Gắn đào tạo với giải quyết việc làm

Là một trong ba trường dạy nghề đầu tiên của Quân đội và nằm trong tốp bốn mươi trường cao đẳng nghề quốc gia, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường cao đẳng nghề số 3 (Bộ Quốc phòng) đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực, xây dựng nhà trường thành trung tâm dạy nghề có uy tín; là địa chỉ tin cậy đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ và nhân dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Coi trọng chất lượng đào tạo

Với phương châm coi người dạy là trung tâm - nhân tố góp phần quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo (GD, ĐT), Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường cao đẳng nghề số 3 đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, xác định việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên gắn hiện đại hóa trang, thiết bị, đồ dùng giảng dạy là khâu đột phá.

Hiệu trưởng nhà trường Đại tá Lê Thanh Thủy cho biết: Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhà trường thực hiện tuyển dụng, ký hợp đồng giáo viên ngoài quân đội có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực và trình độ. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí, cử giáo viên đi đào tạo, tham gia các lớp tập huấn trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ. Tiến hành đào tạo tại chỗ, bằng việc mở các lớp tập huấn, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, người có chuyên môn giỏi bồi dưỡng cho đồng nghiệp. Hằng năm, nhà trường tổ chức hội thi, hội thao, hội giảng để đánh giá thực chất đội ngũ giáo viên, để từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng sát thực tế. Nhà trường hiện có 200 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 51 giáo viên dạy giỏi cấp bộ và 15 giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.

Cùng với đó, từ năm 2009 đến nay, nhà trường đầu tư gần 400 tỷ đồng để hiện đại hóa hệ thống giảng đường; mua sắm trang, thiết bị phục vụ công tác GD-ĐT. Toàn trường hiện có bảy mươi phòng học lý thuyết, bảo đảm ánh sáng, môi trường và được lắp đặt máy trình chiếu; 106 xưởng thực hành, trong đó có bảy xưởng đạt tiêu chuẩn ISO, 28 xưởng đạt tiêu chuẩn ASEAN, 71 xưởng đạt tiêu chuẩn quốc gia. Nhà trường đào tạo bình quân từ 15 nghìn đến 17 nghìn học viên/năm; với hơn 200 xe ô-tô, cùng ba trung tâm sát hạch lái xe, đào tạo 2.400 lái xe/năm.

Có mặt tại trường dù gần về trưa, nhưng tại xưởng thực hành, các học viên vẫn say sưa học tập. Học viên Trần Văn Khang, lớp Cao đẳng K16A, chuyên ngành sửa chữa ô-tô tâm sự: “Với phương pháp giảng dạy lý thuyết gắn thực hành, nên tôi cùng các học viên trong lớp tiếp thu bài nhanh, nắm chắc kiến thức đã học, để khi tốt nghiệp ra trường vận dụng vào thực tế công việc được ngay”.

Theo sát hướng dẫn học viên thực hành động tác, Đại úy Đào Trung Kiên, Phó trưởng Khoa Công nghệ ô-tô cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo học viên, trong giảng dạy, khoa đã chia cán bộ, giáo viên thành các tổ để giảng dạy; sử dụng học viên học tập khá kèm cặp, giúp đỡ học viên yếu; kết hợp thường xuyên tổ chức học viên đi tham quan, thực tập tại các doanh nghiệp trên địa bàn… Do vậy, trình độ, tay nghề của học viên tốt nghiệp ra trường không ngừng được nâng lên.

Liên kết tạo việc làm cho học viên

Để thu hút đông đảo bộ đội xuất ngũ, thanh niên từ các địa phương trên địa bàn đến học nghề, những năm qua, cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường còn chú trọng đến “đầu ra” cho học viên sau khi tốt nghiệp. Trong đó, nhà trường đã liên kết hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương..., để tư vấn, giới thiệu việc làm cho học viên. Do vậy, nhiều học viên tốt nghiệp ra trường đã tìm được việc làm tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp và có thu nhập ổn định...

“Cách đây hơn một năm, tốt nghiệp chuyên ngành sửa chữa ô-tô, ra trường, tôi được Trung tâm sữa chữa, bảo dưỡng ô-tô của nhà trường nhận vào làm việc. Tại đây, với công việc chuyên sửa chữa, bảo dưỡng ô-tô cho thu nhập từ sáu đến bảy triệu đồng/tháng, trừ chi phí của bản thân, mỗi tháng tôi gửi về gia đình hơn bốn triệu đồng. Môi trường làm việc ở đây phù hợp khả năng, lại có thu nhập ổn định, nên tôi xác định sẽ gắn bó Trung tâm của nhà trường lâu dài…”, anh Nguyễn Văn Tuân, học viên lớp Cao đẳng K15A cho biết.

Đến thăm ga-ra ô-tô Thạnh Nhung, nằm sát trung tâm huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) - một địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng trên địa bàn và các vùng lân cận. Anh Nguyễn Văn Thạnh chủ ga-ra ô-tô là học viên của Trường cao đẳng nghề số 3. Anh Thạnh cho biết: “Tốt nghiệp ra trường với chuyên ngành sửa chữa ô-tô, tôi đi làm thuê cho công ty tư nhân. Đến cuối năm 2012, vợ chồng tôi mạnh dạn vay mượn thêm vốn để mở ga-ra ô-tô này. Lúc đầu quản lý, điều hành hoạt động của ga-ra ô-tô, vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn, nhưng bây giờ đã quen công việc và cho gia đình thu nhập ổn định. Hiện tại, hằng ngày, ga-ra có hơn mười công nhân làm việc, thu nhập bình quân từ bảy đến tám triệu đồng/người/tháng”.

Có mặt tại Công ty Thiên Trường, ở đường Trường Chinh, quận Kiến An (TP Hải Phòng) - một doanh nghiệp chuyên phân phối và bảo hành máy lọc nước, do anh Nguyễn Xuân Dưỡng, là học viên khóa 1, Khoa Điện tử - Điện lạnh của nhà trường và anh trai là chủ doanh nghiệp. Anh Dưỡng tâm sự với chúng tôi: “Tốt nghiệp ra trường, tôi làm việc cho hai công ty khác nhau. Khi thấy máy lọc nước có thể kinh doanh được, tôi bàn với anh trai chung vốn để mở công ty kinh doanh và đã có thu nhập ổn định".

Bài và ảnh: NGUYỄN THANH SANG

(Báo Quân khu 3)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/32349802-gan-dao-tao-voi-giai-quyet-viec-lam.html