Gần 1.000 bị hại đội mưa đến phiên xử vụ Tân Hoàng Minh

Hội đồng xét xử triệu tập hơn 6.600 bị hại là các nhà đầu tư của Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp có đơn xin vắng mặt.

Sáng nay (19/3), TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm Đỗ Anh Dũng (SN 1961, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và 14 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh).

Theo PV ghi nhận, từ sáng sớm khi trời đổ mưa và se lạnh, gần 1.000 nhà đầu tư (bị hại của vụ án) của Tân Hoàng Minh xếp hàng dài trước trụ sở TAND TP Hà Nội để làm thủ tục. Lực lượng bảo vệ tòa án kiểm tra chặt chẽ giấy tờ của những người đến phiên xử.

Bên trong nhà bạt được dựng lên ở sân tòa án, hàng chục cảnh sát vừa làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự và hướng dẫn các bị hại xếp hàng làm thủ tục từ sớm.

Trước phiên xử này, Hội đồng xét xử triệu tập hơn 6.600 bị hại là các nhà đầu tư của Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp có đơn xin xét xử vắng mặt. Theo PV quan sát, chỉ có khoảng 1.000 bị hại đến tòa để tham gia tố tụng.

Một trong các bị hại là bà Nguyễn Thị L (SN 1965, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội). Chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà L cho biết mình đầu tư cho Tân Hoàng Minh từ năm 2021 với tổng số tiền trên một tỷ đồng. "Nếu theo thỏa thuận thì tôi sẽ được hưởng khoảng 200 triệu tiền lãi, hôm nay tôi đến đây để đòi quyền lợi", bà L cho hay.

Để làm thủ tục cho hàng nghìn bị hại, TAND TP Hà Nội bố trí 10 bàn tiếp đón tại khu vực nhà bạt. Đến 8h45 cùng ngày, công tác tiếp đón vẫn đang diễn ra. Những nhà đầu tư này sẽ ngồi tham gia tố tụng tại nhà rạp ở khu vực sân tòa án. Họ theo dõi hội đồng xét xử làm việc thông qua màn hình cỡ lớn được lắp ngay tại nhà rạp ngoài trời.

Theo cáo trạng, tháng 6/2021, Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn. Mục đích để lấy tiền trả nợ cho doanh nghiệp và chi tiêu. Ông Dũng và đồng phạm không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh để huy động vốn do số liệu tài chính phức tạp, khó kiểm toán. Trái lại, họ chọn ba công ty trực thuộc tập đoàn này để phát hành trái phiếu.

Bằng những cách làm trên, ba công ty thuộc Tân Hoàng Minh phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Sau đó, các bị cáo ký nhiều hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu, tạo dòng tiền khống để tạo lập giá trị ảo của trái phiếu. Cuối cùng, Tân Hoàng Minh huy động được gần 14.000 tỷ đồng từ người mua trái phiếu (nhà đầu tư). Tính đến tháng 4/2022, Tân Hoàng Minh đã dùng hơn 5.000 tỷ huy động của nhà đầu tư sau để trả cho người mua trái phiếu trước.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gan-1000-bi-hai-doi-mua-den-phien-xu-vu-tan-hoang-minh-192240318205647348.htm