Gần 70 dự án mời gọi đầu tư tại TP.HCM và ĐBSCL

(HQ Online)- Ngày 1-7, dưới sự chủ trì của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – TP.HCM.

Khách tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của các địa phương tại hội nghị. Ảnh: N.Hiền

Tại Hội nghị, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP.HCM đã giới thiệu 69 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư. Hầu hết địa phương tập trung nhiều vào các dự án hạ tầng giao thông, cảng như dự án tuyến metro số 2 và tuyến monorail số 2 của TP.HCM, dự án cảng biển tổng hợp Hòn Khoai của Cà Mau...

Các địa phương mong muốn nhận được nhiều dự án đầu tư vào chế biến nông – thủy sản, phát triển các khu thương mại – dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng khách sạn cao cấp, khu du lịch – giải trí. Các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang còn tập trung mời gọi đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế biển. Hai tỉnh An Giang, Long An tiếp tục mời gọi đầu tư vào các khu thương mại – dịch vụ, khu kinh tế cửa khẩu. Quan tâm đến việc tiêu thụ nông sản, tỉnh Hậu Giang mời gọi đầu tư vào chợ nông sản chất lượng cao quy mô đến 100 ha và tỉnh Vĩnh Long mời gọi đầu tư vào Trung tâm giao dịch hàng nông sản Bình Minh trên diện tích 1,1ha.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện ĐBSCL thu hút được 1.205 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ĐBSCL đạt 8,7 tỷ USD (tăng 3,2% so cùng kỳ), trong đó xuất khẩu đạt 5,9 tỷ USD (tăng 4,5% so cùng kỳ).

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường xuất khẩu nông thủy sản của ĐBSCL có nhiều bước tiến, ngoài việc duy trì thị phần tại các thị trường truyền thống, còn mở rộng được các thị trường tiềm năng khác. Đặc biệt, trái cây đã xuất khẩu vào nhiều thị trường quốc tế. Vừa qua, Việt Nam đã ký kết và kết thúc đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, kỳ vọng sẽ giúp cho ĐBSCL mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, dự báo xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các rào cản thương mại, các vụ kiện chống phá giá, chống trợ cấp diễn biến phức tạp. Trong khi đó, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vẫn chưa phát huy hiệu quả rõ rệt.

Về du lịch, ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch sinh thái. Thêm vào đó, ĐBSCL là nơi gìn giữ các nền văn hóa của người Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, nhiều lễ hội, ẩm thực độc đáo, đặc biệt loại hình đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Những đặc điểm này đã tạo nên sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với ĐBSCL thời gian qua. Cụ thể, lượng khách đến ĐBSCL tăng bình quân 11%/năm trong 10 năm qua. Riêng năm 2015, cả vùng đón trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế và trên 18 triệu lượt khách nội địa.

Dù có nhiều tiềm năng, song theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của ĐBSCL vẫn còn những hạn chế nhất định, thiếu liên kết. Vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ĐBSCL còn thấp. Thương mại giữa ĐBSCL với TP.HCM ngày càng được mở rộng, nhưng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn, du lịch chưa kết nối được nhiều tour, tuyền từ TP.HCM đến ĐBSCL.

Hiện tại ĐBSCL vẫn còn những diện tích lớn chưa khai thác phủ kín ở Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Nam sông Hậu và vùng đất mũi Cà Mau. Do đó, tiềm năng đầu tư nông, ngư nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ vào các vùng nguyên liệu ở ĐBSCL vẫn còn rất lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, chương trình Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa ĐBSCL và TP.HCM là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp tại vùng kinh tế nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. Những năm qua, nhiều giải pháp đã được các địa phương triển khai đặc biệt trong sản xuất lương thực, chế biến nông thủy sản, hoa quả …, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho các địa phương trong khu vực. Vì vậy, việc liên kết giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL, khu vực đóng góp 18,5% GDP cả nước, là định hướng đúng đắn và lâu dài.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định chính quyền thành phố cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cam kết tiếp tục cùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các bộ, ngành Trung ương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/gan-70-du-an-moi-goi-dau-tu-tai-tp-hcm-va-dbscl.aspx