'Gãi đúng chỗ ngứa' cho doanh nghiệp thoát khỏi các khoản phí cao

Để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vượt qua giai đoạn trầm kha này, việc giảm các khoản phí của ngân hàng và tiếp tục giảm mức thu của một số khoản phí, lệ phí là rất quan trọng. Vấn đề là việc cắt giảm cần thực chất, 'gãi đúng chỗ ngứa' thì mới giúp DN thoát khỏi áp lực lâu nay là phải gánh chịu các khoản phí cao.

Vừa qua, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung (SPD) đã quyết định đầu tư thêm dây chuyền máy móc thiết bị phân loại nhỏ cỡ camera 6 size để phân loại tôm thẻ HOSO, HLSO thành 6 tổ hợp kích cỡ tôm khác nhau với chi phí đầu tư gần 7 tỷ đồng. Việc đầu tư này nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ đối tác ở các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Còn “khúc mắc” về các khoản phí của ngân hàng

Điểm đáng chú ý là thay vì vay vốn của ngân hàng thương mại (vừa có lãi suất cao vừa có nhiều khoản phí dẫn đến không có hiệu quả khi đầu tư), SPD đã tiếp cận và vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển Tp.Đà Nẵng với số tiền 5,55 tỷ đồng (80% giá trị chi phí đầu tư).

Các DN nhỏ và vừa vẫn đang chờ được giảm các khoản phí có tính thực chất hơn để phần nào giúp họ thoát khỏi tình cảnh khó khăn.

Đến nay, 100% vốn vay đã được giải ngân, dây chuyền máy móc thiết bị mới đã đi vào hoạt động, lãi suất vay vốn chỉ 6,5%/năm, thấp hơn từ 3 - 4% so với vay vốn của các ngân hàng thương mại và không phải chịu quá nhiều khoản phí như ở ngân hàng.

Như chia sẻ của bà Trần Như Thiên Mỵ, Tổng giám đốc SPD, mức lãi suất chỉ bằng khoảng 50 - 60% so với ngân hàng thương mại hiện nay và được duy trì ổn định trong thời gian vay 5 năm. Qua đó giúp công ty giảm áp lực về chi phí tài chính, đầu tư được máy móc thiết bị sản xuất mới để tăng sức cạnh tranh, tăng giá trị xuất khẩu…

Nêu ra câu chuyện của DN thủy sản nêu trên để thấy vẫn còn đó “khúc mắc” về các khoản phí của ngân hàng khiến cho DN phải tìm đến nguồn vốn khác với chi phí tài chính khả dĩ hơn (tuy không phải DN nào cũng may mắn trong việc tiếp cận vốn như SPD).

Tính chất bất cập này cũng đã được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) nhìn thấy rõ. Và mới đây, vào trung tuần tháng 6/2023, trong công văn gửi đến Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hiệp hội này có than phiền về hoạt động sản xuất, chế biến trong nước đang bị gánh nặng các loại chi phí từ phía ngân hàng tăng cao.

Theo đó, bên cạnh vấn đề lãi suất cao, cần phải kể đến các khoản phí của ngân hàng như: Phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD),…

“Việc quản lý các mức phí của các ngân hàng chưa được thực hiện dẫn đến việc một số ngân hàng áp phí quá cao”, phía Vasep lưu ý.

Ngoài ra, giới phân tích nhận định phần lớn DN của Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, các DN mới khởi nghiệp, nên nguồn vốn ngân hàng là kênh chính để đầu tư, phát triển, đặc biệt giai đoạn hiện nay ngoài nguồn vốn vay, các kênh huy động vốn từ thị trường tài chính gần như không hiệu quả.

Thế nhưng, việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và DN vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý. Điều này gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của DN trong các năm đầu khi mới đầu tư.

Vẫn chờ giảm phí có tính thực chất

Về phía Vasep có đề nghị cần sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và DN vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp DN không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập DN.

Mặt khác, cần sửa đổi lại quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay tại diểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán,…để các DN sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên có quy định các mức trần về các loại phí ngân hàng để kiểm soát việc các ngân hàng tăng phí quá cao. Và điều mong đợi là các ngân hàng thương mại cần giảm ít nhất 50% các mức phí thu hiện nay cho đến hết năm 2023.

Ngoài vấn đề nêu trên, cũng vào trung tuần tháng 6/2023 đã có Dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và DN, được cho là giảm nhiều loại phí liên quan đến hoạt động thẩm định các điều kiện và cấp giấy phép kinh doanh với mức giảm là 50% so với quy định hiện hành.

Mới đây, khi góp ý với Bộ Tài chính về Dự thảo nêu trên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các DN hoan nghênh việc tiếp tục giảm mức thu của một số khoản phí, lệ phí. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tuy vậy, đối với các loại phí liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh, như lưu ý của VCCI, cũng có một số loại phí tại Dự thảo có cùng tính chất này nhưng mức giảm lại khá thấp. Ví dụ như: “Phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động” chỉ giảm 30%.

Hoặc như “phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản” giảm 10%; “phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự, giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự” giảm 20% …

Theo VCCI, điều này có thể khiến chính sách giảm phí trở nên thiếu rõ ràng, tại sao thủ tục cùng tính chất mức giảm lại khác nhau? Nhất là khi hiện nay có khoảng hơn 220 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, rất nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh trong số này đang được quản lý theo cơ chế thẩm định điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh.

“Trong khi đó, Dự thảo mới chỉ giảm các mức phí liên quan đến hoạt động thẩm định điều kiện kinh doanh và cấp phép của một số ít ngành nghề kinh doanh có điều kiện (khoảng 9-10 ngành nghề). Điều này khiến cho mức độ tác động của chính sách giảm phí bị hạn chế đáng kể”, VCCI nhấn mạnh.

Cần nhắc lại, hồi tháng 5/2023, trong công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc rà soát đề xuất giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN, Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí. Thời gian áp dụng từ 1/7 đến hết 31/12/2023.

Cho nên, nhìn từ tình hình thực tế của DN trước áp lực về các khoản phí cao của ngân hàng, rồi kiến nghị của Vasep cho đến góp ý của VCCI, đang rất cần phía Bộ Tài chính lưu tâm và có những điều chỉnh giảm phí một cách thực chất, phù hợp hơn nữa để “gãi đúng chỗ ngứa” cho DN giữa áp lực về các khoản phí.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/gai-dung-cho-ngua-cho-doanh-nghiep-thoat-khoi-cac-khoan-phi-cao-1093348.html