Gần dân, đối thoại với dân - 'Liều thuốc' hữu hiệu trị bệnh 'quan liêu'

Bài 3: Năng lực của đội ngũ cán bộ quyết định chất lượng các cuộc đối thoại

Bài 3: Năng lực của đội ngũ cán bộ quyết định chất lượng các cuộc đối thoại

Tin liên quan

Gần dân, đối thoại với dân - “Liều thuốc” hữu hiệu trị bệnh “quan liêu”

Đối thoại trực tiếp là một việc phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, tri thức, kinh nghiệm và quan điểm lập trường rõ ràng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Mặt khác, người lãnh đạo cần phải nắm bắt được yêu cầu chính đáng của người dân để trả lời thỏa đáng, đề ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý.

Qua ý kiến của nhiều người dân tại các hội nghị đối thoại trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, phần lớn người dân đều mong muốn người đứng đầu trực tiếp đứng ra trả lời, giải quyết khiếu nại, bức xúc được nêu tại hội nghị. Bởi khi người đứng đầu đối thoại, nói chuyện, trao đổi thẳng thắn với nhân dân, thì người dân sẽ thấu hiểu và nhận thức rõ sự việc đúng - sai, trách nhiệm của dân đến đâu, của chính quyền đến đâu... Từ đó, sẽ tạo được sự đồng thuận, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng: Để các cuộc đối thoại thực sự có chất lượng và hiệu quả, bên cạnh các yếu tố, như: bản lĩnh chính trị, năng lực điều hành, tri thức và kinh nghiệm, văn hóa đối thoại của người đứng đầu, vai trò của đội ngũ làm công tác tham mưu cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Thực tế, trước khi diễn ra các cuộc đối thoại, căn cứ chức trách nhiệm vụ được giao, MTTQ các cấp cũng phải bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng, những bức xúc của người dân để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đối thoại cho phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Bởi vì, nếu đội ngũ tham mưu làm việc thiếu tâm huyết, thiếu khoa học và hạn chế về trình độ năng lực thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả của các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Sở dĩ nói, chất lượng các cuộc đối thoại là thước đo năng lực của đội ngũ cán bộ là vậy.

Hạ tầng giao thông trên địa bàn xã An Đổ (Bình Lục) được đầu tư xây dựng đồng bộ. Ảnh: Nguyễn Oanh

Theo kết quả đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, sau 7 năm triển khai thực hiện, hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, thiết thực và hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Hà Nam đã tổ chức 594 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở với nhân dân. Nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giải phóng mặt bằng triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn hóa, giáo dục, y tế; môi trường; chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp; đời sống, việc làm của người lao động; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Với nhiều đối tượng tham gia là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội; nhân dân các địa bàn thôn, tổ dân phố; doanh nhân; các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; công nhân lao động trong các KCN.

Tại buổi tiếp xúc, đối thoại, các ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan liên quan và trực tiếp trả lời đầy đủ, trách nhiệm, trọng tâm, trọng điểm, thấu tình, đạt lý, cơ bản được nhân dân đồng tình và đánh giá cao. Sau hội nghị đối thoại, cấp ủy các cấp đã ban hành kết luận lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể về nội dung, thời gian lộ trình giải quyết những ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân.

Đánh giá về chất lượng công tác đối thoại, đồng chí Đinh Văn An, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Với quan điểm “Lấy dân làm gốc”, nhân dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực cách mạng, các hoạt động đối thoại được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh thời gian qua thực sự là diễn đàn nhân dân. Các cuộc đối thoại luôn bám sát thực tế, hướng đến việc dân cần. Thông qua đó, đã tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; đồng thời, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền và nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ; phát huy và mở rộng quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, để hạn chế “bệnh hình thức”, tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại, theo đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Tỉnh ủy Hà Nam sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng, trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của chính quyền, gắn với thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở ở các loại hình. Tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Hướng dẫn số 09-HD/TU ngày 12/5/2022 của BTV Tỉnh ủy về “Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân”. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong tiếp xúc, đối thoại, giải quyết các đề xuất, kiến nghị, nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý, điều hành của chính quyền; là tiêu chí đánh giá chất lượng cấp ủy, đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, xây dựng, trách nhiệm. Thực hiện tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dự báo tình hình, lựa chọn đúng, trúng vấn đề đối thoại theo nhu cầu chính đáng của nhân dân, tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm, địa bàn phức tạp, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, như: giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đời sống, việc làm của nhân dân, người lao động... Lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất của nhân dân, coi đây là nội dung có ý nghĩa quyết định thành công của đối thoại. Phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện kết luận đối thoại nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

Có thể khẳng định, việc tổ chức hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là việc làm rất thiết thực, hiệu quả; được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe từng ý kiến, kiến nghị của nhân dân để giải quyết thấu đáo, kịp thời ổn định tình hình nhân dân ngay từ cơ sở, là phương pháp, kỹ năng “dân vận khéo” nhằm hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài hoặc phát sinh “điểm nóng”. Đồng thời giúp việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách của tỉnh đi vào đời sống, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX; xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh.

Minh Thu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/gan-dan-doi-thoai-voi-dan-lieu-thuoc-huu-hieu-tri-benh-quan-lieu-83177.html