Fintech vs ngân hàng: Bạn hay thù?

Các định chế tài chính truyền thống, đặc biệt là ngân hàng – thường được xem là bảo thủ và ít thay đổi đang dần cảm nhận được mối đe dọa từ Fintech.

Năm 2016 là một cột mốc khá đáng nhớ cho các công ty làm trong lĩnh vực công nghệ tài chính ( Fintech ) khi lĩnh vực này chứng kiến sự bùng nổ về cả số lượng startup, ý tưởng lẫn khoản đầu tư vào đây.

Mối đe dọa cho các định chế tài chính truyền thống?

Việt Nam là một mỏ vàng cho các công ty công nghệ, khi sở hữu cấu trúc dân số trẻ, và năng động, tỷ lệ dân số kết nối với Internet đạt 44%, tỷ lệ sử dụng smartphone là 40% và dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Trái ngược với điều này, mức độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính còn rất thấp, khi chỉ 30% dân số có tài khoản ngân hàng – thấp hơn rất nhiều so với con số trung bình 60% của thế giới. Tỷ lệ này còn tiếp tục giảm mạnh ở vùng nông thôn – 16%. Lĩnh vực công nghệ tài chính, trong đó các sản phẩm cung cấp trải nghiệm ngân hàng, là một sân chơi mới đang chờ được khai phá.

Lĩnh vực này đang nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, các cơ quan quản lý và cũng như sự năng động, và nhanh chóng đổi mới của chính các công ty Fintech.

Như một hệ quả tất yếu, các định chế tài chính truyền thống, đặc biệt là ngân hàng – thường được xem là bảo thủ và ít thay đổi sẽ cảm nhận được mối đe dọa từ Fintech. Theo một khảo sát phạm vi toàn cầu mới đây của PwC, 83% định chế tài chính truyền thống lo ngại rằng một phần hoạt động kinh doanh của họ có nguy cơ rơi vào tay công ty công nghệ tài chính. Trong vòng 5 năm tới, 24% thị phần các ngân hàng trong mảng chuyển tiền và thanh toán sẽ rơi vào tay các Fintech, con số này sẽ là 22% trong lĩnh vực quản lý tài sản và 21% trong lĩnh vực bảo hiểm.

Cạnh tranh hay hợp tác?

Câu hỏi được đặt ra liệu các ngân hàng tại Việt Nam nên làm gì trước xu thế này: cạnh tranh hay hợp tác để cùng phát triển?

Chia sẻ tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2016 (VEPF) mới đây, ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Techcombank cho biết, hiện các xu hướng công nghệ tài chính trên thế giới có 2 mục tiêu chính: thay thế kênh truyền thống bằng cách giảm chi phí, tăng độ tiện dụng và trải nghiệm của khách hàng và khai thác thị trường mới thông qua công nghệ đặc biệt là đối với phân khúc khách hàng cá nhân. Đối với thị trường Việt Nam khi tỷ lệ phổ cập dịch vụ tài chính của người dân còn rất thấp đặc biệt là khu vụ nông thôn thì các giải pháp công nghệ để tiếp cận và phổ cập dịch vụ tài chính sẽ là xu hướng chính trong thời gian tới.

“Quan điểm của tôi là ngân hàng vẫn sẽ luôn giữ vai trò trung tâm trong việc kết nối các thành phần kinh tế và cung cấp các dịch vụ và giải pháp tài chính đến từng cá nhân, doanh nghiệp”, ông Sơn nói.

Theo Phó Tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng với nền tảng khách hàng lớn hiện tại và mạng lưới chi nhánh rộng khắp sẽ là một lợi thế cạnh tranh khó có thể san lấp khi việc sử dụng tiền mặt vẫn là thói quen chủ yếu của người dân Việt Nam. Thêm vào đó, uy tín cùng khả năng bảo mật vượt trội – điều quan tâm lớn của khách hàng – cũng đặt ngân hàng ở vị trí trung tâm.

Ngoài ra, ngân hàng cũng là kênh trung gian giúp Nhà nước quản lý, ban hành và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính trọn vẹn và ổn định của nền kinh tế.

“Ngay cả trên thế giới hiện nay, một xu hướng đang diễn ra rất mạnh đó là không phải các công ty công nghệ tài chính thay đổi các định chế tài chính mà lại là ngược lại: các định chế tài chính đang thay đổi họ. Có thể thấy, các công ty công nghệ tài chính và ngân hàng đều sở hữu những thế mạnh riêng biệt và bổ sung cho nhau, việc hợp tác giữa hai bên rõ ràng sẽ khiến cho ngành tài chính – ngân hàng lột xác và thay đổi nhanh chóng”.

“Các công ty Fintech sẽ tiếp cận với nguồn khách hàng của ngân hàng và được hỗ trợ bởi nguồn vốn dồi dào từ ngân hàng, để có thể đẩy mạnh và hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ của chính mình. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể mang lại những trải nghiệm mới mẻ và tiện ích hơn tới những khách hàng đã có của mình, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ và chạm được đến các thị trường ngách – mà trước đây do hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật và tiềm lực của chính các ngân hàng – đã bị bỏ quên”, Phó Tổng giám đốc Techcombank nêu ý kiến.

Cần “thất bại một cách an toàn”

Trong khi các ngân hàng tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các công ty Fintech để có thể cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số tiên tiến nhất, họ cũng đồng thời phải đặt ra câu hỏi: Liệu việc hợp tác hay tích hợp này sẽ đem lại những rủi ro như thế nào? Và quan trọng hơn, là làm thế nào để có thể quản lý được những rủi ro này.

Theo ông Jan Bellens, Phó Tổng giám đốc phụ trách thị trường mới nổi toàn cầu Ernst & Young, khi các nhà băng hợp tác với các công ty Fintech, đặc biệt là với một công ty ít tên tuổi, họ có thể sẽ phải đối mặt với hàng loạt rủi ro hoạt động.

Thứ nhất là rủi ro pháp lý. Khi hợp tác với các công ty Fintech, ngân hàng cần rà soát các đặc điểm và chức năng của sản phẩm mới để tránh các ảnh hưởng tiềm tàng về mặt pháp lý. Việc này nhằm đảm bảo các ngân hàng không bỏ sót các quy định mới, cũng như việc tuân thủ các quy định hiện hành không bị ảnh hưởng.

Thứ hai là rủi ro của đơn vị cung cấp thứ ba. Mặc dù ngân hàng không có quyền quản lý trực tiếp, nhưng ngân hàng sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm pháp lý nếu rủi ro phát sinh. Do đó, ngân hàng cần chặt chẽ hơn khi đánh giá các đơn vị cung cấp công nghệ, đồng thời thực hiện áp dụng các biện pháp quản lý và thẩm định rủi ro, tốt nhất là các biện pháp này có thể định lượng và chứng minh được với cơ quan chức năng.

Thứ ba là rủi ro dự án. Theo Phó tổng giám đốc EY, do tỷ lệ thất bại của các dự án chuyển đổi được ước tính có thể lên tới 50%, các ngân hàng cần xây dựng kế hoạch triển khai dự án Fintech một cách toàn diện. Các ngân hàng cần hiểu rõ các yếu tố mới trong rủi ro hoạt động khi thực hiện triển khai Fintech có thể ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng như thế nào và các chức năng cần bổ sung để giải quyết các rủi ro này là gì.

“Có thể nói, để đảm bảo danh tiếng và khả năng hoạt động liên tục của ngân hàng thì cần phải “thất bại một cách an toàn”, nghĩa là việc thực hiện các dự án công nghệ cần phải được thử nghiệm trong một môi trường hoàn toàn riêng biệt và cách ly với môi trường bên ngoài nhằm bảo đảm rằng nếu thất bại, nó sẽ không có tác động quá nghiêm trọng lên hoạt động của toàn bộ ngân hàng hay gây ảnh hưởng lên các bộ phận khác”, ông Jan nói.

Trần Thúy

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/fintech-vs-ngan-hang-ban-hay-thu-2225132.html