần nhiều gắn bó với ông nội. Ông học chữ Nho, thuộc lớp người cũ, nên những thứ thuộc về tổ tiên, dòng họ luôn là điều thiêng liêng nhất.

Ngày ấy, dù không biết đi xe đạp, ông vẫn không bỏ sót ngày giỗ chạp nào của họ hàng nội ngoại hai bên. Đi thăm anh em, sui gia cách nhà cả chục cây số, ông đi bộ mấy ngày mới về, có khi đi cả tuần. Những lần như vậy, ông thường dắt tôi theo.

Tôi đã trở thành cái bóng của ông, khi thì trên những con đường mòn mỗi lần đi ăn giỗ, ăn chạp họ gần họ xa, khi thì cùng ông chăn bò, vỡ đất trồng thuốc lá, khi thì phụ ông lo việc cúng tế trong nhà. Những cái tên Gò Tràm, Gò Thống, Bàu Hữu, Bàu Sen, Bàu Lát... trở thành nơi lưu giữ ký ức khó quên.

Quê tôi gọi những vùng trũng, nước ngập lênh láng trong mùa mưa là bàu. Bàu là nơi điều tiết nước trong mùa mưa, dự trữ nước để nông dân cấy lúa trong mùa nắng. Những cái bàu còn là “của để dành” ông trời ban cho người dân có thêm bữa cơm nóng đi qua tháng ngày gian khó với đĩa tép kho, con cá nướng dầm mắm ớt.

Cũng chẳng hiểu vì sao, ở quê tôi, cứ bên cạnh một cái bàu lại là một cái gò cao. Dân quê tôi gọi nơi chôn cất người chết là gò. Gò Thống, Gò Tràm, Gò Ngựa, Gò Gai, Gò Vôi… là những cái tên luôn gợi lên trong lòng đứa con xa quê như tôi nỗi nhớ nôn nao những ngày tháng Chạp.

Tình cảm thiêng liêng với cội nguồn, gia tộc vốn dĩ dễ bị lẩn khuất vì những vất vả mưu sinh, luôn có dịp bừng thức, trở thành luồng mạch chảy trong huyết quản, để mỗi người con đi xa cảm nhận được hơi ấm của tình thân, thấy được trách nhiệm của mình đối với gia đình, dòng tộc, ý thức rằng quê hương luôn là chốn tìm về.

Vân Thiêng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ganh-hang-cua-ma-lo-tet-cho-ca-gia-dinh-2246018.html